Đạo diễn Leon Le: Nhất định không theo lối kể chuyện phim chiều khán giả

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - "Làm phim Việt Nam với riêng Leon vẫn có nhiều cơ hội hơn..."

Theo trang thông tin của LHP Quốc tế Tokyo lần thứ 31 (diễn ra từ 25-10 đến 3-11), bộ phim Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt Nam tham gia sự kiện điện ảnh này. Phim dự tranh hai giải thưởng Phim châu Á xuất sắc  Tinh thần châu Á trong khuôn khổ hạng mục Tương lai Châu Á - hạng mục dành riêng cho tác phẩm của các đạo diễn chưa thực hiện quá ba phim. Đối thủ của Song Lang là bảy phim đến từ khu vực Đông Á và Trung Đông, bao gồm một phim Iran, một phim Philippines, một phim Đài Loan, một phim Hong Kong, một phim Hàn Quốc và hai phim Trung Quốc.

 “Song lang” cùng với “Cô Ba Sài gòn” cũng là hai ứng cử viên nặng ký tại LHP Quốc tế Hà Nội diễn ra từ 27 đến 31/10 tới đây.

Đạo diễn Leon Lê trả lời phỏng vấn VOV5 về kịch bản Song lang cũng như việc làm phim của anh tại Việt Nam.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Chúng ta đã nói tới nhiều khía cạnh của bộ phim Song lang, tuy nhiên có thể thấy một yếu tố rất cơ bản để làm nên một Song lang có lớp lang, có cốt chuyện hấp dẫn như thế, đó là từ kịch bản phim. Trên phim có ghi biên kịch là Leon Quang Lê và Nguyễn Thị Minh Ngọc. Leon có thể chia sẻ với thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam về quá trình hợp tác này?

Đạo diễn Leon Le: Nhất định không theo lối kể chuyện phim chiều khán giả - ảnh 1 Đạo diễn Leon Le - Ảnh:news.zing.vn

Đạo diễn Leon Le: Leon rất may mắn trong quá trình làm kịch bản có được sự hợp tác của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. là một người chị, một người bạn rất thân thiết đã hơn 10 năm nay. Chị Minh Ngọc là người đầu tiên mà Leon nói về ý tưởng làm một bộ phim có cải lương. Vì chị Minh Ngọc ngày xưa từng là giáo viên, đã dàn dựng, đã viết kịch bản cho rất nhiều vở cải lương.

Hơn nữa có được sự giúp đỡ của chị Minh Ngọc đã giúp cho Leon rất nhiều. Như Leon từng nói, thập niên 80 là thời gian Leon chọn để thể kể trong bộ phim. Song lang là ký ức của Leon, nhưng là ký ức của một thằng bé mới 10 tuổi, rất ngây thơ, rất lãng mạn hóa và chưa hiểu nhiều về xã hội. Có bàn tay của chị Minh Ngọc, nó sẽ đầy thêm góc nhìn của một người trong nghề, đã từng lăn lộn trong ngành cải lương thập niên đó, thêm nữa là có góc nhìn của một người từng trải, một người lớn tuổi trong thời gian đấy thì sẽ có những nhận định sâu sắc hơn  về cuộc sống, về xã hội. - những điều một thằng bé lên 10 không thể hiểu được.

Quá trình làm việc Leon và chị Minh Ngọc hợp tác viết kịch bản này cùng nhau, bắt tay vào viết chừng khoảng một năm, nhưng thời gian làm, lên ý tưởng rồi bàn luận cùng nhau trải dài suốt 4 - 5 năm. Nếu gọi là tâm đắc,  về kịch bản Leon nghĩ rằng cái tâm đắc nhất là có thể cài cắm rất nhiều ý tưởng, và bắt buộc khán giả phải tư duy, phải suy nghĩ để lấy ra được những chi tiết cài cắm, để ráp lại một câu chuyện hoàn hảo cho mình, chứ nhất định không theo lối kể chuyện phim chiều khán giả theo kiểu tung ra quá nhiều, đập vào khán giả những chi tiết vì sợ khán giả không hiểu.

PV: Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí trước đây, Leon có nói rằng, cái tên nhân vật nghệ sĩ cải lương Linh Phụng cũng là tên khai sinh của Leon ở Việt Nam. Leon qua Mỹ từ khi còn nhỏ, mà vẫn yêu vấn nhớ nghệ thuật cải lương, và vẫn hiểu sâu sắc về nghệ thuật này - như những gì đã thể hiện trong Song lang. Thật sự thì gia đình Leon có ai từng theo nghệ thuật này?

Đạo diễn Leon Le: Trong gia đình không có ai liên quan đến nghệ thuật cả. Bố dượng của Leon ngày xưa từng là một đạo diễn phim tài liệu, còn bố ruột mình là luật sư nhưng lại rất đam mê về hội họa, và chính ông là người đã hằng tuần mỗi thứ 7 chở Leon đến nhà văn hóa Lao Động để xem hát bội. Còn mẹ rất mê Thái Thanh, Khánh Ly, hát chèo, ca trù, quan họ. Thành ra từ bé mình đã được giới thiệu, được bơi lội trong không gian đầy âm nhạc. Và cái đầu mình trời sinh ra đã là một mảnh đất màu mỡ yêu thích những môn nghệ thuật rồi, được gia đình ươm vào những mầm đấy thì nó sinh sôi rất nhanh.

Đạo diễn Leon Le: Nhất định không theo lối kể chuyện phim chiều khán giả - ảnh 2 Cảnh trong phim Song lang.

PV: Song lang là phim dài đầu tay của Leon, tuy nhiên trước đó Leon cũng đã tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật ở Mỹ cũng như ở trong nước, và đã làm phim ngắn. Leon có nhận xét gì về những diểm khác biệt trong môi trường làm phim ở Việt Nam và nước ngoài, cả về khó khăn lẫn thuận lợi?

Đạo diễn Leon Le: Chắc chắn môi trường làm phim ở Việt Nam khác hẳn môi trường làm phim ở nước ngoài. Chúng ta không nói về chuyện đầu tư hay cái gì đó vì đó là một sự so sánh quá sức không hợp lý.

Nhưng có một điều Leon muốn nói tới là tinh thần kỷ luật của chúng ta không cao. Và trong làm nghệ thuật mà không có tinh thần kỷ luật thì rất khó đạt được đỉnh cao nhất mà mình có thể. Tinh thần làm việc của chúng ta ở đây có hơi hướng dễ dãi. Và dễ dãi thì không kỷ luật. Đây là điều nằm trong tất cả các khâu,từ diễn viên tới sản xuất, bối cảnh, phục trang vv…tất cả.

Vì Leon nghĩ là môi trường rồi, đã là môi trường thì không dễ mà ai có thể vươn ra, đánh bật ra khỏi môi trường đấy. Gần mực thì đen. Cái chuyện "gần bùn mà chẳng hôi thanh mùi bùn" chỉ là một câu thơ thôi! Điều đó lúc đầu đương nhiên cũng làm mình rất bực mình, khó chịu, nhưng mình phải linh hoạt. Vì bây giờ hoặc mình ngồi kêu than về việc ấy, hoặc phải linh hoạt để tìm cách làm sao kết quả vẫn hữu hiệu.

Trong khả năng của mình, trong môi trường đấy, vẫn có những cái lợi. Cái lợi là chắc chắn làm phim ở Việt Nam kinh phí sẽ rẻ hơn ở nước ngoài. Làm phim Việt Nam với riêng Leon vẫn có nhiều cơ hội hơn. Nói đi cũng phải nói lại, cũng vì nó dễ dãi, cũng vì nó vô kỷ luật thành ra mình mới có nhiều cơ hội hơn. Nó là một con dao hai lưỡi, ăn thua là ở mình..

Xin cảm ơn đạo diễn Leon Le!

Feedback