Đối thoại tranh in Việt - Bỉ (Wallonie-Bruxelles)

Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương
Chia sẻ
(VOV5)- 5 họa sĩ tranh in Việt Nam và 7 họa sĩ tranh in của Bỉ đã cùng nhau giới thiệu nghệ thuật của mình tại Hà Nội, trong không gian Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 11-20/04/2015

(VOV5)- 5 họa sĩ tranh in Việt Nam và 7 họa sĩ tranh in của Bỉ đã cùng nhau giới thiệu nghệ thuật của mình tại Hà Nội, trong không gian Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 11 -20/04/2015.

Đối thoại tranh in Việt - Bỉ (Wallonie-Bruxelles) - ảnh 1

Tranh in là một trong những hình thức lâu đời của nghệ thuật tạo hình. Tác phẩm tranh in được hình thành nhờ sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật và kỹ thuật, thông qua quá trình chế bản và in ấn riêng biệt. Từ xưa đến nay, tranh in luôn được xem là phương tiện nghệ thuật mang nhiều tính dân chủ hơn cả bởi nó có thể đến được trực tiếp với nhiều người ở mọi tầng lớp khác nhau, ở các vùng miền địa lý và văn hóa khác nhau. Những hình ảnh được thể hiện bằng mực in trên giấy qua bàn tay và tình yêu của nghệ sĩ rất dễ trở nên gần gũi với bất kỳ ai. Với lợi thế nhẹ và linh hoạt trong vận chuyển, tranh in rất phù hợp với việc trao đổi, chia sẻ giữa các nghệ sỹ đến từ nhiều vùng lãnh thổ xa gần khác nhau trên thế giới.

Đối thoại tranh in Việt - Bỉ (Wallonie-Bruxelles) - ảnh 2

Với sự hỗ trợ của Phái đoàn Wallonie-Bruxelles, 5 họa sĩ tranh in Việt Nam và 7 họa sĩ tranh in của Bỉ đã cùng nhau triển lãm các tác phẩm của mình tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Verviers (tháng 9/2014) và tại Liege (tháng 12/2014). Năm 2015 này, từ 11 đến 20 tháng 4, họ lại cùng nhau giới thiệu nghệ thuật của mình tại Hà Nội, trong không gian Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Trong lịch sử giao lưu, trao đổi và giới thiệu nghệ thuật tạo hình giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, thì nước Bỉ cũng như các vùng của quốc gia này là đối tác hiếm hoi. Chính vì vậy, có thể nói Triển lãm « Đối thoại tranh in Việt – Bỉ (Wallonie-Bruxelles) » được tổ chức ở cả hai nước là sự kiện đặc biệt.

Các nghệ sĩ tham gia triển lãm đều là những nghệ sĩ uy tín và đều rất quen thuộc với nhiều cuộc triển lãm quốc tế như: Lê Huy Tiếp; Nguyễn Nghĩa Phương; Ngô Anh Cơ; Phan Hải Bằng; Phạm Khắc Quang, Pol Authom; Michel Barzin; Marie-France Bonmariage; Virginie Faivre d’Arcier; Chantal Hardy; Habib Harem; Martine Monfort.

Tại các triển lãm diễn ra ở cả Bỉ và Việt Nam, họ đều mong muốn hướng tới giúp khán giả khám phá những nét đặc trưng văn hóa riêng biệt của mỗi nước trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa. Tại Verviers, Liege và Hà Nội, công chúng có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật tranh in đương đại đến từ  những vùng văn hóa khác nhau mà họ hiếm khi có dịp được tiếp cận đồng thời. Đặc biệt, khán giả còn có thể thấy sự đa dạng về hình thức và kỹ thuật thể hiện, trưng bày tác phẩm tranh in ở đây. Cùng với những yếu tố truyền thống, nhiều nét mới mang tinh thần của các xu thế thực hành tranh in đương đại đồng hành bên nhau, tạo nên sự phong phú, tính mở rõ rệt của nghệ thuật tranh in. Tranh in không chỉ được tạo ra từ các bản in với kỹ thuật chế bản cầu kỳ, phức tạp có từ xa xưa, mà cũng có thể được tạo ra một cách không mấy khó khăn từ những mảnh kim loại phế thải, từ loại « mực in » hoàn toàn phi truyền thống như cà phê hay từ các công nghệ tiên tiến ngày nay.

Mỗi nghệ sĩ là một chuyên gia sở hữu những kiến thức và kinh nghiệm riêng biệt của một hay vài kỹ thuật tranh in. Họ đều có cách nhìn và cảm nhận thế giới riêng biệt thông qua kỹ thuật tranh in của mình. Hy vọng rằng, qua triển lãm này, người xem sẽ có được những trải nghiệm thú vị, thấy được nghệ thuật tranh in đang được mở rộng như một trong các hình thức tràn đầy năng lượng để tham gia vào dòng chảy chung của nghệ thuật đương đại, tham gia vào quá trình thúc đẩy giao lưu, phát triển văn hóa và mối quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới./.

Feedback