Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đúng là trong tuần này, có những sự kiện lớn của sân khấu Việt Nam đang diễn ra, ngoài Liên hoan chèo toàn quốc 2019 bắt đầu sôi động các sàn diễn tại Bắc Giang, thì còn những sự kiện như Nhà hát Tuồng Việt Nam kỉ niệm 60 năm thành lập (1959-2019); giỗ Tổ nghề ngành Sân khấu (12/8 âm lịch). Đây cũng là năm thứ 10, ngày sân khấu Việt Nam được chính thức công nhận.
Các nghệ sĩ quây quần trong ngày Giỗ tổ nghề 2019 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô - Ảnh: Báo Dân trí. |
Các hoạt động khá náo nhiệt với không khí rộn ràng đến với tất cả các đơn vị sân khấu trên cả nước. Những dịp này là để các nghệ sĩ hội tụ, đồng thời cũng là để người cùng giới tiếp thêm lửa nhiệt tình giúp nhau thêm yêu nghề, cống hiến tâm sức cho nghề nghiệp…
Những nghệ sĩ đã thành danh, dù trải qua rất nhiều dịp lễ hội vẫn không giấu được niềm vui trong ngày giỗ Tổ. NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết: “Rất là hân hoan, hạnh phúc lắm, đến ngày này cảm giác mình yêu nghề hơn rất nhiều, có một động lực lớn để tiếp nối nghề nghiệp tổ, giữ gìn nghiệp tổ cùng các học trò của mùnh. Em sẽ cố gắng hết sức mình”.
NSUT Sỹ Tiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày giỗ Tổ nghề: “Với người nghệ sĩ làm nghề biểu diễn, ngày như thế này là việc làm có nhiều ý nghĩa. Bởi vì mình tôn trọng có thầy, có trò, có trên có dưới. Càng những năm gần đây càng làm chu đáo, cẩn thận hơn. Đấy là sự tích cực, hướng thiện và có ý nghĩa giúp người trẻ đến với sân khấu nhìn thấy trình thức của mình có trên có dưới.”
Nhưng trong khi vui mừng về thành tựu nhiều năm của sân khấu nói chung, sân khấu tuồng nói riêng nhiều nghệ sĩ cũng bày tỏ tâm sự ngổn ngang vì hiện tại, sân khấu còn đang gặp rất nhiều khó khăn mà chưa biết tháo gỡ cách nào.
Đạo diễn, tân NSND Triệu Trung Kiên trầm tư: “Có lẽ khó khăn nhất vẫn là khủng hoảng khán giả. Bởi vì sân khấu bây giờ được đầu tư rất tốt. Nhà nước vẫn đặt hàng cho các đơn vị, chưa nhiều nhưng khá là ổn. Và có những vở diễn được đầu tư với nguồn kinh phí xã hội hóa và có đủ tiền để làm. Người xem vẫn đánh giá là có những vở diễn hay và họ thích, nhưng vấn đề bán vé thì không bán được. Đấy là một thực tế mà có thể nói ta đã lý giải được một phần và phần còn lại thì không thể lý giải nổi.”
Nỗi lo lắng lớn nhất của sân khấu hiện nay là thiếu vắng khán giả. Nguyên nhân thì có nhiều, và cũng đã được nhiều người mổ xẻ, song cũng có những phần chìm mà không dễ có thể tìm ra. Đạo diễn Triệu Trung Kiên phân tích: “Vẫn phải nói đến hai miền, miền Nam và miền Bắc. Miền Bắc gần như không có thị trường khán giả bởi vì nhân dân miền Bắc quen với bao cấp về mọi mặt trong đó có văn hóa nghệ thuật. Đấy là thói quen của mọi người. Cuộc sống đang khó khăn, đang bộn bề và mọi người đang phải bươn chải, lo toan để tích cóp cho cuộc sống của mình nó được bảo đảm sau này. Thành ra có vẻ như người miền Bắc sẽ không giống như người miền Nam, do tính cách vùng miền hoặc văn hóa bản địa. Người miền Nam lại tham gia rất nhiều vào các hoạt động vui chơi giải trí. Và cũng có thể do thời tiết. Chẳng hạn buổi tối đến TP HCM bà con tràn ra đường, ra các tụ điểm vui chơi giải trí và họ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua vé đến xem những vở diễn mà họ thích. Còn ở miền Bắc thì do những thói quen, hoặc do những điều kiện khách quan như thời tiết: nóng đến như thế, lạnh đến như thế, mưa phùn gió bấc… ai đi ra ngoài dể xem…”
Ngoài yếu tố vùng miền, những hình thức giải trí ngày một hiện đại, tiện dụng đã chi phối, đáp ứng được công chúng nên khâu bán vé quá khó. NSUT Sĩ Tiến lại chấp nhận những khó khăn đó và coi đó là những thách thức đáng để nghệ sĩ thêm tìm tòi hướng đi mới cho mình, cho đơn vị.
Anh cho biết: “Ở thời điểm này thời điểm kia thì khó khăn nó có thể nhiều hoặc ít. Nhưng nếu chỉ nhìn khó khăn thì khó làm quá cho nên phải tìm những cơ hội trong những khó khăn ấy. Ví dụ như ở Nhà hát tuổi trẻ lĩnh vực phổ biến của Nhà hát là diễn cho thanh thiếu nhi, nó cũng là một kênh riêng có thể giúp cho Nhà hát có sự phát triển. Hay là cái thuận lợi nữa mà chúng ta cũng cần phải khai thác mạnh là công nghệ hiện nay, các ứng dụng của công nghệ.
Bên cạnh đó, các nghệ sĩ trẻ của những thể loại sân khấu truyền thống như Tuồng cũng còn nhiều băn khoăn.
“Khi mà theo nghệ thuật truyền thống mình thấy có rất nhiều khó khăn. Đi diễn chỉ có người già xem thôi nên mình cảm thấy rất là buồn, cảm thấy chạnh lòng vì tại sao mọi người lại không thể tiếp nhận, không thể yêu thích được? Tôi nghĩ muốn yêu thích nghệ thuật này, phải đưa nó đến gần với giới trẻ hơn.”
“Hiện tại bây giờ, mức thu nhập của diễn viên, đặc biệt là diễn viên kịch hát rất thấp so với mặt bằng xã hội. Thì cũng có lúc tôi không biết là con đường mình chọn có đúng hay không, mình có nên bước tiếp hay không. Rồi cứ mỗi khi đến nhà hát, cái không khí tập luyện của nhà hát rất là vui, tạo cho diễn viên cảm thấy muốn được sống trong môi trường nghệ thuật, thì những cái lo lắng về cơm áo gạo tiền tự dưng mất đi. Và dần dần càng thêm yêu nghệ thuật này hơn.” Các diễn viên trẻ Thanh Phương, Tuấn Hiệp của Nhà hát Tuồng Việt Nam bày tỏ.
Vở diễn Tin ở hoa hồng của Nhà hát Tuổi trẻ |
Tuy nhiên, cũng đã có những đơn vị chấp nhận thử thách, tìm tòi hướng đi mới để tiếp cận khán giả, như NSUT Sỹ Tiến cho biết: “Nhà hát Tuổi trẻ đã đưa được việc bán vé online cho khán giả, qua đó tạo một điều kiện rất thuận lợi cho giới trẻ tiếp cận với công nghệ đó, và họ đi mua vé rất nhiều, tạo ra một sân chơi khá là thú vị ở Nhà hát Tuổi trẻ. Mỗi buổi tối cuối tuần các bạn trẻ đến để giơ điện thoại của mình, khoe số ghế là như thế này và nhận vé, vào rạp. Đó cũng là một tín hiệu rất vui.”
Các nghệ sĩ được hỏi ý kiến cũng đồng thuận cho rằng, bằng mọi cách phải nâng cao chất lượng vở diễn, khích lệ nhau cùng sáng tạo tìm những cách thức mới, tiếp cận nhiều hơn những phong cách của nghệ thuật đương đại, áp dụng được thành quả của công nghệ hiện đại vào sáng tạo vở diễn.. Chỉ có bằng chất lượng, sự sáng tạo, đổi mới liên tục thì sân khấu mới giữ được sự thuyết phục của loại hình mới tiếp tục có lý do để tồn tại và phát triển trong xã hội mới.