Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:
Họa sỹ Nguyễn Văn Chuyên sinh năm 1969 tại Hải Dương, hiện là giảng viên chính khoa Thiết kế Mỹ thuật, trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Dẫu có một bộ sưu tập giải thưởng mỹ thuật, song bản thân anh lại quan niệm về nghề rất giản dị và khiêm tốn: “Tôi coi nghệ thuật là một cuộc chơi. Hạnh phúc là khi được vẽ, được tự do trong thế giới sáng tạo”. Anh chọn hình thức biểu hiện trừu tượng như một cách mở lòng mình để đối thoại với người yêu nghệ thuật qua từng tác phẩm.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên tại xưởng vẽ. |
Mái tóc đen đủ dài để buộc gọn phía sau, dáng người khỏe khoắn, đôi mắt sáng cùng nụ cười cởi mở, đó là đôi nét phác thảo chân dung họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên. Ngoài công việc của một giảng viên đại học, anh dành nhiều thời gian ở xưởng vẽ. Ở đó, anh được chìm đắm trong cảm xúc nghệ thuật, đối diện với những chất liệu, màu sắc, đường nét có thực và cả những ảnh hình đang cuộn trào trong tâm trí, đòi hỏi anh phải nắm bắt, phải thể hiện. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của anh.
Đoạt giải nhất Mỹ thuật Đồng Nai năm 1995, liên tiếp các năm sau đó, năm nào anh cũng có ít nhất một giải thưởng: giải thưởng khu vực, giải thưởng Hội mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng Mỹ thuật Asean, …vv… Tác phẩm của anh cũng liên tục xuất hiện ở các triển lãm trong nước, một số triển lãm khu vực Asean và thế giới. Chi tiết ấy cho thấy những nỗ lực bền bỉ cùng tình yêu say đắm với nghệ thuật của họa sỹ Nguyễn Văn Chuyên. Làm việc để chuyển hóa và tái tạo năng lượng thành tác phẩm, làm việc để khám phá nội lực, khám phá những tầng sâu thẳm bên trong con người mình. “Tôi coi nghệ thuật là một cuộc chơi” – Câu nói đó là cách anh thể hiện tâm thế bình an, vô tư với hội họa. Song để có sự vô tư này người nghệ sỹ đã phải trải qua một quá trình dài với tư duy và thể nghiệm không ngừng.
Thả đèn gió (sơn mài - họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên) |
Chọn lối biểu hiện trừu tượng, họa sỹ Nguyễn Văn Chuyên thường sáng tác với chất liệu sơn mài, sơn dầu và gần đây là chất liệu tổng hợp, bởi sự đa dạng phong phú và khả năng thích ứng của nó. Sự thoải mái trong quan điểm làm nghệ thuật, trong cách sử dụng vật liệu, chất liệu khiến anh không bị bó buộc vào những điều đã quen thuộc, mở rộng phạm vi và kỹ thuật thực hành, tăng khả năng biểu đạt cho các tác phẩm. Sự sáng tạo trong ngôn ngữ tạo hình luôn được anh trăn trở, bởi mỗi tác phẩm phải là độc bản, duy nhất, mang đậm dấu ấn cá nhân.
"Điều tôi quan tâm thể hiện đó là sự mới mẻ, mới mẻ về tư duy ngôn ngữ tạo hình. Vì mình là mỹ thuật tạo hình cho nên mình phải thay đổi ngôn ngữ tạo hình ở trong từng tác phẩm. Mình không thể vẽ những bức tranh na ná nhau. Tranh trừu tượng của tôi thường tìm lại những dấu tích đã bị phai mờ trong lịch sử, trong văn hóa. Tôi muốn gợi lại những điều bình thường, rất bình thường. Những vết xước trên những hòn đá nơi hang động, hoặc đôi khi chỉ là trong những mảnh vỡ, nhưng nó sẽ đem lại một cảm giác hoàn toàn khác trong tác phẩm hội họa" - Anh nói.
Mỗi tác phẩm gợi mở một câu chuyện, song giữa các tác phẩm luôn có sự liên kết trong tư duy nghệ thuật. Nguyễn Văn Chuyên mạnh về những mảng màu trầm, tối, gợi hồn của đất đai, của trầm tích lịch sử, có nét rạn vỡ u uẩn nhưng đó là nỗi buồn hoài cổ, nỗi buồn nâng đỡ con người. Những phiến đá nơi hang động, sự mài mòn của thời gian trên những ký tự nơi bãi đá cổ Sa Pa, quang cảnh đổ nát của đền đài thánh địa Mỹ Sơn… những ảnh hình đó ám ảnh anh, trong ký ức, trong giấc mơ, thúc giục anh tìm hiểu và nghiên cứu về nó, chắp nối thành đường dây câu chuyện. Bãi đá cổ, Hóa thạch, Mỹ Sơn, Tâm Phật, Ngư dân người Việt cổ… là những tác phẩm được ra đời như thế. Bên cạnh đó, những hình ảnh của thiên nhiên của đời sống thường nhật vùng châu thổ cũng chảy vào trong sáng tác của anh, với nhịp điệu chậm rãi, sâu lắng, có khắc khoải, có bộn bề, gợi ngẫm về những quy luật tồn vong, niềm khao khát hướng về miền sáng ấm áp trong mối giao hòa giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ.
" Đề tài của tôi thường xuất phát từ tự nhiên, xã hội, gắn với những hình ảnh đời thường, hàng ngày trong cuộc sống. Nhưng tôi muốn biến nó thành một sự sang trọng, một sự đổi mới trong tác phẩm thông qua ngôn ngữ tạo hình. Bên cạnh các chất liệu như sơn dầu, chất liệu tổng hợp, hay làm tranh đồ họa, thì sơn mài vẫn là mối quan tâm chính của tôi. Thường tôi vẽ khổ lớn nên mất nhiều thời gian, vài tháng, có khi cả năm mới xong một tác phẩm." - Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên cho biết.
Một triển lãm cá nhân luôn là điều mong muốn của các họa sỹ. Vậy nhưng, với Nguyễn Văn Chuyên, dù có đủ cơ hội để thực hiện điều này song anh chưa từng nghĩ đến, chưa từng có dự định. Mới đây, anh và họa sỹ Nguyễn Thiện Đức đã hội ngộ trong triển lãm “Sơn dầu, tổng hợp – biểu hiện và trừu tượng” do Lunet Art tổ chức, như một hoạt động tôn vinh những đóng góp của họ trong dòng chảy của mỹ thuật đương đại.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chuyên tại triển lãm do Lunet Art tổ chức - Ảnh: Lunet Art |
Theo chị Luneta Phan, giám đốc nghệ thuật của Lunet Art, những tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Văn Chuyên ẩn chứa một nội lực mạnh mẽ: "Mảng màu chủ yếu trong tranh của anh ấy là mảng tối. Đường nét tạo hình rất mạnh mẽ, sử dụng các đường kỉ hà, tức là những đường cắt ngang. Với tác phẩm khổ lớn, sử dụng những đường cắt ngang như thế phải là người rất tự tin. Bên cạnh đó thì tranh của anh cũng có những tạo hình rất hàn lâm với bố cục chặt chẽ. Anh không bao giờ ký tên vào tác phẩm. Đó cũng là một chi tiết cho thấy sự tự tin của anh"
Họa sỹ Nguyễn Văn Chuyên bộc bạch: Trong nhiều bức tranh vẽ theo lối trừu tượng, tôi tìm mọi cách để giải phóng sắc màu và cảm xúc khỏi sự trói buộc của những hình dạng vật chất cụ thể, để chúng được tự do thâm nhập vào thế giới của tâm thức sáng tạo, nơi khởi nguồn của Nghệ thuật. Hòa mình vào dòng chảy đời thường, lắng nghe những âm thanh của cuộc sống, ắp đầy, mê mải, rồi lại tự tách mình ẩn vào những sắc màu, để mạch tư duy chảy tràn trên từng đường nét, đó là cách mà họa sỹ Nguyễn Văn Chuyên rong chơi cùng nghệ thuật.