Vị tướng tuổi 90 và “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài 10 năm (từ 1979-1989) thì mặt trận Vị Xuyên là chiến trường khốc liệt nhất, cam go nhất.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

 Nơi đây cũng thể hiện bản lĩnh, ý chí của dân tộc ta; sự đoàn kết đồng lòng của toàn dân, sự chiến đấu kiên cường, hy sinh dũng cảm của quân đội, các lực lượng vũ trang, chúng ta đã chiến thắng, đánh bại âm mưu xâm lược, giữ vững từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Là người trong cuộc nên Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy hiểu rất rõ điều này và ông đã tái hiện một cách chân thực, khách quan và xúc động trong cuốn sách “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên”-NXB Thông tin và truyền thông ấn hành mới ra mắt gần đây. 

Vị tướng tuổi 90 và “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” - ảnh 1

Năm nay bước sang tuổi 90 nhưng Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh –Tham mưu trưởng Quân khu 2, nguyên Phó Tư lệnh –Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc CCB Mặt trận Vị Xuyên vẫn giữ được sự lanh lẹ, hoạt bát. Những năm tháng chiến đấu khốc liệt, muôn vàn khó khăn in hằn trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. Và khi nhắc về chiến trường Vị Xuyên, người ta nhắc về một mảnh đất mang tầm vóc to lớn, đại diện cho ý chí, quyết tâm, tinh thần quả cảm của toàn dân tộc để đấu tranh giữ vững mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Ông bộc bạch nếu mình không viết thì không còn ai để viết, không có tài liệu đầy đủ thì thế hệ sau nhìn sự kiện chỉ mang tính phỏng đoán: "Tôi phải chuẩn bị cho cuốn sách này mất hai năm, vì phải đi sưu tầm những tư liệu. Trước kia chiến tranh lần thứ nhất Trung Quốc xâm lược năm 1979 thì báo chí nói rất nhiều rồi. (bắt đầu từ 17/2/1979 cho đến 18/3/1979 khi quân Trung Quốc rút về nước - PV) . Nhưng từ tháng 4 năm 1984 đến tháng 4 năm 1989 thì chiến tranh ác liệt nhất là ở Vị Xuyên, Hà Giang. (trước đây là Hà Tuyên), thì hầu như chúng ta không nói. Vì thế trong cuốn này chúng tôi tập trung nói về cuộc chiến tranh ở Vị Xuyên."

Thông qua hồi ức của mình và tư liệu của đồng đội, tác giả mang đến cho bạn đọc một góc nhìn chân thực, khách quan, cụ thể, sinh động và xúc động về cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, khốc liệt và anh dũng của quân dân ta chống quân Trung Quốc xâm lược. Đặc biệt, tác giả đã cung cấp cho người đọc những tư liệu rất quý, những sự kiện lịch sử tuy đã qua nhưng vẫn còn nóng bỏng, mang hơi thở của chiến trường mà tác giả chính là người trong cuộc.

Vị tướng tuổi 90 và “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” - ảnh 2Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhận hoa trong buổi ra mắt sách sáng 5/3- Ảnh: Việt Văn - Báo Lao động. 

 Là người từng biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách về chiến tranh, tư liệu, thư từ thời chiến, nhà thơ Đặng Vương Hưng cho rằng: "Theo tôi được biết đây là cuốn sách đầu tiên và tương đối đầy đủ về cuộc chiến tranh Vị Xuyên. Tuy nhiên lịch sử ít biết đến và sách giáo khoa cũng chưa nói đến cho nên những CCB-nhà văn phải có trách nhiệm viết để báo chí truyền thông và các thế hệ sau được hiểu không phải là kích động hận thù dân tộc mà các thế hệ sau hiểu rõ hơn về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và lịch sử phải được công bằng, phải được hiểu đúng bản chất của nó, phải trung thực, khách quan để mọi người thấy rõ và yêu cuộc sống hòa bình của chúng ta hôm nay hơn"

Những trận đánh, chiến dịch vô cùng ác liệt, những cuộc đấu pháo, đấu trí gay cấn; ta và địch đánh, giữ, giành giật từng cao điểm, từng hang núi, hốc đá, từng mét chiến hào… ở chiến trường Vị Xuyên “lò vôi thế kỷ” được tác giả kể bằng giọng văn điềm tĩnh nhưng không kém phần lôi cuốn.

Và điều này, theo nhà thơ Đặng Vương Hưng, khiến cho cuốn sách chiếm được cảm tình của người đọc: "Cuốn sách có rất nhiều những tình tiết hay, thực tế đã thuyết phục người đọc. Sự kiện thật, người thật, việc thật nên nó thuyết phục người đọc. Cho nên khi cuốn sách xuất bản đã có rất nhiều người quan tâm, không chỉ các CCB mà gia đình họ và những người quan tâm đến cuộc chiến biên giới phía bắc thì đều liên hệ với tác giả để mua. Đó là điều rất đáng mừng"

Cũng từng trực tiếp chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên nên hơn ai hết Trung tướng Đặng Quân Thụy đồng cảm với những điều mà người đồng đội đã viết trong cuốn sách: "Quyển sách đồng chí Huy viết là tổng hợp lại một số tư liệu, tài liệu mà đồng chí thu thập được, tuy nhiên vì khuôn khổ cuốn sách nên một số tư liệu chưa kịp đưa vào, cần phải bô xung cho nó hoàn chỉnh. Vì đây là cuộc chiến đấu dài ngày, nó bắt đầu từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi đến bảo vệ 6 tỉnh biên giới tháng 2 năm 1979, rồi mới đến Vị Xuyên, tức là nó cả một chuỗi. Như vậy nó là 3 cuộc chiến tranh: Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc và chiến tranh Vị Xuyên. Nhưng Vị Xuyên có một vị trí đặc biệt vì nó ác liệt nhất, kéo dài nhất…"

Những tư liệu còn thiếu, những sự kiện lịch sử cần được nhìn nhận sâu hơn, ở nhiều góc độ hơn, đặc biệt là chân dung những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, chắc chắn Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy sẽ bổ sung trong lần tái bản tới đây: "Còn nhiều bộ phận, ví dụ như bộ phận thông tin rất ác liệt nhưng mà tôi chưa viết được. Hay là bộ phận quân y rất dũng cảm, thế rồi lực lượng dân quân địa phương thì lần tái bản sau chúng tôi cũng đã dự kiến sẽ bổ sung để cho cuốn sách phong phú hơn, tương đối đầy đủ hơn".

Trong cuốn “Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên” có đoạn “Anh em coi việc đào ngũ là một việc rất xấu và sỉ nhục nhất của người lính, họ lên chốt chiến đấu với tâm trạng thoải mái “nhẹ như lông hồng”, đồng đội hy sinh rồi vuốt mắt cho đồng đội, rồi lại cầm súng ra chiến hào chiến đấu với tinh thần “sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá, trở thành bất tử”.

Viết điều này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy không ngoài mong muốn thế hệ đi sau luôn luôn tự hào về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc. Và, chúng ta gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không được quên quá khứ. Quên quá khứ là có tội với lịch sử, có tội với những người đã đổ máu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Feedback