Phòng chống tham nhũng sâu cay trong biếm họa

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Triển lãm phê phán tệ nạn xã hội này dưới ngôn ngữ hài hước mà sâu cay của nghệ thuật tranh biếm họa.

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Triển lãm Tranh biếm họa chủ đề “Phòng chống tham nhũng” và trao thưởng cho các tác phẩm xuất sắc nhất.

Hưởng ứng một chủ đề xã hội mang tính thời sự cao: “Phòng, chống tham nhũng”, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm phê phán tệ nạn xã hội này dưới ngôn ngữ hài hước mà sâu cay của nghệ thuật tranh biếm họa.

Sau một thời gian phát động rộng rãi trong cả nước, các họa sĩ biếm họa đã sáng tác và gửi đến 518 tác phẩm tham dự. Hội đồng nghệ thuật của Triển lãm đã lựa chọn 158 tác phẩm để trưng bày triển lãm và 30 tác phẩm xuất sắc được trao thưởng.

Phòng chống tham nhũng sâu cay trong biếm họa - ảnh 1Triển lãm tranh biếm họa với chủ đề Phòng chống tham nhũng - Ảnh: dangcongsan.vn

Không có giải Nhất, ba giải Nhì đã được trao cho các tác phẩm: “Sự thật phũ phàng” của họa sĩ Trần Hải Nam (TP Hồ Chí Minh), “Tìm trách nhiệm” của Hà Xuân Nồng (TP Hồ Chí Minh) và “Dân chơi 4.0” của tác giả Lê Đức Hùng (Hà Nội).

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 7 giải Ba, 20 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Giải thưởng tác giả có tác phẩm trưng bày nhiều tuổi nhất thuộc về ông Phạm Tấn Phú (Hà Nội, sinh năm 1932) với cụm tác phẩm: “Một người làm quan cả họ được nhờ”, “Tham nhũng bú ngân sách”, “Lộ nguyên hình” và “Cây tham nhũng phá hoại kinh tế Việt Nam”.

Giải thưởng tác giả có tác phẩm trưng bày nhỏ tuổi nhất thuộc về Trần Thị Bảo Nhi (Tây Ninh, sinh năm 1993) với các tác phẩm “Tẩu tán tài sản” và “Lợi ích nhóm”.

Một trong ba tác giả được nhận giải Nhì, họa sĩ Lê Đức Hùng (Hà Nội) với tác phẩm “Dân chơi 4.0” cho biết, anh rất hào hứng khi nhận được lời mời tham dự cuộc thi sáng tác về đề tài này. Họa sĩ đã chọn hình ảnh chiếc két tiền to lớn đối lập với hình ảnh chiếc lồng chim nhỏ bé, để đề cập sâu cay đến một “thú chơi” mới: “Chơi tiền”. Bây giờ người ta chơi tiền chứ không chơi những thú chơi tao nhã như ngày xưa. Coi tiền là đẳng cấp của dân chơi 4.0: “Đây là chủ đề nóng của xã hội mà mọi người rất là quan tâm, nhưng thật ra nó cũng có cái khó là không biết vẽ như thế nào để mà truyền tải được các nội dung. Ví dụ như các bài viết thì dễ hơn, còn biếm họa thì bản thân nó rất là kiệm lời nên cũng khó khăn trong việc chọn hình ảnh làm sao cho nó đắt nhất để có thể lột tả được tính chất của tham nhũng”

Phòng chống tham nhũng sâu cay trong biếm họa - ảnh 2 Tác phẩm “Sự thật phũ phàng” của tác giả Trần Hải Nam (thành phố Hồ Chí Minh)

 

Biếm họa luôn được xem là thể loại xung kích trong ngành mỹ thuật. Ở cuộc triển lãm này, biếm họa đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình trong phê phán, đả kích cái xấu và hướng đến những giá trị tốt đẹp. Hơn 500 tác phẩm gửi đến tham dự triển lãm đều đã phát huy rất tốt thế mạnh của ngôn ngữ đồ họa, đề cập đến nhiều vấn đề thời sự mà không ngại động chạm.

Trong dòng chảy thời sự đó, nhiều tác phẩm mang tính báo chí cao, thẳng thắn đề cập các vấn đề nóng bỏng đang được dư luận quan tâm để đưa vào tranh như quan to bổ nhiệm người nhà, làm giàu bằng chổi đót, đánh bạc online... Tranh biếm họa vừa là cái nhìn đả kích, phê phán những thói hư, tật xấu, đồng thời cũng rất dí dỏm, hài hước và nhân văn, dễ hiểu, dễ xem, gần gũi với mọi người, góp một tiếng nói phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng, hướng thiện và nhân văn...Ở triển lãm này, các họa sĩ biếm họa đều đã khai thác rất tốt khả năng ấy, với nhiều góc nhìn “có gai”, sắc sảo, cười ra nước mắt nhưng lại đầy tính phê phán, toát lên tinh thần xây dựng và nhân văn.

Thành phần Hội đồng nghệ thuật là các họa sĩ có uy tín nghề nghiệp như: Trần Khánh Chương, Lý Trực Dũng, Nguyễn Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Vi Kiến Thành.

Chia sẻ kinh nghiệm của một họa sĩ chơi tranh biếm họa từ rất lâu và đã có những thành công nhất định trong thể loại này, họa sĩ-KTS Lý Trực Dũng thẳng thắn: “ Nhìn chung những tác giả vẽ tranh biếm đều là những người luôn gắn bó với cuộc sống, giàu kinh nghiệm và có tư duy nhạy bén, sắc sảo, đầy dí dỏm... “Khi nghe tin lần đầu tiên có triển lãm này thì tất cả anh em họa sĩ đều chờ đón. Người ta mong chờ được xem những tranh biếm họa sắc sảo, có giá trị không những tức thời mà về lâu dài về đề tài chống tham nhũng. Thành thật mà nói xã hội nào thì tham nhũng cũng không thể tránh được, chỉ có điều mỗi một người chúng ta đều phải đóng góp một cái gì đó để làm sao dần dần hoàn thiện xã hội. Biếm họa có lúc thoái trào lúc phát triển, trách nhiệm của mỗi họa sĩ biếm họa là làm sao đóng góp tranh của mình để hoàn thiện xã hội…”

Khán giả xem triển lãm không ít lần bật lên tiếng cười sảng khoái. Những bức tranh giản dị, gần gũi nhưng đã nói hộ lòng dân. Ví như các tác phẩm “Tim đen” của tác giả Nguyễn Du (Hà Nội), phê phán nạn tham nhũng của những ông “quan đầu tỉnh”, lợi dụng chức quyền để bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt các dự án lớn sai mục đích; tác phẩm “Chạy” của Đặng Đình Dũng (Quảng Ninh), châm biếm sâu cay các tệ nạn chạy điểm, chạy dự án, chạy chức, chạy quyền. Một vài tác phẩm mà ngay từ tên gọi đã “lộ” chất biếm như: “Bòn rút công quỹ”, “Cả nhà làm quan”, “Tham nhũng ngân sách”, “Thanh tra phong bì”...

Họa sĩ Trần Đức Lợi, giáo viên dạy mỹ thuật trường ĐH Mở Hà Nội đoạt Giải khuyến khích với tác phẩm “Vòng tròn”, thể hiện vòng tròn tham nhũng: Vòng tròn thứ nhất là dự án xây cầu mới, vòng tròn thứ hai có hình ảnh nhiều người chụm đầu vào nhau thể hiện lợi ích nhóm, kết quả vòng tròn cuối cùng là một cái cầu tạm: “Tham gia cuộc thi này tôi rất vui vì thấy được đóng góp một tiếng nói chung cùng xã hội gây tiếng cười, giúp đẩy lùi nạn tham nhũng, đóng góp một phần cho xã hội. Cùng chung với toàn Đảng, toàn nước làm sao đẩy lùi tệ nạn này càng nhanh càng tốt thì đất nước, xã hội càng lành mạnh.” – Họa sĩ Trần Đức Lợi chia sẻ.

Nói như họa sĩ Thành Chương, người dân  ai cũng hiểu tham nhũng là quốc nạn. Thế nhưng đấu tranh với quốc nạn đó như thế nào cho hiệu quả lại vô vàn thách thức. Triển lãm mang tính hưởng ứng tinh thần “Phòng, chống tham nhũng” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức có thể nói là một động thái mạnh mẽ và mang ý nghĩa chính trị, xã hội vô cùng sâu sắc. Một cuộc triển lãm rất giá trị, được thực hiện với tinh thần tỉnh táo, sáng suốt, không né tránh.

Triển lãm Tranh biếm họa chủ đề “Phòng chống tham nhũng” kéo dài tới ngày 5/12/2018, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.                                                                                                

Feedback