Bùi Giáng - giọng thơ vô tiền khoáng hậu

PH
Chia sẻ
(VOV5)- Bùi Giáng từng tự họa về mình, và người đời cũng mãi nhớ tới ông, chỉ cần vỏn vẹn mấy câu thơ “Hỏi tên/ rằng biển dâu ngàn - hỏi quê rằng xứ mơ màng đã quên” hoặc “Hỏi tên/ rằng biển xanh dâu - hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa”.

(VOV5)- Đi trọn hơn 70 năm cuộc đời, Bùi Giáng vừa là một nhà thơ với bút lực phi thường “vô tiền khoáng hậu”, vừa là một dịch giả và là một nhà phê bình văn học.  Ông đã xuất bản 14 cuốn sách trước năm 1975.

Hơn tất cả những thi sĩ miền Nam đương thời khác, Bùi Giáng có được may mắn không đứt đoạn qua mốc 1975 lịch sử. Sau năm 1975, ông vẫn liên tiếp tái bản thơ và sách dịch. Hơn thế, sau khi ông mất, một lượng di cảo thơ khổng lồ đã lần lượt được xuất bản, biến Bùi Giáng thành “tác giả không bao giờ vắng bóng” trên các kệ sách. Bùi Giáng tiên sinh cũng là một cái tên được yêu mến, nhắc nhở nhiều trong hoạt động văn học ở hải ngoại.

Bùi Giáng - giọng thơ vô tiền khoáng hậu - ảnh 1

Nhấn vào để nghe âm thanh:


Bùi Giáng từng tự họa về mình, và người đời cũng mãi nhớ tới ông, chỉ cần vỏn vẹn mấy câu thơ “Hỏi tên/ rằng biển dâu ngàn - hỏi quê rằng xứ mơ màng đã quên” hoặc “Hỏi tên/ rằng biển xanh dâu - hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa”.

Dịch giả Nguyễn Nhật Anh, người biên soạn cuốn “Đười ươi chân kinh” của Bùi Giáng chia sẻ: “Hiện tại có một nghịch lý đang tồn tại khi nói về văn thơ Bùi Giáng. Là một tác gia lớn, với khối lượng tác phẩm đồ sộ hàng trăm đầu sách, nhưng giờ đây, việc đọc và tiếp thu Bùi Giáng lại có tác dụng ngược. Di sản khổng lồ ông để lại trở nên khó tiếp cận với quá nhiều tạp nham, lặp lại, không rõ ràng… Xuất bản miền Nam trước 1975 thường in tác phẩm của Bùi Giáng theo kiểu viết gì in nấy, để lại một Bùi Giáng mênh mông hỗn tạp, thượng vàng hạ cám, và hẳn là “tẩu hỏa nhập ma” trong những thời kỳ “điên rực rỡ”. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những quan điểm trái ngược nhau về con người và thơ ca Bùi Giáng”. Dịch giả Nguyễn Nhật Anh nói: "Ông chính là người tiếp nối vì ông viết phong hoa tuyết nguyệt vẫn theo ngôn ngữ, thi pháp của thi ca cổ điển. Ông khó mà nền nã trong lĩnh vực này, mà đã đem lại rất nhiều tiếng cười hóm hỉnh, giễu nhại. Tôi cũng đánh giá ông chính là một trong những tác gia đi trước trong truyền thống trào tiếu dân gian, mà một đại diện tiêu biểu như chúng ta đã biết là bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương cũng đã nói lái, ví dụ như Trái gió cho nên phải lộn lèo…thì Bùi Giáng ở mức độ cực đoan hơn nhiều và đẩy đến tận cùng"

Mượn lời nhà thơ Heidegger, nhà phê bình, dịch giả Phạm Xuân Nguyên tâm sự: “Giữa tiếng ồn ào, thơ Bùi Giáng giống như một tiếng chuông treo ở ngoài trời và chỉ cần một chút tuyết rơi nhè nhẹ chạm vào đủ khiến chiếc chuông lạc đi âm điệu. Vì thế, thể theo ân tình của tiếng thơ là lời giảng thơ phải gắng làm sao để tự điều khiển mình thành thư thái. Từ đó bài thơ đứng lên trong cốt cách, thể lệ của riêng nó, lập thời mang lại ánh sáng cho những bài thơ khác”. Dịch giả Phạm Xuân Nguyên nói:"Thật ra có thể làm một luận án về ngôn ngữ của Bùi Giáng được. Đọc thì chúng ta thấy hai mảng rất rõ: Một mảng rất nhiều chữ Hán Việt, nghe âm điệu, nhạc điệu của nó. Và một mảng nữa là những bài rất nôm na, hoặc là từ thuần Việt, có những câu rất thuần Việt, cách dùng đúng là chơi với chữ. Những nhà thơ sau này như Trần Dần, Lê Đạt cũng thế – Lê Đạt đã nói là “chữ bầu lên nhà thơ”. Một thời chúng ta chỉ được ý thì mất chữ, đặc biệt là trong thơ, chữ bản thân nó cũng là một đối tượng, chứ không phải chỉ là công cụ. Thế nhưng với Bùi Giáng là dạng chữ như thế. Tôi đọc những bài tiểu luận của ông, thuộc rất nhiều nhà thơ, ngoài Nguyễn Du ra. Ông đưa ra rất nhiều bản dịch bài Mùa thu chết của G. Apollinaire. Khi ông dịch chọn chữ thì ngay cả các nhà văn ở đây trước hết phải thuộc tiếng mẹ đẻ đã, phải luyện rất kinh. Ví dụ như tiểu thuyết của Antoine de Saint-Exupéry ông dịch là “Cõi người ta”. Sau này quyển này ở ngoài bắc, nhà văn Nguyễn Thành Long dịch là “Quê xứ con người”. Nhưng “Cõi người ta” thì mênh mênh mang mang, tất nhiên từ đấy ông cũng mượn của Nguyễn Du “Trăm năm trong cõi người ta”. Sau này rất nhiều quyển khác, một số nhà thơ đã dùng chữ “cõi”: vào cõi, trong cõi, cõi nhân gian, nhưng để dùng chữ “cõi” trở lại, sau Nguyễn Du, có lẽ là Bùi Giáng"

Có khi Bùi Giáng như một kẻ lãng du phiêu bồng coi cuộc đời là một chuyến rong chơi bất tận, có khi ông lại như một bậc thi ca đạt đến tầm nhà thơ của những nhà thơ, có khi ông lại toát ra vẻ hiền triết… và có lúc ông trở về với trạng thái của một người chếnh choáng trong cơn điên đời… Ông chính là nhà thơ Bùi Giáng, một Hoàng Tử Bé từng để lại dấu ấn với nhiều người dân Sài Gòn một thuở.

Trong hình hài có vẻ "điên điên", thiếu sức sống ấy còn có một Bùi Giáng giàu tình yêu; đậm tinh thần triết học. Không chỉ có những câu thơ phiêu bồng, Bùi Giáng còn có nhiều những câu thơ “lơ ngơ” một cách kỳ lạ và dễ thương (chữ dùng của Nguyễn Trọng Tạo): Người bước về đây năm ngón chân/ Tôi buồn người bảo có tay nâng/ Bàn tay người có đầy năm ngón/ Người đứng xa tôi tiến lại gần. Đó là những câu mở đầu cho bài “Người về”.

Tình yêu luôn có trong con người này. Ông từng viết: Cầm gương lên hỏi/ Tóc bạc thưa rằng/ Trời đất cách ngăn/ Đừng mê con gái/ Bực quá liền quăng/ Tấm gương xuống đất/ Vẫn nghe mãi rằng/ Đó là sự thật (bài Tóc bạc thưa rằng). Tình yêu của Bùi Giáng dành cho rất nhiều người phụ nữ. Giai thoại về Bùi Giáng có thể nói là một kho tàng cho những ai muốn khám phá, muốn bóc tách cái “điên” trong “hoàng tử bé”. Đó là một con người rất lạ lùng, rất “Tây phương” khi dịch sách, nhưng lại cũng mang đậm chất Á Đông khi làm thơ Hán, dịch thơ Hán. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về các viết thơ Bùi Giáng: "Ông Bùi Giáng đã làm rất nhiều cho ngôn ngữ tiếng Việt. Riêng thơ, ông ấy đưa đến một cái thơ làm cho người ta nhớ và rất khác, kể cả thơ nghiêm túc (hay nói là thơ bác học) lẫn thơ bình dân. Ngay cả phía thơ bình dân ông Bùi Giáng đóng góp cũng rất rõ, kiểu như các vị nói là “thơ cà chớn” – cà chớn nhớ cà chua. Cái giọng điệu bình dân đó cũng làm cho ngôn ngữ thơ của Việt Nam càng ngày càng phong phú hơn. Chính Bùi Giáng có một sự dính kết để tỏa ra nhiều ngữ nghĩa, rung lên nhiều ngữ nghĩa và có âm nhạc của ông trong đó. Tôi nghĩ sự đóng góp đó rất là quan trọng, mà nếu các nhà thi pháp học nghiên cứu về thi pháp Bùi Giáng chắc sẽ chỉ ra được nhiều điều."

Bùi Giáng là một cái tên không xa lạ với văn học hậu hiện đại Việt Nam. Theo như nhà phê bình Đỗ Lai Thúy thì “Nếu trước đây, Nguyễn Du mở ra thời kỳ trung đại cổ điển trong văn học Việt Nam, nâng nó lên ngang tầm khu vực Đông Á, còn Tản  Đà vào những thập niên đầu thế kỷ XX đã mở đầu cho thời hiện đại, đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo thế giới, tuy có sự lệch thời gian, thì Bùi Giáng ở những mười năm cuối của cùng thế kỷ ấy đã đi đầu trong việc mở ra một thời đại mới cho văn học Việt Nam, văn học hậu hiện đại”. Tuy vậy, những người đọc và hiểu thơ Bùi Giáng hiện nay lại rất hiếm, nhất là các bạn trẻ. Bùi Giáng in sách nhiều, với số lượng khổng lồ các tập thơ, sách dịch, “có lẽ vì vậy mà những câu thơ vàng thau lẫn lộn, dính mắc, bíu ríu đến nỗi sẽ thực sự là một thách đố để độc giả có thể tìm thấy trong những đống hỗn độn ấy những cặp lục bát xuất thần, hay một thước văn rực rỡ”./.

Feedback