"Nữ ca sỹ hói đầu” ra mắt khán giả thủ đô cùng đoàn kịch LucTeam

Nguyễn Hồng
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là vở kịch mở đầu cho một trào lưu kịch phi lý, hay còn gọi là “hài kịch – nghịch dị” của phương Tây hiện đại.

Vở kịch “Nữ ca sỹ hói đầu”, kiệt tác đầu tay của nhà viết kịch Pháp đại tài Eugène Ionesco do nghệ sỹ ưu tú Trần Lực đạo diễn, lần đầu tiên ra mắt khán giả thủ đô tại sân khấu L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Nối tiếp thành công của hai tác phẩm sân khấu được đông đảo khán giả ủng hộ nhiệt thành : Quẫn (tác giả Lộng Chương) và Cơn ghen của Lọ Lem (tác giả Molière) tại các sân khấu của Hà Nội như Nhà hát lớn, L’Espace…, đạo diễn Trần Lực và LucTeam suay trở lại sân khấu L'Espace với vở kịch phi lý mang tên “Nữ ca sỹ hói đầu” của tác giả Pháp Eugène Ionesco.

Eugène Ionesco là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp gốc Rumani. Những vở kịch của ông như "Nữ ca sĩ hói đầu", "Bài học", "Những chiếc ghế", "Những nạn nhân của bổn phận" hiện vẫn được xem là những vở kịch kinh điển. Với 61 năm công diễn liên tục tại nhà hát Huchette ở thủ đô Paris, "Nữ ca sĩ hói đầu" đang giữ kỷ lục là tác phẩm kịch được công diễn với mật độ dày nhất từ trước tới nay.

Lần đầu công diễn ở Paris ngày 11 tháng 5 năm 1950, vở kịch đã gây “sốt” và được khán giả đón nhận vô cùng nồng nhiệt, mở đầu cho một trào lưu kịch phi lý, hay còn gọi là “hài kịch – nghịch dị” của phương Tây hiện đại.

Nội dung của vở kịch có thể kể ngắn gọn là “ không có chuyện gì”, nó chỉ là những sự kiện rời rạc, diễn ra trong một gia đình trưởng giả nước Anh. Thông qua những đoạn đối thoại nhạt nhẽo, lúc mâu thuẫn, lúc vô nghĩa của các nhân vật, Ionesco đã diễu cợt khả năng sử dụng ngôn ngữ trong việc thể hiện tư duy, đồng thời thông qua các tình tiết phi lý, kỳ dị, nửa thực nửa hư, tác giả muốn phản ánh cái nhỏ bé vô nghĩa lý đến thảm hại của thân phận con người.

Các tác phẩm văn học kịch phi lý đã được dịch sang tiếng Việt từ lâu nhưng chưa đạo diễn sân khấu nào dàn dựng. Có lẽ tính chất “phản kịch” theo nghĩa truyền thống, tức tính phi cốt truyện, phi xung đột và phi tính cách của thể loại kịch phi lý dường như mâu thuẫn với thói quen thưởng thức của khán giả Việt, khiến các đạo diễn bối rối.

"Nữ ca sỹ hói đầu” ra mắt khán giả thủ đô cùng đoàn kịch LucTeam - ảnh 1

Lần đầu tiên trong lịch sử kịch nói Việt Nam, kịch phi lý được dàn dựng trên sân khấu L’Espace qua kiệt tác nổi tiếng “ Nữ ca sĩ hói đầu” của Ionesco, do Trần Lực đạo diễn. Khác với cách dàn dựng của các đạo diễn phương Tây, đạo diễn Trần Lực cùng với đoàn kịch LucTeam của mình đã triệt để sử dụng ngôn ngữ Ước Lệ - Biểu Hiện của phương Đông, một loại ngôn ngữ biểu diễn xuất phát từ các bộ môn nghệ thuật dân tộc, đặc biệt gần gũi với khán giả Việt Nam.

Ngôn ngữ ước lệ - biểu hiện tả ý không tả thực. Cách hóa trang, phục trang của các nhân vật mang tính “đồng phục” nêu bật tinh thần phi lý của tác phẩm. Từ đó, đạo diễn Trần Lực đã kể lại “Nữ ca sĩ hói đầu” một cách hoàn toàn khác biệt, hiện đại nhưng vô cùng gần gũi với thị hiếu người xem trong nước.

Bằng việc ra mắt một tác phẩm nổi tiếng của một dòng kịch nổi tiếng, kịch phi lý, đạo diễn Trần Lực cùng đoàn kịch LucTeam dường như đang mang đến cho đời sống sân khấu thủ đô một món ăn lạ, hấp dẫn, một luồng gió mới và hy vọng sẽ được khán giả thủ đô nhiệt tình đón nhận.

Feedback