Có một thời, ca Huế nối liền khúc ruột miền Trung

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV5) - Đội Ca Huế của Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập ngay từ những năm đầu cả dân tộc Việt Nam đương đầu với giặc Mỹ xâm lược.

(VOV5) - Với âm điệu da diết, đầy chất trữ tình, ca Huế một thời được coi là một trong ba loại hình âm nhạc dân tộc, có vai trò là vũ khí tinh thần, tác động, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước. Những tiếng hát, tiếng đàn một thời gắn bó với ca Huế phải kể đến như  nghệ sĩ Trần Ngọc Bích,  Mộng Ứng, Tôn Nữ Thị Ninh, Châu Loan và Hồng Lê… Các nghệ sĩ đó người còn, người mất nhưng sức mạnh của loại hình âm nhạc dân tộc này vẫn còn đó, đáng trân trọng và đáng được gìn giữ. 

Có một thời, ca Huế nối liền khúc ruột miền Trung - ảnh 1
Nghệ sỹ Châu Loan thời trẻ (ảnh tư liệu)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Bên cạnh những thông tin thời sự nóng hổi được cập nhật và phát sóng liên tục thì âm nhạc trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có một vị trí quan trọng. Nắm bắt được sức mạnh to lớn của âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc dân tộc, đội Ca Huế của Đài Tiếng nói Việt Nam được thành lập ngay từ những năm đầu cả dân tộc Việt Nam đương đầu với giặc Mỹ xâm lược.

Nhạc sĩ Phan Phúc, nguyên trưởng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: không phải ngẫu nhiên mà ca Huế được chọn là một trong 3 loại hình nghệ thuật trong nhóm âm nhạc dân tộc của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam thời kì chống Mỹ cứu nước. Khi đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền, sự giành giật đất đai và tâm hồn mỗi con người thực sự khốc liệt ở mảnh đất miền Trung, đặc biệt là Quảng Trị. Người dân Quảng Trị vốn thích nghe ca Huế và cải lương. Nói về sức mạnh của âm nhạc phục vụ cho binh vận lúc bấy giờ thì ca Huế và cải lương đóng vai trò vô cùng quan trọng. Binh lính trong hàng ngũ địch lúc bấy giờ, phần nhiều là người Quảng Trị. Do vậy, cuộc chiến giành giật đất đai, tâm hồn con người không thể thiếu sự tác động tinh thần từ lời ca tiếng hát. Không ít người thời đó nhớ lại, những bài ca Huế được cất lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đều nghe như rút ruột mà bất cứ ai ở bên kia chiến tuyến cũng muốn buông súng xuống. Nhạc sĩ Phan Phúc cho biết: "Lúc bấy giờ chỉ có nghe Đài mới được nghe ca Huế, cả khu vực Huế, miền Trung. Dân mình chỉ nghe đài mình để nắm tình hình, chứ không nghe đài địch. Như vậy phải có ca Huế. Chiến sĩ ta trước khi ra trận cũng nghe Đài, nghe ca Huế. Do đó phải có đầy đủ món ăn (tinh thần) phục vụ đồng bào, phục vụ chiến sĩ, trong đó có ca Huế".

Những tên tuổi nghệ sĩ thuở ban đầu gắn bó với ca Huế trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phải kể đến nghệ sĩ Châu Loan, Hồng Lê…Giọng ca của nghệ sĩ Châu Loan thời bấy giờ được nhiều người biết đến hơn cả. Người con của mảnh đất Vĩnh Linh- Quảng Trị không chỉ ca hay mà còn là người đưa chất liệu âm nhạc Huế vào thơ, xử lí sáng tạo âm thanh ca Huế và chất liệu Huế trong thơ. Những bản thu âm của bà được phát sóng rộng trên sóng của Đài, đặc biệt là qua những bài thơ của nhà thơ Tố Hữu như “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, “Bài ca xuân 1961”, “Mẹ Suốt.

Nghệ sĩ ưu tú Đào Quý Duy cho biết: "Ngay từ khi mới thành lập tổ ca Huế (1955), giọng ca của  nghệ sĩ Châu Loan đã làm lay động không biết bao nhiêu con người ở hai bên bờ Hiền Lương, bến Tùng Luật. Hồi ấy, từ cầu Hiền Lương đến bền Tùng Luật đều có bà con người Bắc đi xem. Đến Tùng Luật có một đồn giao lưu của cảnh sát hai bên. Cứ mỗi tuần hai bên đổi gác. Hôm đó, cảnh sát bên Cộng hoà Miền Nam sang gác tại đồn Tùng Luật. Đúng hôm ấy đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn. Vì không muốn cho lính đi xem, nghe ca Huế mà tay chỉ huy đồn đóng cửa lại, không cho lính  ra xem. Ngay sau đó bằng nhiều cách, lính ở đồn đã bỏ ra ngoài để xem nghệ sĩ Châu Loan và các anh chị em của đoàn ca nhạc biểu diễn".

Nghệ sĩ Hồng Duyên không có mặt trong tổ ca Huế những ngày đầu thành lập, tiếng hát của bà được thính giả yêu mến trong thời gian chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Năm 1965 bà về công tác tại đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Mang chất giọng Quảng Bình, bà đem tiếng hát của mình đến khắp các tỉnh thuộc khu 4 cũ. Cũng với tình yêu ca Huế, bà đã nên duyên với một nghệ sĩ cùng tổ công tác với mình là Nghệ sĩ ưu tú Đào Quý Duy. Nhớ về thời kì ác liệt ấy, bà kể: "Khi về Đài tôi phải đi công tác ở khu tư. Thời gian đó ác liệt lắm, biểu diễn cho bộ độ trên mâm pháo. Thời kì chiến tranh mọi người ai cũng phải thế cả, ai cũng phải làm việc, thu ngày thu đêm để phát cho kịp. Không khí giai đoạn đó sôi động lắm. Thời kì ấy, ca Huế là bộ môn trực tiếp, chủ chốt của vùng khu 4".

Có một thời, ca Huế góp phần nối liền khúc ruột miền Trung. Có một thời, người dân và chiến sĩ hai bên bờ chiến tuyến cùng lắng nghe những bài ca Huế do các nghệ sĩ trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Để rồi, sự đồng cảm trong lời ca ấy như xoáy sâu vào tâm hồn mỗi người, để cầm súng, để chung tay nối liền hai miền Nam- Bắc./.

Feedback