Họa sỹ Vũ Bạch Liên: Cuộc đời qua dấu vân tay

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5)- Giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam năm nay - giải C, được trao cho một tác phẩm khá đặc biệt của họa sỹ Vũ Bạch Liên mang tên “Họ một phần cuộc sống của tôi”.
(VOV5)- Giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam năm nay - giải C, được trao cho một tác phẩm khá đặc biệt của họa sỹ Vũ Bạch Liên mang tên “Họ một phần cuộc sống của tôi”.


Nói là đặc biệt bởi tác giả của nó đã kỳ công đi xin dấu vân tay của hàng trăm người rồi ghép lại thành một bức chân dung khổ lớn 2mx2m. Thành công của tác phẩm này là khởi đầu cho dự án sáng tạo “Cuộc đời dưới hình thức vân tay” của nữ họa sỹ Vũ Bạch Liên, để rồi liên tiếp các tác phẩm tiếp theo như: “Cuộc đời”, “Yêu”, “Nhân gian”, “Cõi”, “Hồi sinh” ra đời đã nối tiếp mạch sáng tác ấy.

Họa sỹ Vũ Bạch Liên: Cuộc đời qua dấu vân tay - ảnh 1
Vũ Bạch Liên bên tác phẩm"Họ- một phần cuộc sống của tôi" - Ảnh: Báo Thể thao văn hóa


Dù ít dù nhiều, ai cũng có vân tay, điều đó không còn xa lạ. Ngoài câu chuyện người đến tuổi trưởng thành khi đi làm chứng minh thư nhân dân phải sử dụng vân tay, thì hẳn nhiều người trong chúng ta cũng không hiểu hết ý nghĩa của nó? Theo họa sỹ Vũ Bạch Liên, dấu vân tay chính là bạn: “nó phản ánh cuộc đời của bạn. Vân tay giống như mê cung mà bạn phải quằn quại, bò lết ở trong đó cho đến cuối đời…Và chúng ta phải loanh quanh tìm kiếm cái bản ngã của chính mình ở trong cái mê cung đó…”

 

Với suy nghĩ vân tay giống như mê cung. Cuộc đời con người cũng thế. Nó cũng được biểu hiện bằng dấu vân tay, không ai giống ai, họa sỹ Vũ Bạch Liên bắt đầu thực hiện dự án từ năm 2012. Chị thể hiện một loạt tác phẩm chủ đề dấu vân tay qua nhiều hình thức khác nhau như: in khắc gỗ, in trực tiếp dấu vân tay lên tác phẩm, và tạo dấu ấn ở tác phẩm “Họ một phần cuộc sống của tôi”. Để sáng tạo nên tác phẩm này, nữ họa sỹ đã cho in những dấu vân tay lên giấy hanji (giấy truyền thống của Hàn Quốc”-một vật liệu tuy mềm mại nhưng có độ bền cao. Chính từ chất liệu ấy cùng với sự tìm tòi, sáng tạo, Vũ Bạch Liên đã in lên giấy những chiếc vân tay muôn hình vạn trạng. Tầng tầng lớp lớp vân tay được thu thập từ những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cùng những người tình cờ nữ họa sỹ gặp trên đường mà theo chị “họ là một phần cuộc sống của tôi”: “Tôi làm cho mọi người thấy rằng à mình có giá trị trong cuộc sống. Không có cái gì là phải ngượng ngùng khi bày tỏ mình. Đừng tự mình quăng mình vào thùng rác, và cũng đừng nỡ làm như thế với những người xung quanh mình…”

Họa sỹ Vũ Bạch Liên: Cuộc đời qua dấu vân tay - ảnh 2
Một tác phẩm khác của Vũ Bạch Liên - Ảnh: Báo Thể thao văn hóa


Từ những kỹ thuật lăn vân tay, cách sử dụng mực in, người được xin vân tay lăn lên mặt giấy làm sao để mực không quá ướt mà vẫn hiện rõ vân tay trên giấy. Nữ họa sỹ sử dụng phần mềm đồ họa để phác thảo, sau đó căn chỉnh và phối màu đậm nhạt tạo nên mảng sáng tối, điểm nhấn. Ngoài dựng chân dung độc bản bằng vân tay, cũng bằng kỹ thuật độc và lạ này, Vũ Bạch Liên còn sáng tạo một số tác phẩm mang ý nghĩa triết lý nhân sinh, trong đó đáng chú ý có “Hồi sinh”. Khác với “Họ một phần cuộc sống của tôi”, “Hồi sinh” được thực hiện qua hình thức trình diễn. Còn nhớ cách đây không lâu, khi “Hồi sinh” tham gia triển lãm “Today” tổ chức tại Hà Nội, họa sỹ đã dành nhiều thời gian để giao lưu, tương tác với khán giả. Hôm nay tác phẩm in dấu vân tay của một anh bác sỹ, ngày mai là dấu vân tay của một khán giả (có thể là bạn sinh viên hay chị công nhân). Các dấu vân tay ấy được nữ họa sỹ phóng lớn, khi khán giả đến xem tranh chị phát cho mỗi người một dấu vân tay phóng lớn ấy, để họ tự tác động lên nó theo cách mà họ muốn. Thật thú vị khi có rất nhiều người đã tương tác với nó. Và sự tương tác ấy đã mang lại những kết quả khác nhau. Nó ẩn chứa trong đó câu chuyện mỗi người sống trong cuộc đời này, bằng cách này hay cách khác, đã tác động lên thân phận của một ai đó. Ví như vị khán giả cho rằng họ là thứ đồ chơi của mình, thì vị khán giả ấy gập cái vân tay trở thành hình ảnh một cái ô và xoay nó như chong chóng. Hay có người lại gấp dấu vân tay để trở thành một con quái vật kiểu origami (nghệ thuật gấp giấy của Nhật Bản). Và như thế, khán giả đã biến người này thành một con người khác hoàn toàn. Thậm chí, có người còn vò xé và đứng từ xa quẳng nó vào thùng rác…Họa sỹ Vũ Bạch Liên chia sẻ điều chị gửi gắm qua tác phẩm “Hồi sinh”: “Thông qua tác phẩm tôi muốn khơi gợi lòng trắc ẩn trong lòng mỗi con người chúng ta. Cuộc sống đương đại có quá nhiều những cám dỗ, những thứ làm cho con người quên đi cái nhân tính của mình. Lòng trắc ẩn cũng là thứ được người ta xem như là sến, và người ta giấu biệt nó đi. Người ta sợ hãi với chính cái giọt nước mắt mà người ta bật khóc khi nhìn thấy những thân phận của một ai đó bị hắt hủi, bị trà đạp. Và cái câu chuyện hồi sinh, trên tất cả là nhân tính của con người. Nếu chúng ta muốn một xã hội tốt đẹp chúng ta cần phải hồi sinh cả nhân tính ở trong chính chúng ta”.

 

Để gom đủ 10.000 dấu vân tay làm nên “Hồi sinh”, đến bây giờ Vũ Bạch Liên không thể nhớ hết chị đã đi bao nhiêu quãng đường, đến những địa phương nào, gặp gỡ bao nhiêu con người. Mỗi người chị gặp đều để lại cho chị không chỉ ấn tượng về vẻ bên ngoài mà còn cả những công việc họ làm, câu chuyện họ kể: “Tôi đi trên xe ôm và khi tôi trả tiền cho anh ấy xong thì anh ấy rụt rè nói rằng là “chị có thể cho em đóng góp một dấu vân tay vào dự án của chị có được không?” Thì đó là kỷ niệm rất đáng nhớ và cũng rất thú vị tôi không bao giờ quên trong quá trình đi xin vân tay. Chỉ đưa cho người ta một mẩu giấy bé xíu đó thôi mà một anh xe ôm, hay một cô gái tình cờ gặp lại làm được một điều nó thú vị, nó hấp dẫn đến thế. Và họ trao cho tôi câu chuyện cuộc đời họ một cách rất tự nguyện. Đó là quãng tháng 6 tôi chạy khắp nơi. Từ đó tôi cũng nhận ra rằng: Nếu tôi có thể hiểu được mình hay không thì phải soi mình qua người khác, chứ không thể tự tôi làm ra được bức tranh. Tất cả phải có sự tương tác, giúp đỡ của những người khác”

 

Không chỉ dừng ở in, cắt dán, trình diễn, trong tương lai họa sỹ Vũ Bạch Liên còn mong muốn thử nghiệm ở những hình thức khác nữa. Bởi, theo cách ví von của nữ họa sỹ giàu sáng tạo này thì chị “cảm thấy cái nhu cầu của mình không chỉ ở trên bề mặt giấy nữa mà bắt đầu nó phải “bò” xuống”: “Sau tác phẩm hồi sinh tôi dự định sẽ làm với nhiều hình thức tạo hình khác nữa, ví dụ như là gỗ, điêu khắc, sắp đặt. Và tôi còn mơ ước những điều mênh mông rộng lớn khác nữa…Với dự án Cuộc đời qua dấu vân tay này tôi còn nhiều ý tưởng khác…”

 

Với cảm hứng và năng lượng sáng tạo dồi dào, hành trình sáng tạo dự án “Cuộc đời qua dấu vân tay” của họa sỹ Vũ Bạch Liên chắc sẽ còn in dấu nhiều cuộc đời khác nữa trên những chất liệu và hình thức thể hiện khác mới mẻ hơn, sinh động hơn.

Feedback