Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ và những đóng góp cho nghệ thuật cải lương

Minh Thắm - Trịnh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ thực sự là một trong những huyền thoại của nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ (tên thật là Bùi Thị Huệ) sinh năm 1954 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sinh thời, bà là một trong những cô đào nổi tiếng trên sân khấu cải lượng phía Nam. Hàng chục năm gắn bó với nghệ thuật, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ có đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương Việt Nam. 

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ và những đóng góp cho nghệ thuật cải lương - ảnh 1Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ. Ảnh: Anninhthudo.vn

Thanh Kim Huệ đi hát khi mới 14 tuổi, dành gần cả đời người cống hiến cho sân khấu. Trên bước đường nghệ thuật, Thanh Kim Huệ có thể coi là giọng ca hiếm có, bởi ngoài tuồng cổ, bà còn được khán giả yêu mến qua những bản tân cổ giao duyên. Bằng chất giọng sáng và trong, trau chuốt từng lời ca, vai diễn Thanh Kim Huệ sớm định hình cho mình một lời ca, lối diễn riêng, có sức cuốn hút đặc biệt với khán giả. Vở tuồng Lan và Điệp hay những vở tân cổ giao duyên như: Chợ mới, Rước tình về với quê hương, Đám cưới trên đường quê,… của Thanh Kim Huệ từ lâu đã đi vào lòng khán giả.

Bà Trần Kiều Phượng, một người dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Vở tuồng nào của Thanh Kim Huệ tôi  thích, giọng hát của cô trong trẻo, ai cũng yêu mến cô. Mới đây còn nghe cô Thanh Kim Huệ hát, nghe phỏng vấn cô mà giờ cô mất tôi thấy rất buồn”

Trong sự nghiệp trải dài nửa thế kỷ, dù không có gia tài vai diễn đồ sộ như các đồng nghiệp nhưng các nhân vật Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ tham gia đều tạo dấu ấn đặc biệt như: vai Lan trong vở “Lan và Điệp”, Hến trong vở “Ngao, Sò, Ốc Hến”, các vở “Hoa mua trắng”, “Mái tóc người vợ trẻ”...

 Có một trường phái mang tên “Thanh Kim Huệ”

Nhận được tin nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ trút hơi thở cuối cùng, nghệ sĩ nhân dân Lệ Thuỷ đã không kìm được nước mắt. Bà nghẹn ngào cho biết, Thanh Kim Huệ phát bệnh vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát nên chỉ có thể gọi điện hỏi thăm hoặc thông qua nghệ sĩ Thanh Điền - chồng cố nghệ sĩ để nắm tình hình. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng đến nay, nghệ sĩ Lệ Thuỷ vẫn chưa thể chấp nhận hung tin Thanh Kim Huệ đã ra đi mãi mãi.

Trong ký ức của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy, nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ là người rụt rè, ngại giao tiếp nhưng ham học hỏi, luôn nghiêm túc với nghề, trau chuốt từng lời ca vai diễn để tạo ra chất riêng cho mình. Bằng chất giọng sáng và trong, nữ nghệ sĩ Thanh Kim Huệ sớm định hình cho mình một lối ca, lối diễn riêng. Không ủy lụy như nhiều giọng ca khác, bà đã hình thành nên một “trường phái Thanh Kim Huệ” và dần trở thành chuẩn mực cho nhiều thế hệ đàn em học hỏi.

Giờ đây, những kỷ niệm cùng đứng chung sân khấu, cùng hẹn nhau đi ăn khuya, cùng trò chuyện về những buổi công diễn chỉ còn trong ký ức nhưng với NSND Lệ Thủy “người em gái Thanh Kim Huệ” luôn là một người có niềm say mê sáng tạo với nghệ thuật cải lương: “Thanh Kim Huệ mất là sân khấu mất đi một tài năng, một người nghệ sĩ gạo cội, đây là mất mát lớn. Tôi rất buồn khi không còn những người “vang bóng một thời” hay những tên tuổi tạo dựng nền sân khấu cải lương. Thế hệ đàn em có giọng ca hay phải cố gắng để nối tiếp nối đàn anh đàn chị, phát triển sân khấu cải lương sau này.”

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ và những đóng góp cho nghệ thuật cải lương - ảnh 2NS Lệ Thủy và NS Thanh Kim Huệ trong một vở diễn chung lúc còn trẻ. (Ảnh: NVCC)

Khi đã có tuổi, Thanh Kim Huệ vẫn là một trong số ít những nghệ sĩ cải lương đắt sô. Bà vẫn biểu diễn đều đặn ở nhiều sân khấu, thỉnh thoảng sáng tác các kịch bản sân khấu cùng chồng. Bước lên sân khấu, bà vẫn như ngày trước, đầy nhiệt huyết và máu lửa. Lạ là, dù có tuổi song giọng ca của bà vẫn giữ được tuổi thanh xuân. Vở diễn cuối cùng bà tham gia là vở cải lương Lan và Điệp do nghệ sĩ Gia Bảo dàn dựng năm 2019.  Đây là lần đầu nhân vật Lan của bà bước từ băng đĩa lên sân khấu, bà và nghệ sĩ Chí Tâm đảm nhiệm vai diễn hết trọn vở.

Trong cuộc sống, đồng nghiệp khâm phục Thanh Kim Huệ bởi bà vượt qua nỗi đau mất đi con gái để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật, can đảm đối diện với bệnh tật. Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết chia sẻ: “Mới đây, chương trình “Dấu ấn huyền thoại” được phát sóng thì Thanh Kim Huệ đã bệnh rồi, một số khán giả phát hiện cô yếu đi. Người tổ chức chương trình này đã bàn với Thanh Kim Huệ nên có một chương trình để lại cho khán giả khi cô ra đi. Thanh Kim Huệ đã biết trước việc mình sẽ ra đi và rất bình tĩnh, thanh thản đón nhận số phận. Đó là điều cao quý mà tôi hết sức kính trọng.”

Trong các cuộc thi về giọng ca cải lương, Thanh Kim Huệ luôn là cái tên uy tín được Ban tổ chức mời vào vị trí giám khảo. Bà đã thu thanh hơn 300 bài ca vọng cổ. Ngoài hát cải lương, bà còn viết kịch bản cho nhiều vở diễn.

Ngưỡng mộ tài năng Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ, nghệ sĩ cải lương trẻ Bình Tinh bày tỏ: “Bình Tinh và các nghệ sĩ trẻ phải cố gắng, tiếp nối tất cả những gì các cô chú nghệ sĩ thế hệ trước đã truyền dạy cho mình. Bây giờ những lời dạy không còn tồn tại nhưng vẫn đọng lại trong ký ức chúng tôi. Đây là kim chỉ nam để mình bước tiếp con đường nghệ thuật và luôn luôn giữ cái tâm và đạo đức bởi đây là điều thiết yếu của mỗi người nghệ sĩ.”

Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ luôn tìm ra cái mới, phá cách trong giọng hát, để truyền tải đến người nghe những gì hay nhất, đặc biệt nhất. Mỗi khi người nghệ sĩ này cất cao giọng hát người ta đều nhận ra đây chính là giọng ca Thanh Kim Huệ. Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ thực sự là một trong những huyền thoại của nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Feedback