Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Hà Nội hiện lên trong những bức ảnh của Nguyễn Hữu Bảo tự nhiên, giản dị, gần gũi nhưng cũng đủ sức gợi, đủ sức ám ảnh bởi những câu chuyện ấn chứa trong đó. 
Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội - ảnh 1 NAG Nguyễn Hữu Bảo ở triển lãm Ký ức Phố. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Từ xưa, Hà Nội thời thuộc Pháp có hiệu vải Tam Kỳ nổi tiếng khắp Bắc-Trung-Nam. Và ông chủ của hiệu vải ấy là nhà tư sản yêu nước Nguyễn Hữu Nhâm. Ông bà Tam Kỳ có 10 người con song không ai nối nghiệp thương gia mà thành danh ở các ngành nghề như: bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo…trong đó có bốn anh em làm nghệ thuật đó là nhà quay phim-NSND Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn Nguyễn Hữu Hồng, đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo. Tưởng như người em Hữu Bảo làm nghệ thuật là có sự chủ đích, nhưng sự thực ông bén duyên với chiếc máy ảnh cũng hết sức tình cờ: "Tôi bắt đầu cầm máy từ năm 1973, lúc đó tôi chưa có khái niệm về chụp ảnh. Cơ duyên khiến tôi chụp ảnh là từ buổi đi đón em họ tôi trở về từ chiến trường, em tôi muốn tôi ghi lại khoảnh khắc ấy. Tôi học cấp tốc về chụp ảnh do anh tôi dạy, rất là đơn giản, lên phim thế này, lên nét thế này…Tôi học trong khoảng 3 tiếng đồng hồ và chụp ảnh ngay. Đấy là những bức ảnh đầu tiên đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ được".

Đến với nghệ thuật nhiếp ảnh tình cờ như vậy, nhưng để sống được bằng nghề và đi trọn vẹn với nó không hề dễ dàng. Phải có niềm đam mê và biết tìm cho mình một thế mạnh riêng, một góc nhìn riêng. Nhiều người nhầm tưởng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo chỉ chụp Hà Nội, sự thực ông chụp rất nhiều đề tài: từ phong cảnh vùng núi cao Hà Giang, con người Tây Nguyên cho đến văn hóa làng quê đồng bằng Bắc Bộ. Song quả thực với Hà Nội, ông để lại nhiều dấu ấn hơn cả: Một Hà Nội của riêng nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo: "Nhiếp ảnh của tôi tự thân nhu cầu như là hơi thở, như là đói thì ăn khát thì uống. Tại sao tôi có một kho ảnh về Hà Nội. Thứ nhất là tôi thường trực ở Hà Nội, tôi sống ở Hà Nội và tất cả con đường góc phố ngõ hẻm; tất cả hoạt động của nó đối với tôi là máu thịt. Do vậy tôi ghi lại Hà Nội ở một nhãn quan như là chụp người thân của mình. Tôi cảm ơn Hà Nội, những góc phố, những gì đó vô danh, đặc biệt là giới cần lao: Những người dân lao động. Ống kính của tôi luôn hướng về những chân dung vô danh. Và tôi đặc biệt chú ý đến những cảm xúc trên gương mặt họ. Tôi tìm được một góc riêng để kể về Hà Nội, để hiểu hơn thành phố mình đang sống".

Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội - ảnh 2 Ảnh của Nguyễn Hữu Bảo

Như một nhà khảo cổ lần tìm lại quá khứ từ những tàn tích còn sót lại, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo thích tìm về những gì xưa cũ để có những bức ảnh lưu giữ hồn của Hà Nội một thời. Đó là những bức ảnh đen trắng chụp phố cổ Hàng Giầy hay phố Lương Ngọc Quyến cổ kính, rêu phong với những mái ngói lô xô. Là những bức tường rêu phong, tưởng chừng như vu vơ, nhưng có sức ám ảnh ghê gớm về sự chuyển dịch của thời gian. Hay như câu chuyện vè Ô Quan Chưởng chẳng hạn. Những bức ảnh chụp Ô Quan Chưởng ở những giai đoạn lịch sử khác nhau thực sự có giá trị, bởi đó là câu chuyện của văn hóa, của lịch sử: "Có bức ảnh tôi chụp 3 giai đoạn của cuộc đời tôi. Ví dụ Ô quan chưởng năm 1980 tôi chụp thì xuyên qua Ô quan chưởng vẫn còn thấp thoáng con đê đất. Bây giờ chụp xuyên qua không có gì nữa. Thế và những ngôi nhà xung quanh Ô quan chưởng ngày xưa nó còn thấp lắm, bây giờ thì nó đã lọt thỏm trong những ngôi nhà cao tầng. Ngày xưa người Pháp chụp chỉ có Ô quan chưởng thôi, chưa có đê. Thông qua ảnh chụp Ô quan chưởng nó nói lên việc Hà Nội xưa chưa có đê và nó cũng thể hiện cái dòng chảy lịch sử, sự chuyển động của Hà Nội".

Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội - ảnh 3NAG Nguyễn Hữu Bảo. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà  

Nguyễn Hữu Bảo thân thiện, gần gũi, cởi mở trong cuộc sống, nhưng đối với nghệ thuật ông rất khắt khe. Ông quan niệm, chụp ảnh là hành trình đi tìm chính mình, và trong hành trình ấy, ông đã chạm tới cảm xúc của người xem, bởi những vui buồn, những điều toát lên từ chính tác phẩm của ông. Cách mà Nguyễn Hữu Bảo chụp như lời ông nói thật giản dị “Chụp Hà Nội cũng là chụp chính mình”: "Chân dung Hà Nội là chân dung tôi. Bởi tôi hiểu nó với tất cả những năng lực hiểu biết tình cảm của mình. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên những khu phố cổ, 5 cửa ô…nó thấm vào mình, thấm vào từ lúc vô thức, từ lúc bé đi học lớn lên và trưởng thành rồi đến lúc nào đó mình chợt thấy cái này mình thuộc nó rồi hóa ra nó có chuyện này, hóa ra nó có chuyện kia. Tôi chụp có thể rất đơn giản nhưng mà đằng sau đó nó có câu chuyện lịch sử của nó. Và nói thật, thực ra tôi chụp mình. Ảnh của tôi là chân dung tôi".

Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội - ảnh 4Bất lực. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo 

Từ một cảm nhận về Hà Nội bằng bản năng, từ thuở ấu thơ cho đến lúc có ý thức về ảnh khi trực tiếp làm những công việc liên quan đến kiến trúc và văn hóa ở Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng như Tạp chí Xưa và Nay, đã giúp nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo hiểu thành phố mình đang sống một cách thật cặn kẽ. Nguyễn Hữu Bảo đã nhìn Hà Nội như cái cách những người yêu nhau thường nhìn người yêu của mình. Đắm say và bao dung. Ông ghi lại vào ống kính những gì tình cờ xuất hiện mỗi ngày trong cuộc sống. Vì thế Hà Nội hiện lên trong những bức ảnh của ông thật tự nhiên, giản dị, gần gũi nhưng cũng đủ sức gợi, đủ sức ám ảnh bởi những câu chuyện ấn chứa trong đó. Hầu như Nguyễn Hữu Bảo không có nhiều tác phẩm chụp Hà Nội ở những góc đèm đẹp thường thấy. Ông đi ngược lại thứ nhiếp ảnh sắp đặt và làm duyên. Cái đẹp với ông, phải có những câu chuyện, những ẩn ý đừng sau mỗi bức ảnh: "Một bức ảnh chỉ đẹp không thôi chưa đủ, mà tôi thích dùng là một bức ảnh tốt, tôi không thích dùng từ một bức ảnh đẹp vì nó chưa đủ độ nặng và nó hay bị lẫn vì cái đẹp duy mỹ thuần túy. Bức ảnh có giá trị nó phải mang tính nhân văn của thời đại, của xã hội. Thì tôi đặt cái nhiếp ảnh mà tôi đang thực hiện lên cái bàn cân như vậy để tôi cân. Chia sẻ cái điều đó tôi mới thấy hạnh phúc".

Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội - ảnh 5Thời gian. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo  

Trong cuốn sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo ra mắt năm ngoái tịnh không có một bức ảnh phong cảnh nào thuần túy về Thủ đô. Xem ảnh của ông, như cách nói của nhà sử học Dương Trung Quốc là “không thể xem nhanh được”; không chỉ dùng cái nhìn bên ngoài của thị giác, mà phải nhìn bằng trái tim, bằng sự rung động mới cảm được cái đẹp, sự sâu sắc trong mỗi tác phẩm. Từ đó thấy cảm thông hơn trước sự bé nhỏ, nổi trôi của thân phận người. Thấp thoáng vẫn là Hà Nội của gồng gánh, của người ăn mày, của tắc đường kẹt xe…nhưng người xem không hề cảm thấy bi quan, bi lụy mà nó toát lên tình yêu cuộc sống, tình yêu Hà Nội của tác giả. Bởi tác giả đã chụp nó bằng sự cảm thông, sẻ chia. Dẫu vậy cũng có không ít người chưa đồng cảm với quan điểm của người nghệ sỹ giàu lòng trắc ẩn này: "Có người không thích bảo ảnh ông Bảo ít nụ cười, không chụp mầu rồi thì là quần áo không đẹp. Tôi rất tôn trọng những nhà nhiếp ảnh đi theo dòng chảy của mình như chụp thời trang, chụp phong cảnh. Cái đó cũng là ngôn ngữ của nhiếp ảnh, nhưng tôi đi theo con đường riêng để mỗi bức ảnh mình chụp hôm nay nó sẽ là những tư liệu lịch sử của ngày mai"

Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội - ảnh 6Tàu điện ở Bờ Hồ 

Một Hà Nội trong lụt lội mà vẫn trữ tình (như các bức ảnh Trong công viên Lê-nin hay Phố Nguyễn Du đều chụp năm 1980). Một Hà Nội với Hồ Gươm, cầu Long Biên trường tồn với thời gian. Một Hà Nội của mái tường rêu phong, cổ kính trong sự kết nối xưa và nay. Một Hà Nội đầy biến động và ám ảnh qua những thân phận người, thân phận của hoa đào, hay đầy cái nhìn nhân văn của tâm hồn người nghệ sĩ khi nhìn thấy thân phận các ma nơ canh nằm lăn lóc trên xe xích lô…Tựu chung, qua các tác phẩm của mình, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo đã cho người ta nhìn thấy và cảm nhận “Hà Nội đẹp đầy trôi dạt, nó đã đi ở đâu đấy, thỉnh thoảng hiện lại trong chúng ta trong sự đau đớn, tiếc nuối” như cách nói của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Khi được người viết hỏi lý do ông thích chụp ảnh đen trắng, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cho biết, đen trắng có sức gợi của trí tưởng tượng. Với ảnh màu, ông không thích màu sắc rực rỡ mà chú ý nhiều ở sắc độ, bởi nó có chiều sâu của suy tưởng: "Ngày xưa tôi cũng học hội họa, chính hội họa cũng là nền tảng cho tôi trong nhiếp ảnh. Vì thế với nhiếp ảnh tôi thiên về sắc độ hơn màu sắc Màu sắc là có nhiều màu, nhiều sắc. Sắc độ nó phản ánh cái sự sâu thẳm của không gian. Vì thế ảnh màu càng có nhiều sắc độ mới đẹp ít màu sắc mới tốt. Với ảnh đen trắng nó sẽ triệt tiêu bớt cái phần màu sắc đi, nó chỉ còn lại sắc độ đen trắng và các độ trung gian; nó gợi trí tưởng tượng. Hơn nữa ảnh đen trắng là cái nhìn riêng của tôi về Hà Nội".

Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội - ảnh 7
Hà Nội qua con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh gốc Hà Nội - ảnh 8

 

Cả buổi chiều ngồi xem hàng trăm bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, tôi có cảm giác nhân vật và những câu chuyện trong các bức ảnh ấy dường như quen thân, tưởng như mình vừa mới gặp đâu đây. Đây là phố, đây là người, đây là cuộc sống chật chội ở khu phố cổ, đây là những gánh hàng rong chất chứa phận người…Hà Nội trong ảnh của người nghệ sĩ là trai phố cổ Hà Nội này luôn là những mảnh tình thành thật. Và thấp thoáng trong những mảnh tình ấy có bạn có tôi. Đón tập ảnh tôi trả lại, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo thủ thỉ bảo, chúng ta sống, lao động, học tập, gắn bó với thành phố này có thể với sự bực bội, không hài lòng, thậm chí với cả sự phán xét. Nhưng tất cả cũng để thương hơn, yêu Hà Nội hơn như có lúc chúng ta từng giận hờn người yêu của mình.

Feedback