Triển lãm “Kho tàng ẩn giấu” diễn ra từ ngày 11-3 đến 16-4, là triển lãm duy nhất tại Hà Nội mà toàn bộ là tranh của cố hoạ sỹ Phan Kế An, một gương mặt tên tuổi của thế hệ họa sĩ được đào tạo từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Buổi tọa đàm về “Kho tàng ẩn giấu” đã hé lộ những câu chuyện thú vị ít được biết đến về cuộc đời, sự nghiệp và những tác phẩm của ông.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phượng Minh:
Họa sỹ Phan Kế An. (Ảnh website Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) |
Phan Kế An thành công ở nhiều thể loại tranh đả kích – châm biếm, sơn dầu, sơn mài và ký họa. Dù là bậc thầy hội họa giống như nhiều họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng khác nhưng phải tới bốn năm sau khi ông mất, công chúng mới được ngắm triển lãm cá nhân đầu tiên của ông
Bà Phan Mai Thanh Thúy, con gái thứ hai của cố hoạ sỹ Phan Kế An cho biết, những tác phẩm của Hoạ sỹ Phan Kế An được trưng bày hôm nay là nhờ mối nhân duyên với họa sĩ Vũ Đỗ (của The Painter’s Studio). Triển lãm chỉ là những tác phẩm dường như dang dở hoặc chỉ mới là những ký họa chì rất nhỏ trên giấy do gia đình gìn giữ nhiều năm, chưa từng công bố, đã giao phó họa sĩ Vũ Đỗ trong việc phục dựng, xử lý tranh.
Con gái họa sĩ Phan Kế An - bà Phan Mai Thanh Thúy (giữa), họa sĩ Vũ Đỗ (bên phải) tại cuộc tọa đàm về hội họa Phan Kế An |
Họa sĩ Vũ Đỗ nhớ lại: "Lần đầu tiên mình cũng rất tò mò. Khi tìm thông tin trên mạng về tác phẩm thì không có nhiều. Cá nhân mình thấy có điểm rất đặc biệt là bảng màu xuất hiện trong tranh, thì màu xanh lạ. Thông thường tranh sơn mài Việt chỉ có đỏ, vàng, đen trắng. Việc xuất hiện một số màu này rất lạ. Sau này, khi có cơ hội gặp cô Thúy và cô có chia sẻ họa sĩ Phan Kế An là một trong những người đầu tiên tìm ra màu xanh này."
Bức ''Nhớ một chiều Tây Bắc'' nổi tiếng của danh họa Phan Kế An. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) |
Vậy Phan Kế An là như thế nào trong mắt con gái? Bà Phan Mai Thanh Thúy chia sẻ: "Ông An là một người rất là điềm tĩnh. Và ông biết kìm nén những cảm xúc nóng giận hay là uất ức. Ông thường nói với bạn bè, với gia đình là có cáu giận cái gì cũng chỉ đúng 15 phút thôi nhé, xong cuộc sống lại trở lại bình thường thì ta mới sống được và làm việc được. Và ông rất giỏi tất cả lĩnh vực khác như ông viết văn, làm thơ và viết những bài báo rất dài về văn học nghệ thuật, về bạn bè của ông, về các cuộc chiến đấu, công việc làm của các thợ mỏ... Ông đi tất cả các nơi để sáng tác, từ những lò than ở Quảng Ninh, trong chiến tranh ông đi cầu Hàm Rồng - ông có bức tranh cầu Hàm Rồng rất nổi tiếng. Và tất cả những hình ảnh ở chiến khu Việt Bắc ông vẫn lưu giữ lại bằng các bức ảnh và các bức ký họa."
Họa sỹ Phan Kế An vốn được biết đến là người đầu tiên ký họa Bác Hồ, tác giả của bức “Nhớ một chiều Tây Bắc” nổi tiếng. Theo bà Phan Mai Thanh Thúy thuật lại, thì với sự giới thiệu từ ông Hoàng Quốc Việt, nhận nhiệm vụ từ ông Trường Chinh, ông Phan Kế An là người đầu tiên được đi theo ký họa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tây Bắc năm 1948. Trong khoảng thời gian ấy, Phan Kế An đã sáng tác được hơn 20 bức tranh và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm riêng trên chiến khu Việt Bắc cho mọi người cùng xem.
Bà Phan Mai Thanh Thúy nhớ lại: "Sau khi bố tôi đã ký họa rồi thì Cụ Hồ mới tổ chức một triển lãm riêng cho bố tôi tại chiến khu Việt Bắc. Cụ cho treo tất cả tranh. Hồi đấy treo rất đơn giản là kẹp trên dây và Cụ mời tất cả mọi người đến để chiêm ngưỡng những bức ký họa mà bố tôi đã ký họa. Coi như đấy là triển lãm đầu tiên của bố tôi do Cụ Hồ đã tổ chức. Và lần này là triển lãm duy nhất tại Hà Nội mà chỉ riêng tranh của bố tôi. Bởi vì mọi khi bức tranh nào của bố tôi ra người ta cũng đã mua hết rồi. Và mỗi khi tổ chức triển lãm chung bố tôi lại đi mượn bạn bè và những người mua một vài bức tranh để triển lãm cùng."
Nhận xét về những ký họa này, họa sĩ Vũ Đỗ nói: "Mình luôn luôn luôn nhìn những tác phẩm của người đi trước dưới góc độ của một hậu sinh, có thể học được nhiều thứ. Khả năng trực họa của họa sĩ Phan Kế An thể hiện ở đây rất tuyệt vời. Hình ảnh, tỷ lệ chân dung Bác Hồ rất chính xác, đường nét khung cảnh xung quanh...trong khi mọi người có thể tưởng tượng Bác Hồ có nhiều việc làm sao có thể ngồi im để họa sĩ vẽ. Những cái này phải vẽ từ trong trí nhớ nữa. Ngày xưa nghĩ đây là một nhiệm vụ mà Đảng giao cho, chứ không đơn thuần kiểu thuê một anh họa sĩ vẽ cho vụi, việc này còn phục vụ cho mục đích truyền thông chính trị vào thời điểm đấy, để phục vụ cách mạng, cho nên trách nhiệm rất lớn lao - vào thời điểm mà họa sĩ Phan Kế An còn rất trẻ."
Kho tàng ẩn giấu của Phan Kế An, là những bức vẽ được họa sĩ Đỗ Vũ xếp đặt trong không gian triển lãm, chú giải theo một hệ thống, giúp người xem có thể tìm hiểu quá trình và triết lý sáng tác của họa sỹ kéo dài qua những thời kỳ lịch sử, tạo mối giao cảm giữa người xem và người sáng tạo.
Tranh của họa sĩ Phan Kế An |
Bà Phan Mai Thanh Thúy nhớ lại những hồi ức về cha mình: "Từ bé tôi vẫn thường thấy bố tôi ngồi cặm cụi vẽ, mẹ tôi chăm sóc bố tôi từ cốc nước. Bố tôi tự lấy bia, tự lấy thuốc lá, ngồi vẽ, cũng thỉnh thoảng gầy gầy vài nhát, lại uống bia , lại hút thuốc lá, lại trầm ngâm ngắm. Có lúc đứng ra xa, có lúc tiến lại gần...Nhưng nói chung ông sáng tác một cách rất thong thả chứ không phải vội vã như kiểu kiếm tiền bây giờ. Có những bức tranh ông vẽ vài năm, có những bức tranh ông vẽ một năm, nhưng thường thường ông kết thúc bức tranh để trả cho những người đặt, vào 30 Tết."
Họa sĩ Vũ Đỗ chia sẻ, trong quá trình bảo tồn những di sản để lại của họa sĩ Phan Kế An, anh cần sự tham vấn của rất nhiều chuyên gia, trong đó có cộng đồng Mê tranh. Mỗi người chuyên về một mảng riêng về giấy, lụa, sơn dầu, sơn mài,... Anh trăn trở rất nhiều về sự kết nối nghệ thuật giữa các thế hệ: "Tôi luôn luôn cảm thấy sự mất kết nối giữa thế hệ mình và những thế hệ nghệ sĩ như thế này. Tôi rất tò mò không biết rằng ngày xưa thế hệ cha ông mình họ học tập như thế nào, họ làm việc ra làm sao, để trải qua cả một thời kỳ chiến tranh khốc liệt như vậy mà họ vẫn có thể sáng tạo hoặc lao động nghệ thuật một cách say mê."
Ông Vũ Trọng Đại, Công ty sách Omega+ chia sẻ: Tại Hà Nội từ đầu năm đến nay đã có ba triển lãm đáng chú ý: triển lãm của nhóm Hiện thực, triển lãm của họa sĩ Trịnh Lữ, và hôm nay là triển lãm của họa sĩ Phan Kế An - " Một họa sĩ trẻ lứa tuổi thế hệ 8x - 9 x, một họa sĩ trung tuổi là họa sĩ Trịnh Lữ và bây giờ là những tác phẩm cũng như là câu chuyện của cuộc đời qua chia sẻ của cô. Thúy về danh họa Phan kế An. Chúng ta thấy cả một dòng chảy dòng chảy lịch sử đã thể hiện qua các buổi triển lãm, diễn ra tại Hà Nội, trong bầu không khí của Hà Nội, đang dịch bệnh. Với tôi đấy là một sự truyền cảm hứng về một sự khởi sắc hoặc không khí quay trở lại với nhịp sống bình thường của Hà Nội.
Tôi cũng rất chia sẻ với Vũ Đỗ về không chỉ là thế hệ của Vũ Đỗ hay là thế hệ của tôi, chúng ta giống như bị mất sự kết nối với cả quá khứ - những người đàn anh là cha chú đi trước trong nghề của mình, ở trong lĩnh vực nghệ thuật, về hội họa. Nhưng đến bây giờ đã làm việc trong ngành xuất bản đến hơn 20 năm rồi, tôi đã từng chứng kiến, đã gặp rất nhiều những trường hợp tương tự ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ lĩnh vực hội họa. Một thế hệ trong lịch sử chúng ta đã đóng góp rất nhiều, rất lớn lao để hình thành nên đất nước, xã hội chúng ta hiện nay, nhưng thế hệ đấy đang dần trôi qua. Và nếu không có sự lưu giữ, dần dần những dấu vết của họ sẽ mất đi. Và xã hội của chúng ta, lịch sử chúng ta sẽ tổn thất. Nó giống như là một bức tranh bị khuyết hiếu, chúng ta không bao giờ còn có thể khôi phục lại nữa nếu chúng ta không có những hành động càng sớm càng tốt để giữ lại.
Vũ Đỗ đang đóng góp một phần trong việc khôi phục lại di sản của họa sĩ Phan Kế An. - di sản về nghệ thuật là chắc chắn nhưng còn những di sản khác nữa. Ở đây tên cuộc triển lãm này chính là Kho tàng ẩn giấu. Còn rất nhiều kho tàng ẩn giấu khác trong cuộc đời của họa sĩ Phan Kế An mà chúng ta chưa khai thác, chưa phát lộ. Ở góc độ về lịch sử, về xã hội tôi cho rằng còn nhiều góc độ nữa chúng ta có thể khai thác, như chính Vũ Đỗ có nói, đây là công việc không phải một mình nhóm Vũ Đỗ có thể làm được mà cần sự chung tay của nhiều nhóm khác. " - Ông Vũ Trọng Đại nhấn mạnh.