Chopin biến mất: “Vụ án” của Hiền Trang

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Với gần 250 trang, “Chopin biến mất” ban đầu có thể “đánh lừa” độc giả rằng đây là một câu chuyện trinh thám với đủ những chi tiết ly kỳ. 

Trong một sự kiện thời sự văn chương vừa diễn ra - Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ bảy có sự góp mặt của một số gương mặt quen thuộc. Trong đó có tác giả Hiền Trang. “Chopin biến mất” của nữ tác giả 9x được Hội đồng chung khảo nhận xét là “có chất suy tưởng siêu hình. Người viết theo đuổi một Cái Đẹp có tính lý tưởng. Khả năng tưởng tượng tốt, thông minh”. 

Chopin biến mất: “Vụ án” của Hiền Trang - ảnh 1Nhà vaen Hiền Trang - Ảnh: Báo Hoa học trò

Trước khi giành giải Ba “Văn học tuổi 20” lần thứ 6 năm 2018, Hiền Trang đã là tác giả của “Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ”, “Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi”. Tuy nhiên, giống như tác giả thừa nhận, giải thưởng năm ấy đã giúp cô thêm tự tin trên con đường viết lách.

Bốn năm sau, Hiền Trang trở lại với “Văn học tuổi 20” với truyện dài “Chopin biến mất”. Vẫn tiếp tục là một “giấc mộng hoang đường” của người viết, vẫn là một hành trình giữa cái thực và không thực vốn là nét đặc trưng trong cách viết của Hiền Trang nhưng dường như, tác phẩm đã có sự trưởng thành hơn về kỹ thuật viết: “Điều mình cảm thấy khó khăn nhất khi viết đó là rõ ràng nội dung của tác phẩm là một cái gì đấy rất là âm nhạc. Nó là câu chuyện nghệ thuật thuần túy. Đây là một hành trình khá là siêu thực thì làm thế nào để có thể kết nối hình thức và nội dung của tác phẩm này. Và mình nhận ra là chỉ có mỗi một cách thôi. Đấy là bản thân tác phẩm này, mỗi con chữ, mỗi từ ngữ mỗi khi nó bước lên sân khấu, nó cũng phải trải qua một buổi casting như một diễn viên cho đến khi mà chắc chắn là nó hợp vai thì nó mới được xuất hiện ở đây.”

Chopin biến mất: “Vụ án” của Hiền Trang - ảnh 2Bảy tác phẩm được giải thưởng Văn học tuổi hai mươi

Được khởi thảo từ năm 2018, và sửa đi sửa lại đến ba lần, “Chopin biến mất” ban đầu có một diện mạo khác và là một câu chuyện khác. Phải đến những lần sửa chữa sau cùng, tác phẩm mới trở thành “một vụ án, trong đó có một nữ diễn viên bị thiêu trên sân khấu, còn vị thám tử vô danh trong hành trình điều tra vụ án này đã nhận ra, toàn bộ thế giới nghệ thuật đang dần biến mất”. Nhân vật “tôi” trong truyện là một người hoàn toàn đắm chìm trong thế giới nghệ thuật. Anh có những cuộc trò chuyện, truy đuổi, thậm chí yêu đương với những nhân vật trong tiểu thuyết và thơ ca. Bởi “sự hư cấu đôi khi còn thật hơn là thật”: "Thật ra có thể nói một phần nhân vật này chính là tôi. Tôi là một người rất yêu âm nhạc. Phải nói là nếu như tôi có thể làm nhạc thì chắc là tôi không viết văn. Tôi cũng viết rất nhiều về âm nhạc. Đối với tôi, âm nhạc nói được nhiều hơn văn chương. Nó không cần một từ ngữ nào cả. Chỉ cần một giai điệu của Chopin vang lên, gần như chúng ta đã cảm giác được nó nói được cái điều bản chất nhất của thế giới này.”

Với gần 250 trang, “Chopin biến mất” ban đầu có thể “đánh lừa” độc giả rằng đây là một câu chuyện trinh thám với đủ những chi tiết ly kỳ. Người đọc có thể thấy hồi hộp khi nhân vật chính xem lại từng bức ảnh chụp vụ án mạng, cố lần theo từng manh mối… Tuy nhiên, khi song hành với nhân vật “tôi”, đó lại là một câu chuyện khác. Khác với “Vụ án” của Franz Kafka, “vụ án” của Hiền Trang cuối cùng cũng có lời giải đáp: một cuộc nổi loạn, hoặc đúng hơn, một vụ tự sát của nhân vật trong vở kịch. Sự biến mất của thế giới nghệ thuật, hiển nhiên, là sự mất mát to lớn đối với nhân vật “tôi”.
Chopin biến mất: “Vụ án” của Hiền Trang - ảnh 3“Chopin biến mất” là một trong 4 tqác phẩm đoạt giải tư 

Nhưng theo Hiền Trang, đó cũng là hành trình để “tôi” bước ra ngoài đời thực, sống với những kết nối có thực, yêu một con người có thực trong đời: "Khi mà đọc cuốn sách này, bạn sẽ thấy là hành trình của nhân vật. Đầu tiên anh ấy rất là mơ mộng. Nhưng cuối cùng thì anh ấy cũng bước ra khỏi thế giới rất là hư cấu, rất là mơ mộng, rất là không có thực ấy để anh ấy có một tình yêu khác, với một con người chắc là có thật. Đó cũng là hành trình của tôi. Tôi cũng yêu. Tôi cũng có nhận ra là đến một lúc nào đấy thì nghệ thuật cũng không phải là tất cả. Mình cũng sẽ gặp những con người mà họ khác với những gì mình tưởng tượng. Không giống những nhân vật ở trên phim, trên sách. Không giống với những nhân vật trong âm nhạc mà mình bắt gặp. Họ chỉ là một con người rất bình thường thôi. Nhưng họ sẽ rất sống động. Họ là cuộc sống. Đó là lý do tại sao tôi lại tạo ra hành trình như vậy cho nhân vật. Nó là một phần hành trình của tôi cho đến thời điểm này.”

Cũng giống như các tác phẩm trước đó của Hiền Trang, “Chopin biến mất” tiếp tục là một cuộc “triệu hồi tiền nhân về gần hơn với hơi thở đương đại” (chữ dùng của nhà văn Văn Thành Lê). Trong trang viết, người đọc thấy được “hành trình nghe-đọc” của chính tác giả thông qua phần đề từ, trích dẫn, nhan đề của từng chương. Mục lục của cuốn sách cũng được Hiền Trang chủ tâm để giống như mục lục của một đĩa nhạc, dường như để độc giả vừa có thể thưởng thức âm nhạc vừa có thể dõi theo hành trình của nhân vật.

“Đối với tôi thì trải nghiệm nghe đĩa than là một cái gì đấy rất là hiếm hoi. Nó khác với việc bạn cầm một cái điện thoại. Lúc nào bạn cũng nghe được nhạc. Đĩa than thì khác. Bạn chỉ có thể ngồi một chỗ. Thường thì nó là nhà bạn. Nó giống như một thánh đường dành riêng cho âm nhạc. Người ta không thể lúc nào cũng nghe nó được mà chỉ có một nơi để nghe nó thôi. Tôi là một người như thế. Tôi thích ở nhà lắm. Vì ở nhà thì hằng tối, tôi có thể tự mở một đĩa nhạc mà tôi sở hữu để lên nghe. Tôi cũng yêu những nhân vật mà tôi nghĩ họ có xuất hiện trong âm nhạc, trong tiểu thuyết, trong phim ảnh. Đôi khi mọi người bảo tôi là tôi sống như ở trên trời.” - Hiền Trang cho biết.

Đi từ hoài nghi cho đến khi “trút bỏ được nỗi hoang mang”, nhân vật “tôi” trong “Chopin biến mất” đã quyết định sống trong thế giới có thực. Còn những độc giả của “Chopin biến mất” cũng đã đi trọn vẹn một hành trình chênh vênh giữa cái không thật và có thật. Trong “giấc mơ hoang đường” của Hiền Trang, vì vậy, mà đã có thêm được một vài người bạn đồng hành, để ở một không gian nào đó, có thể cùng nhấm nháp một ly machiato hạt dẻ và “mơ màng nghe tiếng harmonica ai đang thổi” trong nỗi e ngại “âm nhạc sẽ lại chỉ đưa mình tới những ảo ảnh vô cùng”. 

Feedback