Tết Việt- nét đẹp nhân văn gắn kết người Việt với bạn bè quốc tế

Mai Liên
Chia sẻ
(VOV5) -Một năm mới tới đem đến biết bao niềm vui, sự hứng khởi, hi vọng cho không chỉ người dân Việt Nam mà cho những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Đối với những người nước ngoài đang sống tại Việt Nam Tết nguyên đán chính là dịp trải nghiệm thú vị để hiểu thêm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Chào Tết Mậu Tuất 2018, mời quý thính giả cùng nghe cảm nhận của các đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam về Tết cũng như những mong ước đầu xuân mới của họ.

Nghe âm thanh chương trình tại đây: 

Là người gắn bó với Việt Nam hơn 30 năm qua và luôn coi đất nước hình chữ S này là quê hương thứ hai của mình, Đại sứ Palextin Saadi Salama chia sẻ, ông đặc biệt thích bầu không khí hối hả, tấp nập chuẩn bị Tết ở Việt Nam. 

Vào mỗi dịp cuối năm âm lịch, ông hay cùng người vợ Việt Nam thăm làng đào Nhật Tân, tham gia gói bánh chưng và cùng tất bật mua sắm chuẩn bị một cái Tết chào đón Năm mới.

Có lẽ hiếm nhà ngoại giao nước ngoài nào đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam lại có nhiều lần ăn Tết Việt cũng như hiểu rõ phong tục tập quán của người Việt như đại sứ Salama:

Tết Việt- nét đẹp nhân văn gắn kết người Việt với bạn bè quốc tế - ảnh 1Đại sứ Palextin rất thích gói bánh chưng Tết. Ảnh ĐSQ Palextin 

“Hoa đào đối với người Việt Nam có ý nghĩa rất đặc biệt. Nếu nhìn vào một cành đào có thể xem ba yếu tố. Đó là nụ đào, lộc đào và hoa đào. Đối với người Việt Nam, hoa đào là biểu tượng của hi vọng mới. Tôi xin chúc cho người dân Việt Nam tiếp tục phát huy tiềm năng để nâng cao vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Tôi hi vọng rằng, người dân thủ đô luôn phát huy để Hà Nội luôn xứng đáng là tên gọi thành phố vì hòa bình và trái tim của cả nước.” - Đại sứ Salama nói.

Tết Việt- nét đẹp nhân văn gắn kết người Việt với bạn bè quốc tế - ảnh 2Đại sứ Palextin và Giám đốc Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga Natalia Shafinkaia 

Còn đối với chị Natalia Shafinkaia, Giám đốc Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga thì Tết Mậu Tuất 2018 là năm thứ 7 chị được hưởng không khí Tết truyền thống Việt Nam.  Tết Việt không biết từ bao giờ đã trở nên rất gần gũi và thân thuộc với Natalia. Năm nào, gia đình chị cũng sắm sửa cây quất cành đào, trang hoàng nhà cửa đón Tết. Vào dịp này, người phục nữ Nga xinh đẹp còn thich diện “Áo dài”, thích mua quà, bao tiền lì xì để tặng bạn bè, người thân nữa.

Chị Natalia cũng rất thích món ăn truyền thống Việt, đặc biệt là bánh chưng: ‘Hình ảnh các bà, các chị Việt Nam rửa lá, gói bánh chưng, nấu các món ăn chuẩn bị cho bàn tiệc để đón năm mới, luôn cho gây cho tôi ấn tượng và xúc động. Bởi vì truyền thống giữ gìn gia đình của người Việt rất đáng quý, đặc biệt rất hiếm trong thời buổi hiện đại này. Tôi nghĩ rằng, nét văn hóa đó cần được giữ gìn. Tôi thích Việt Nam bởi những nét riêng, độc đáo, luôn trân trọng lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán. Nhân dịp năm mới, chúc toàn thể người dân Việt Nam, sức khỏe dồi dào,an khang thịnh vượng.”

Là người bạn thân thiết của Việt Nam trong cáchoạt động ngoại giao nhân nhân đại sứ Venezuela  Rondon Uzcategui chia sẻ, tận hưởng không khí yên bình, lắng đọng hay tất bật sắm sửa  ở Hà Nội giúp ông cảm nhận rõ nhất về cái Tết cổ truyền của người Việt.  Nhân dịp Xuân Mậu Tuất, thay mặt Đại sứ quán các nước Mỹ Latinh tại Việt Nam, đại sứ Uzcategui tin tưởng rằng, quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ Latinh trong năm nay tiếp tục phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế. Đại sứ Vê-nê-xuê-la nhấn mạnh:

“Tết nguyên đán Việt là dịp để sum họp gia đình, là thời gian để ăn mừng một năm đã qua và chào đón năm mới đến. Đây là thời điểm tuyêt vời để chúc mừng nhau những điều tốt đẹp nhất. Chúc cho tình hữu nghị giữa người dân Việt Nam và nhân dân các nước châu Mỹ Latinh. Từ trái tim mình, đại diện cho đất nước Venezuela nói riêng và các nước Mỹ La tinh nói riêng, chúng tôi chúc người dân và đất nước Viêt Nam một năm mới 2018 an khang thịnh vượng với những thành công mới.”

Tết Việt- nét đẹp nhân văn gắn kết người Việt với bạn bè quốc tế - ảnh 3Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra 

Trở lại Việt Nam sau gần 20 năm, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam thật sự ấn tượng trước sự đổi thay mạnh mẽ và những thành tựu về kinh tế, xã hội của Việt Nam. Ông Kamal nhận định, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia phát triển năng động, một trong những điểm đến thú vị nhất ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương:

“Tôi may mắn được đón cái Tết thứ hai ở Việt Nam. Năm ngoái, khi nhận nhiệm vụ mới ở Việt Nam ngay trước Tết khoảng 1 tháng nên tôi chưa có cảm nhận nhiều lắm về Tết. Tôi yêu mến sự thân thiện,chăm chỉ và năng động của người Việt Nam. Tôi cũng thích món ăn Việt Nam. Hà Nội là một thành phố xinh đẹp.  Năm nay, tôi biết nhiều hơn Tết Việt đặc biệt ở miền Bắc. Chúc mừng năm mới, chúc các bạn thành công trên con đường đã chọn của mình.”

Ông Kamal Malhotra cũng cam kết Liên hợp quốc nói chung và các tổ chức Liên hợp quốc ở Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Một năm mới tới đem đến biết bao niềm vui, sự hứng khởi, hi vọng cho không chỉ người dân Việt Nam mà cho những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Bởi thế, Tết cổ truyền của người Việt cũng chính là nét đẹp nhân văn gắn kết con người đến với nhau dù họ đến từ bất kỳ nơi nào trên trái đất này.

Feedback