Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội TSVN – Trưởng ban Tổ chức cuộc thi trao hai giải Nhất cho các tác giả. - Ảnh: nhandan.com.vn |
Sau hơn 1 năm phát động, Ban Tổ chức cuộc thi “Hào khí Trường Sơn” đã nhận được gần 1.200 tác phẩm dự thi ở đủ các thể loại bút ký, hồi ký, tự truyện, ghi chép, phóng sự, bài phản ánh…Mỗi bài viết, mỗi câu chuyện đều viết bằng giọng văn chân thực, được kể bằng giọng kể của người trong cuộc đã khắc họa được chân dung những người lính, nam nữ thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến…không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Và “Hào khí Trường Sơn” từ cuộc chiến hào hùng đó tiếp tục được tỏa sáng trên trận tuyến xây dựng, bảo vệ Tổ quốc: Ở đó biết bao Cựu chiến binh (CCB), cựu TNXP, dân công hỏa tuyến đã vượt qua biết bao khó khăn trở ngại trong cuộc sống để sống, học tập và lao động, góp phần xây dựng cuộc sống cho bản thân, gia đình; cho đồng đội cũng như cộng đồng.
Đã từng tham gia làm Ban giám khảo nhiều cuộc thi văn chương, lớn có, bé có, chuyên và không chuyên, song nhà thơ Trần Đăng Khoa-Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ thấy hào hứng như lần này: "Đa phần các tác giả là các Cựu Chiến Binh Trường Sơn những năm chiến tranh nóng bỏng nhất, các tác phẩm của họ không phải gây ấn tượng bằng văn chương mà làm nên ám ảnh chính là hiện thực của nó. Cái mà tác phẩm phản ánh chính là những trang sử rất nóng, rất tươi ròng hơi thở của cuộc chiến chiến trường Trường Sơn. Qua đó ta hiểu sâu sắc về thời cha ông ta đã đi qua trong lửa đạn. Tôi cho rằng đó là điều hay nhất”
Ngoài nhà thơ Trần Đăng Khoa, Ban giám khảo còn có hai nhà văn rất có kinh nghiệm là Phạm Hoa và Ngô Vĩnh Bình. Qua ba vòng: sơ loại, sơ khảo và chung khảo, Ban Giám khảo chọn được 44 tác phẩm để trao các giải Nhất, Nhì, Ba, Tư cho 44 tác giả. Ở chủ đề thứ nhất “Trường Sơn những năm tháng hào hùng” viết về gương chiến đấu, hy sinh của các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, giải Nhất thuộc về Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu với bút ký “Người anh hùng chưa được vinh danh”.
Tác giả bút ký chia sẻ, gương chiến đấu dũng cảm của người lính trẻ Nguyễn Lương Định ông đã tận mắt chứng kiến trong chiến tranh. Cả đơn vị đều đinh ninh anh đã hy sinh, nhưng khi hòa bình lập lại, bẵng đi một thời gian dài tình cờ thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu gặp lại người đồng đội đang bán vé số. Ông viết mà như kể về người đồng đội trong tình cảm nhớ thương, xen lẫn nỗi nghẹn ngào, xót xa: “Bộ đội đường ống xăng dầu chúng tôi được Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đánh giá là nếu đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó. Tôi nghĩ rằng nhân vật tôi viết này xứng đáng được anh hùng. Anh ấy tên là Nguyễn Lương Định, khi đại đội chuẩn bị rải ống để lắp. anh Định nói: “Bây giờ bom chồng lên bom này biết đâu dưới lớp đất bột kia còn những loại bom chưa phá hết. Bây giờ cả đại đội giăng ra thì thương vong không biết thế nào mà kể. Cho nên hãy để tôi vác ống đi trước tiền trạm lại lần cuối xem.” Anh đã dùng sinh mạng của mình. Sau này anh là thương binh liệt hai chân. Bằng hành động chịu đựng, phần sau cuộc đời khi phải vật lộn với vết thương và với cuộc mưu sinh. Đó là một câu chuyện mà cứ nhắc đến là tôi cảm động”
Ở chủ đề thứ hai “Tỏa sáng Trường Sơn” viết về những tấm gương CCB, cựu TNXP Trường Sơn tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường, giải Nhất được trao cho tác giả Phạm Thùy Nhung-một cô gái trẻ thuộc thế hệ 9X ở Hà Nội. Phạm Thùy Nhung chọn góc tiếp cận bình dị về một người được phong Anh hùng trong chiến đấu khi mới tròn đôi mươi, nay trong xây dựng phát triển kinh tế có nhiều đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng.
Phạm Thùy Nhung cho biết, nhân vật trong bút ký “Người chiến sĩ ấy…” là Anh hùng LLVTND Phan Văn Quý phù hợp với cả hai chủ đề của cuộc thi, nhưng cô chọn điểm nhấn ở chủ đề thứ hai: "Tôi viết bài bút ký này, trước hết là sự khâm phục một người lính. Tinh thần những người lính như ông thì thế hệ trẻ chúng tôi nhìn vào đó để thấy là những gian khó mà thế hệ đi trước đã vượt qua được thì chúng tôi thế hệ trẻ, có những điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều càng phải có ý thức hơn, trách nhiệm hơn với sự phát triển của đất nước. Tôi mong muốn, thông qua những người như ông thì người trẻ có thêm động lực để phấn đấu, đóng góp vào sự phát triển đất nước hơn nữa".
Không dừng lại ở một cuộc thi văn học thuần túy, đại diện Ban tổ chức-ông Trần Trung Dũng-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương mong muốn thêm một lần nữa vinh danh, tri ân những con người đã một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, làm nên đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh huyền thoại; làm nên một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX "Chúng tôi hy vọng rằng thông qua kết quả của cuộc thi này với hàng nghìn bài viết như vậy, cuộc thi sẽ ghi dấu ấn và lưu lại những câu chuyện, tấm gương – những điều mà sau này nhiều năm sẽ không còn tồn tại nữa. Chính vì vậy chúng tôi nghĩ rằng giá trị lan toả lưu giữ cho thế hệ sau của cuộc thi này sẽ giúp cộng đồng hiểu sâu hơn nữa về thời khắc trước đây của cha ông chúng ta".
Có thể nói, cuộc thi đã thành công không chỉ thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam mà còn đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đông đảo hội viên Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trong cả nước.