Đẩy mạnh số hóa di sản văn hóa Việt Nam

Vinh Thông
Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa.
Đẩy mạnh số hóa di sản văn hóa Việt Nam - ảnh 1Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: vanmieu.gov.vn

Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở lĩnh vực văn hóa, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số là bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản.

Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, cùng hơn 120 di tích quốc gia đặc biệt, gần 3.600 di tích quốc gia. Cùng với đó là khoảng 300 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm các lễ hội truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết và ngữ văn dân gian. Ðây chính là tiềm năng di sản rất lớn mà nếu được số hóa đồng bộ sẽ mở rộng không gian tương tác của di sản, gia tăng hiệu quả bảo tồn, khai thác bền vững giá trị di sản.

Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030: số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến nay, nhiều địa phương, đơn vị sở hữu di sản bước đầu có những nỗ lực trong tiếp cận các công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng cho di sản. Tại Hà Nội, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.  rung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo 3D trong tham quan tại Hoàng Thành. Thành phố Đà Nẵng triển khai đồng bộ các giải pháp tôn tạo, bảo tồn, khai thác du lịch gắn với phát huy giá trị của các di sản. Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi phối hợp cùng với các đơn vị, Cục Di sản, sẽ số hóa tất cả bia ma nhai và những tượng, cổ vật của Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Khách đến chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR biết được đó là gì, như thế nào chứ không cần phải tuyên truyền bằng loa hay người thuyết minh… Số hóa được thể hiện nhiều tiếng nước ngoài, nhằm nâng cao, tăng cường quảng bá hình ảnh của Ngũ Hành Sơn. Trách nhiệm của Ban quản lý là hướng dẫn cụ thể du khách đến với Danh thắng Ngũ Hành Sơn".

Chuyển đổi số là hướng đi đúng đắn, hiệu quả giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đây chính là cầu nối đưa các di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Feedback