“Hồi ký phóng viên chiến trường” – Khi “những con chữ tìm tổ bay về”

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) -  “Hồi ký phóng viên chiến trường” cho thấy chiêm nghiệm của tác giả Trần Mai Hưởng về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình. 

Nghe âm thanh bài tại đây:

“Nhiều người biết tới nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam không chỉ qua những bài viết, bức ảnh nổi tiếng mà ông còn là phóng viên chiến trường, vào sinh ra tử ở những thời khắc lịch sử cùng cả dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ông là một trong những phóng viên có mặt sớm nhất ở Dinh Độc lập, chứng kiến và ghi lại những hình ảnh của ngày Đại thắng. Trong số đó bức ảnh “Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975” mà sau đó được chuyển sớm ra Hà Nội để Thông tấn xã Việt Nam phát đi và được các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước sử dụng rộng rãi; trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng mùa Xuân 1975 cho đến ngày nay.

“Hồi ký phóng viên chiến trường” có dung lượng gần 500 trang, gốm 11 phần, là hồi ức của nhà báo Trần Mai Hưởng từ khi ông 13 tuổi cho đến khi trở thành một nhà báo, trải qua nhiều dấu mốc lịch sử như chiến dịch tổng tiến công năm 1972, Đại thắng mùa xuân năm 1975, chiến tranh biên giới Tây Nam… Cuốn sách cũng cho thấy chiêm nghiệm của tác giả về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình.  

“Hồi ký phóng viên chiến trường” – Khi “những con chữ tìm tổ bay về” - ảnh 1Nhà báo Trần Mai Hưởng ký tặng sách cho độc giả. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Tôi muốn được ghi lại những kỷ niệm nghề nghiệp của mình trong cuộc đời một người làm báo, từ khi là một người còn rất trẻ cho đến cuối đời. Và không phải câu chuyện của tôi mà của các đồng nghiệp, các thế hệ Thông tấn xã Việt Nam trên các chiến trường, vào những thời điểm, địa bàn rất phức tạp, khó khăn. Tôi muốn ghi lại hình ảnh của những đồng nghiệp thân thương, quý mến một thời của mình. Đây cũng là một cách tôi chia sẻ lại tâm tư của một thế hệ những người làm báo trong chiến tranh với các nhà báo trẻ sau này để anh chị em có thể hiểu được thời chúng tôi sống và làm việc như thế nào. Về mặt nào đấy thì đối với tôi, tôi cũng muốn ghi lại những tình cảm, những biết ơn của mình đối với cơ quan Thông tấn xã Việt Nam, nơi đã rèn luyện, đào tạo tôi từ một học sinh cho tới lúc trưởng thành trở thành một người làm báo. Điều đó thể hiện ân nghĩa của mình đối với ngành, đối với nơi đã nuôi dưỡng cho mình trưởng thành và có thể phát triển được công việc của mình.”

Đã hơn 50 năm, kể từ khi nhà báo Trần Mai Hưởng rời trường phổ thông để đi học lớp phóng viên Thông tấn xã Việt Nam khóa 8. Ông đã dành trọn cuộc đời mình cho nghề báo. Những trải nghiệm, thử thách trong chiến tranh và hòa bình đã được ông gửi gắm phần nhiều trong cuốn “Hồi ký phóng viên chiến trường”. Ở tuổi ngoài 70, nhà báo kỳ cựu muốn được kể lại, không chỉ câu chuyện về bản thân mình mà còn về đồng nghiệp, đồng đội, về “nhiều sự kiện, nhiều gương mặt và hoàn cảnh đã sống”. Tư liệu về sự kiện, nhân vật, vùng đất… đã sớm được tác giả tìm kiếm và lưu giữ, để hôm nay, trở thành chất liệu để cuốn “Hồi ký phóng viên chiến trường” thêm phần dày dặn và có giá trị về mặt lịch sử.

“Tôi cũng có ý thức tư liệu vào các thời kỳ quan trọng, đặc biệt là những sự kiện lớn để mình viết lại có hệ thống và phản ánh một cách trung thực những gì đã diễn ra vào những thời điểm quan trọng của đất nước. Ví dụ như Tổng tiến công năm 1972 ở Quảng Trị, trao trả tủ binh 1973, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 hay Chiến dịch giải phóng Campuchia thời kỳ cuối năm 1978 đến năm 1980, rồi các cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1980… Tôi muốn ghi lại hình ảnh của người dân, của đồng bào chiến sĩ ở trên tất cả địa bàn đấy, trong những khoảnh khắc đấy để làm những tư liệu sau này. Và với con mắt của người làm báo, tôi cảm nhận được có rất nhiều điều tốt đẹp muốn ghi lại để thế hệ sau có thể đọc được và chia sẻ được.” - nhà báo Trần Mai Hưởng nói.

Từ những năm 20 tuổi, nhà báo Trần Mai Hưởng đã có cơ hội tác nghiệp ở nhiều mặt trận. Ông thuộc tốp những phóng viên ở tuyến đầu Quảng Trị trong chiến dịch tổng tiến công năm 1972. Sau đó, ông theo đoàn quân chiến thắng tiến vào Huế, Đà Nẵng. Năm 1975, nhà báo Trần Mai Hưởng có mặt ở Dinh Độc Lập. Năm 1979, ông tiếp tục tác nghiệp ở Phnom Penh khi các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau đó, ông lại lên Hà Giang, Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc… Cũng là một phóng viên chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Chu Chí Thành bày tỏ niềm vui khi cầm cuốn “Hồi ký phóng viên chiến trường” của nhà báo Trần Mai Hưởng trên tay.

Ông cho rằng ghi lại hồi ức hào hùng của một thế hệ cũng là trách nhiệm của những người đã may mắn sống sót trở về: “Tôi rất vui vì anh Trần Mai Hưởng đã ra được cuốn sách nói về thời kỳ làm báo trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Tôi nghĩ rằng thời gian trôi qua rất nhanh, nhiều công việc bộn bề khiến chúng ta có khi không nghĩ tới quá khứ. Thế nhưng khi mà có các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh, các nghệ sĩ nhắc lại những kỷ niệm hào hùng của thời chống Mỹ cứu nước, và cả thời kỳ đầu gian khổ xây dựng đất nước, thời kỳ bao cấp khó khăn… đến thời kỳ đổi mới thì tôi nghĩ đấy là một điều rất bổ ích. Bởi vậy, những trang viết của Trần Mai Hưởng nhớ lại ngày xưa là một điều rất quý. Tôi mong rằng tất cả các nhà báo Việt Nam trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, mỗi người nên giữ lại những tư liệu quý của mình, viết lại những gì mình đã trải nghiệm để cho mọi thế hệ biết.”

Trong “Hồi ký phóng viên chiến trường”, độc giả không chỉ gặp những trang viết sống động, sắc sảo, những bức ảnh giúp người ta hình dung rõ nét hơn về một thời đã qua mà còn gặp nhiều bài thơ, từ lúc ban đầu làm tặng bạn bè, thầy cô đến sau này, thường là ghi lại cảm xúc trước những con người quả cảm, như liệt sĩ Thu Hồng hay chị Khuya, cán bộ phụ nữ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị… Thơ thêm phần lãng mạn trong hồi ký, đồng thời cũng là “chất xúc tác giúp các trang viết thêm liền mạch”. Chiêm nghiệm của tác giả trong suốt những nẻo đường chiến tranh và hòa bình cũng đã gợi lên nhiều suy tư cho độc giả.

Anh Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Công ty Alphabooks, một trong những độc giả đầu tiên khi “Hồi ký phóng viên chiến trường” còn là bản thảo, cho biết: “Đối với tôi, đây là một cuốn sách ấn tượng. Thứ nhất, với riêng tôi, cuốn sách liên quan tới ông cụ tôi khi mà sống trong chiến tranh. Khi mình đọc những câu chuyện trong chiến tranh thì đó là chính sử người ta ghi lại. Bảo khô khan thì cũng không phải, nhưng nó chính thống. Cuốn sách của anh Trần Mai Hưởng thì cá nhân hơn. Anh kể những dấu ấn cá nhân, những gian khổ, những kỷ niệm cá nhân, những gian khó của cá nhân và một số vấn đề đời thường mà một số cuốn sách sử chính thống thì thường không có hết được. Về rộng hơn, phần nào đó, nhà báo Trần Mai Hưởng cũng là một nhà lãnh đạo. Anh đã điều hành lãnh đạo Thông tấn xã, tờ báo Việt Nam News… và nhiều tờ báo khác. Với kinh nghiệm của một người làm báo như vậy, những trải nghiệm, dấu ấn, để mà mang lại những bài báo, thông tin cho đất nước, cho xã hội rõ ràng là một bài học rất là thú vị cho chúng tôi sau này.”

Nhà báo Trần Mai Hưởng quan niệm nghề báo không chỉ là công việc mà phía sau con chữ còn là tình người. Với “Hồi ký phóng viên chiến trường”, chúng ta cũng có thể nói rằng đây không chỉ là hồi ký về nghề báo mà còn là tình cảm giữa tác giả với anh em đồng nghiệp, với bạn bè, người thân và với cả những nhân vật từng xuất hiện trong bài báo hoặc trong các tấm ảnh của ông, để “Những con chữ tìm tổ bay về - Như một đàn ong cần mẫn”…

Feedback