Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, một trong những người đầu tiên đưa dòng văn học thiếu nhi Nga đương đại trở lại Việt Nam trong những năm gần đây, đã cho biết chị theo đuổi việc dịch, vì khi trở về Việt Nam, thấy thiếu vắng hẳn bóng dáng những cuốn sách tuyệt hay của văn học Nga đương đại trên những kệ sách: “Ra cửa hàng sách thấy tác phẩm Nga người ta vẫn in, nhưng là in lại những tác phẩm đã dịch trước đây, thậm chí dịch từ tiếng Pháp, tiếng Anh, còn văn học hiện đại thì hoàn toàn không có ai làm nữa, dù người ta vẫn quan tâm, bạn đọc vẫn hỏi.”
Nhà báo Phan Xuân Loan kể lại, khi còn làm việc, phụ trách tờ Tuổi trẻ cuối tuần, là tờ báo có mục văn học nước ngoài, theo định kỳ 1 tháng/lần trong khoảng 5 năm trở lại đây, chị nhận thấy những tác phẩm dịch từ văn học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức khá phổ biến, nhưng riêng văn học Nga thì rất ít: “Không biết sao mà lại rất ít khi có những tác phẩm văn học Nga được giới thiệu. Khi tôi làm việc với một số bạn có quan tâm tới văn học Nga, thì họ nói là cái biết của người Việt Nam mình về văn học Nga dừng lại ở thập niên 80. Vì sau đó khi Nga biến động và Việt Nam cũng thế thì chúng ta không có nhiều thời gian quan tâm tới mảng văn học nữa, thành ra đội ngũ dịch giả cũng ít dịch văn học Nga …”
|
Bảy đầu sách kinh điển và hiện đại Nga được ấn hành trong giai đoạn 4 của Dự án dịch các tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt và văn học Việt Nam sang tiếng Nga của Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga |
Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, văn học Nga được phổ biến ở Việt Nam với việc dịch rất nhiều tác phẩm của các tên tuổi lớn như Puskin, Tsekhov, Dostoievski… Và ngược lại văn học Việt Nam cũng được dịch rất nhiều ra tiếng Nga. Dịch giả Thúy Toàn nhớ lại: “Lúc tôi còn làm ở NXB đã có trên 500 đầu sách văn học Nga xô viết được dịch, cả các tác phẩm cổ điển lẫn những tác phẩm tiêu biểu của văn học Nga xô viết…. có những ảnh hưởng lớn đối với văn học Việt Nam. Nhưng một thời gian sau khi Liên Xô tan rã, việc giới thiệu văn học Nga với Việt Nam và ngược lại bị ảnh hưởng nặng nề. Không có tác phẩm văn học đương đại nào của Nga được giới thiệu ở Việt Nam, cũng như tác phẩm văn học Việt Nam không còn được chuyển ngữ sang tiếng Nga nữa.”
Cho tới gần đây, văn học Nga mới dần dần trở lại Việt Nam với nỗ lực của một số cá nhân dịch giả đơn lẻ, như Thụy Anh, Thúy Toàn, Đào Minh Hiệp, Phạm Vĩnh Cư vv…, nhưng tình hình xuất bản tác phẩm không phải dễ dàng. Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga ra đời từ sau chuyến thăm của các vị lãnh đạo cao nhất của Nga là Tổng thống Putin và thủ tướng Medvedev. do Bộ văn hóa Nga, Cục xuất bản Nga, và Viện đông phương học thuộc trường ĐH Lomonoxov, đã chọn danh sách các sách cần giới thiệu từ VN sang tiếng Nga và ngược lại. Việc xuất bản văn học Nga được quan tâm trở lại từ cấp nhà nước có thể nói bắt đầu từ chính công việc này.
|
Bộ sách văn học thiếu nhi Nga đương đại của tác giả Maria Bershadskaya “Người lớn bé nhỏ”. do NXB Kim Đồng ấn hành |
Một số đơn vị trong nước bắt đầu giới thiệu những tác phẩm văn học của các tác giả Nga trước đây cũng như hiện nay, như NXB Kim Đồng với loạt sách tái bản các tác phẩm Nga nổi tiếng, NXB Trẻ với tác phẩm văn học trinh thám của tác giả Nga đương đại, các công ty như Đông Tây, Nhã Nam….cũng tham gia. Và Tuổi trẻ cuối tuần là tờ báo lớn đầu tiên nhập cuộc. Nhà báo, dịch giả Phan Xuân Loan, người trong năm qua đã đưa những truyện ngắn hay đương đại của Nga trở lại với bạn đọc trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần, kể lại: “Tôi có gửi sự lựa chọn về cho người phụ trách tờ Tuổi trẻ cuối tuần thay tôi, và chúng tôi quyết định vì cũng không thể lựa chọn nhiều quá, mà mình phải chọn ra một vài tác giả, và mỗi tác giả như vậy mình lựa chọn một - hai truyện ngắn khá là tiêu biểu hoặc độc giả Việt Nam có thể tiếp nhận được. Từ bấy đến nay chúng tôi giới thiệu được hai tác giả và bốn truyện ngắn, định kỳ, tại vì còn phải dành đất cho những tác phẩm dòng văn học Anh, Pháp…vv gần đây có chị Quế Mai cũng dịch của Nam Phi. Phải luân phiên chứ mình không thể giới thiệu văn học Nga hoài. Cũng có một số độc giả ngạc nhiên vì sự trở lại về văn học Nga của tòa soạn, và họ thích. Có người nói họ đọc thì rất thích, rất cảm động. Và họ mong mình tiếp tục giới thiệu nữa bên cạnh dòng văn học khác….Mới giới thiệu ít nhưng sự phản hồi đó làm mình thấy mình không đi sai hướng, tức là được sự cộng hưởng của độc giả. Ở tòa soạn các anh rất động viên, nói là lâu lắm rồi mới đọc được những truyện ngắn hay như thế và họ mong là mình sẽ tiếp tục giới thiệu.”
|
Nhà văn Aleksandra Marinina với hàng loạt đầu sách về nữ thám tử Nastia Kamenskaya -nhân vật được người Nga yêu mến không thua Hercule Poirot của nữ hoàng truyện trinh thám Anh Agatha Christie. Tiểu thuyết của bà đã được xuất bản ở Việt Nam - Ảnh: mk.ru |
Và nói như dịch giả Phan Xuân Loan, những nỗ lực đưa văn học Nga trở lại thực sự cần sự cộng hưởng, vì nền văn học vĩ đại này vẫn đang có những tác phẩm hay chờ bạn đọc Việt Nam khám phá: “Tôi cùng một số bạn làm việc với một số nhà xuất bản để giới thiệu trở lại những tác phẩm văn học xứng đáng, lựa chọn từ một số tác giả của dòng văn học tinh hoa cũng như một số từ dòng văn học đại chúng. Mình cố gắng làm sao để khi giới thiệu, người đọc có một cái hình dung rõ hơn về văn học Nga hiện nay là như thế nào.”
Với niềm tin vững chắc của một dịch giả có nhiều năm theo đuổi việc dịch văn học Nga, dịch giả Thúy Toàn cho rằng: “Văn học Nga là nền văn học vĩ đại với rất nhiều giá trị nhân văn, mà chúng ta mới chỉ biết đến một phần nhỏ.”