Một lòng thương nhớ miền Trung

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Nguyễn Thế Kỷ dùng thơ để nói chí nói tình, mà chủ yếu là tình. Đó là thứ tình sâu sắc, được trải nghiệm, được nuôi dưỡng và lớn lên qua năm tháng đời người. 

( Lời bình tập thơ “Về lại triền sông” của tác giả Nguyễn Thế Kỉ, NXB Văn học.)

Nghe âm thanh lời bình do PTV Sơn Tùng đọc tại đây:

Đọc những sáng tác trong tập “Về lại triền sông” của nhà thơ nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, tôi liên tưởng đến khu vườn nhỏ nằm cạnh con sông Dinh hiền hòa chảy. Khu vườn đó không trồng quá nhiều cây, cũng không có thứ cây lạ cây hiếm, đều là cây ăn trái đương thì, đan kết vào nhau, lấp lánh ánh nắng buổi sáng. Vườn cây ấy nhận nước và phù sa từ sông Dinh chăm bón, mang màu xanh mát, vị trái cây cũng dịu dàng, lắng ngọt.

Một lòng thương nhớ miền Trung - ảnh 1

Vâng, mạch ngầm, phù sa, sông Dinh, núi Gám… là những thi ảnh thường gặp trong sáng tác của nhà thơ nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, cùng với bao nét đặc trưng xứ Nghệ như quả cà mặn, bát nước chè xanh, câu ví dặm… Không định danh bằng thơ, yêu thơ bằng một tình yêu vô điều kiện, dùng thơ để ghi lại những khoảnh khắc tâm trạng đặc biệt -  chính điều này đã tạo cho tác giả tâm thế thoải mái, tự tại trong từng trang viết. Cũng chính điều này mở lối để thơ ông đến với người đọc, sẻ chia với người đọc bao thương nhớ rưng rưng:

Thì trong cỏ bằng kiếp xưa cát bụi

Theo mạch nguồn về lại triền sông

Thì trong nước bằng phù sa thổn thức

Mặc ngày đi. Bồi lắng. Đợi mùa

Những câu thơ trong bài “Hồi sinh” này hé lộ phần nào suy tư của một người con xứ Nghệ xa quê, luôn coi quê hương là nơi trở về, là ngọn nguồn của hơi thở, của cảm xúc tâm hồn. Tình yêu ấy được thể hiện giản dị mà da diết, bởi không chỉ nghĩ đến quê khi khó khăn lỡ làng, mà càng thành đạt trong công danh sự nghiệp, êm ấm trong hạnh phúc gia đình, lại càng thường trực nỗi nhớ, nhiều khi khắc khoải, bàng hoàng, như trong bài “Miền Trung”:

Miền Trung ơi, làm sao xa người được

Mấy chục năm xê dịch buồn vui

Ăn miếng ngon, thu mình chăn ấm

Mà tâm can chớp giật mưa nguồn

Làm sao xa được, khi ở nơi ấy có nấm mộ mẹ cha đã xanh cỏ, có bao gương mặt anh em bạn bè thân thiết, có cả một tuổi thơ gian khó nhọc nhằn luôn “duềnh lên kỉ niệm”. Nơi bão lũ đạn bom, nơi muối mặn gừng cay câu ví dặm ngọt ngào… Có biết bao điều để nói về miền Trung, về xứ Nghệ, về mảnh đất Yên Thành “nơi nhúm nhau hồng gieo trong đất”. Với nhà thơ Nguyễn Thế Kỉ, ông không cố gắng để làm mới những hình ảnh, những chi tiết đã từng có và có nhiều trong thơ. Đơn giản, ông chỉ kể về một miền Trung của riêng ông, ở trong ông, một miền Trung - xứ Nghệ mà ông luôn có cảm giác còn “mắc nợ”, “có lỗi”, một miền Trung “cực khổ như định mệnh – chỉ những tim yêu mãi xuân thì…”.

Một lòng thương nhớ miền Trung - ảnh 2 Tuổi thơ - Ảnh trong bộ Trẻ mục đồng xứ Nghệ/ Phạm Quốc Đàn- PLO

Trong số 50 bài thơ của tập “Về lại triền sông” thì có tới 20 bài viết về quê hương, cha mẹ, nhắn nhủ các con không được phép lãng quên gốc rễ cội nguồn. Những bài thơ này có khi được sắp xếp bên nhau với tần suất dày đặc, tạo nên độ đặc quánh trong suy tư, nghẹn ngào trong cảm xúc. “Miền trung ơi”, “Xứ Nghệ”, “Tình quê”, “Cội nguồn”, “Quê ơi”, “Quê mình”, “Nghệ Tĩnh mình đây”… Tìm về quê là tìm về với chính mình, là được “rũ bụi thị thành, trong trẻo đất quê”, như lời ông bộc bạch trong bài “Tình quê”:

Quê ạ, ta như người lạc bước

Giữa ồn ào phố thị bon chen

Chốn phù hoa người xa kẻ lạ

Vẫn sắt se, gốc ruộng ao làng

Một lòng thương nhớ miền Trung - ảnh 3 Tuổi thơ với những ngày thả diều trên triền đê - Ảnh trong bộ Trẻ mục đồng xứ Nghệ/Phạm Quốc Đàn-PLO

“Thơ tôi, tôi tự ý thức, không có những đặc sắc, bứt phá, ít sự cách tân…” – Nhà thơ Nguyễn Thế Kỉ đã chia sẻ như vậy trong lời mở đầu tập thơ. Ông dùng thơ để nói chí nói tình, mà chủ yếu là tình. Đó là thứ tình sâu sắc, được trải nghiệm, được nuôi dưỡng và lớn lên qua năm tháng đời người. Thứ tình chung thủy, ân nghĩa, chắt ra từ gan ruột, viết ra vừa đủ để cảm nhận, không sáo ngữ, không ồn ào, cũng không quá kiệm lời. Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Thế Kỉ không dành nhiều cho cá nhân mình, nếu có, thì cũng đã nhiều kìm nén, như những câu thơ ông viết về chợ tình Khau Vai:

Số phận có chiều ai đâu

Đường đời rẽ về lắm ngả

Khau Vai, Người nhân hậu quá

Nâng niu góc nhỏ âm thầm

Những góc nhỏ âm thầm ấy ít được nhà thơ Nguyễn Thế Kỉ bộc lộ, bởi thực tế ông còn bận rộn với nhiều công việc, nhiều nỗi lo toan mà cái tôi công dân phải đối diện. Bước chân của người ham học hỏi đưa ông tới những miền đất khác nhau, yêu những miền đất ấy bằng tình yêu xứ Nghệ. Ở đó, con người trách nhiệm luôn bùi ngùi trăn trở với những mất mát của nhân dân, những khuất chìm của lịch sử, như lời bộc bạch trong bài thơ “Tổ quốc”:

Mấy ngàn năm… vọng phu xứ Bắc

Phụ tử bùi ngùi doi đất trời nam

Những cuộc chia ly, những vành tang trắng 

Hay khi đến với Cần Thơ:

Đâu rồi nơi bạn ta nằm lại

Lục bình thành nấm mộ trôi sông…

Đâu rồi xóm nhỏ sau cơn lũ

Phù sa váng tận bát nhang thờ

                             (Chiều Cần Thơ)

Rồi đêm không ngủ ở Trường Sa:

Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió

Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa

Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc

 Áp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa

Có thể gặp trong tập “Về lại triền sông” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỉ nhiều hình ảnh xúc động như thế. Cái tôi luôn trăn trở và phản tỉnh, phản biện chính mình. Phản biện để nhận ra mình đang tồn tại như thế nào, đang làm gì để góp phần vào cái chung. Thiết nghĩ, thơ ca muốn gắn với đời sống, đi vào đời sống thì luôn cần phải có những tiếng nói phản biện như thế. Và người làm thơ hôm nay dẫu có nhiều thay đổi trong quan niệm, có thể trao thêm nhiều quyền lực hay lược bớt trách nhiệm cho thơ, thì tiếng nói đích thực trong  thơ vẫn là tiếng nói cất lên từ nội tâm để gặp gỡ chia sẻ với mọi người.

Đọc “Về lại triền sông”, không chỉ hiểu hơn chân dung tinh thần của một người thơ mà còn được biết thêm về một miền Trung ngoài gừng cay muối mặn bão giông thì còn một miền Trung khác, rất xanh:

Đất quê mình nâng bước cha đi

Để có con hôm nay trở lại

Như sông suối về nơi biển ấy

Lại góp mưa xanh mát mạch nguồn.

Feedback