Lễ hội giã cốm - Nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày ở Tuyên Quang

Vĩnh Phong tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Lễ hội giã cốm của người Tày ở Tuyên Quang vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung và danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khi những cây lúa sắp đến ngày thu hoạch, bà con dân tộc Tày ở Tuyên Quang lại tất bật chuẩn bị cho Lễ hội giã cốm. Khắp không gian thơm nức mùi lúa nếp nướng trên lò, tiếng giã cốm thậm thịch, sàng sảy tất bật và tiếng nói cười rôm rả của bà con mang lại một bầu không khí nhộn nhịp cuốn hút du khách.

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Được tổ chức vào tháng Chín âm lịch hàng năm, lễ hội giã cốm hay còn gọi là “lễ Tăm Khảu Mảu”, là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang. Khi ruộng lúa nếp hoe đầu, người Tày mở Lễ hội giã cốm, hay còn gọi là Lễ hội đón Trăng, hội Hai, mừng mùa cơm mới tháng 10 để chuẩn bị cho Tết âm lịch hàng năm.
Trong tiết trời Thu se lạnh, lễ hội giã cốm không chỉ mở đầu cho vụ thu hoạch mới mà còn là khoảng thời gian để đồng bào nơi đây có dịp giao lưu văn hóa, tăng thêm tình đoàn kết. Lễ hội giã cốm không chỉ có ý nghĩa đối với người sản xuất nông nghiệp mà còn mang ý nghĩa tâm linh.
Lễ hội giã cốm - Nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày ở Tuyên Quang - ảnh 1Bà con lựa chọn lúa để làm cốm. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Thầy Then Ma Đức Mưởn, thông Lang Chang, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Cứ khi trăng rằm, 15-16/9 Âm lịch, dân làng tập trung gặt lúa về trước, lùa phải còn xanh để làm cốm để cúng ông Trời. Cầu mong ông trời phù hộ cho làm lúa ngô được mùa, để đầy bồ, cuộc sống may mắn và năm sau lại được mùa. Dân tộc Tày phải tổ chức lễ hội này mới yên tâm làm ăn.

Khi thóc được đưa vào giã cốm cũng là lúc dân bản tổ chức lễ hội vui chơi, reo hò theo giai điệu của tiếng chày, tiếng đuống. Linh hồn và nét đặc sắc của lễ Tăm Khảu Mảu, thể hiện sinh động nhất ở phần giã cốm. "Âm thanh náo nức gọi mời của lễ hội cất lên nhờ sự kết hợp hài hòa theo niêm luật giữa Tăm Khảu Mảu và quéng loong (tức là giữa động tác giã thuần túy và nghệ thuật gõ chày vào thân đuống). Chày và đuống nguyên thủy là những công cụ lao động, dùng bóc tách hạt lúa thành gạo. Khi văn hóa ẩm thực thăng hoa thành văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của con người, thì chày và đuống trở thành nhạc và đạo cụ trong lễ hội. Chày được làm bằng những thân cây sồi vừa nắm tay cầm và dài chừng 1,5 mét. Đuống có hình dạng giống chiếc thuyền độc mộc."

Lễ hội giã cốm - Nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Tày ở Tuyên Quang - ảnh 2 Để cho cốm không bị dính và không bết, hạt lúa sau khi luộc phải để thật nguội sau đó mới đem cho vào cối giã. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Thóc để làm cốm được chọn rất cầu kỳ, phải là thóc nếp, hạt mẩy và có màu vàng nhạt đều. Cốm được làm theo hai cách, có thể luộc thóc hoặc rang thóc vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sảy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào “đuống” giã tiếp (đuống được làm bằng gỗ sấu).

Chị Quan Thị Hiển, dân tộc Tày ở xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Hạt cốm được làm từ những hạt nếp cái hoa vàng do đồng bào tự tay trồng. Ngoài ra, còn làm thêm bánh cốm.

Giã cốm được tiến hành qua sáu bài theo những thể thức nhất định. Mỗi bài theo một nhịp, diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau, vừa mang màu sắc tâm linh vừa chứa đựng những ý niệm phồn thực. Nhịp đuống là những bài ca về tình yêu, đạo đức, ý chí, tình cảm và còn là tín hiệu nóng ấm của con tim, là sợi dây gắn kết cộng đồng, thắp sáng niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Chị Quan Thị Hiển cho biết thêm:  "Tôi lớn lên giữa bản làng người Tày, giữa những cánh đồng lùa, được hạt gạo, hạt cốm nuôi tôi lớn lên… Bởi vậy tôi biết lễ hội rất độc đáo và mang những nét đặc sắc riêng của đồng bào dân tộc nơi đây. Thông qua việc tham gia các lễ hội, giúp chúng tôi lưu giữ những nét văn hóa và tiếp nối những giá trị văn hóa mà cha ông đã để lại."

Khi làm cốm, đồng bào vò rồi để cốm nguội lạnh rồi mới giã, nếu còn ấm ấm phải giã nhẹ nhàng để hạt cốm không bị dập nát. Để giữ hương vị thơm ngon, mềm dẻo, cốm được gói cẩn thận trong lớp lá chuối hoặc lá dong. Có hạt cốm rồi, đồng bào chế biến thành nhiều món ăn mang phong vị ẩm thực của dân tộc mình. Hạt cốm tươi dùng làm món tráng miệng ăn kèm với chuối chín. Cốm xanh dẻo thơm quện với hương vị ngọt ngào của chuối ngự cuối thu thật hấp dẫn.

Cốm tươi còn được nấu với nước luộc vịt, cho một thứ cháo sánh, có thể gắp được ăn vừa thơm mát lại vừa ngậy. Cũng những hạt cốm tươi ấy, đem rang lên cho phồng, ăn vào giòn tan thơm ngọt. Rồi còn cả món cốm đồ xôi, gói lá dong xanh, để cả ngày vẫn dẻo thơm. Các món ăn chế biến từ hạt cốm xanh rất đặc biệt và chỉ có nếm thử mới cảm nhận hết vị thơm ngon và sự độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Tày.

Trong ngày lễ Tăm Khảu Mảu, con cháu bao giờ cũng dành những hạt cốm đầu tiên, bát cháo cốm múc ra trước nhất và gói xôi cốm vừa xơi ra từ chõ đồ còn nghi ngút khói hương mùa nếp mới, thành kính dâng lên Xó ma và bàn thờ Thổ công. Nghi thức này là để bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng với đất trời, tổ tiên và cũng là tâm nguyện gìn giữ truyền thống văn hóa bao đời của dân tộc mình.

Ông Seo Văn Sử, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, cho biết: "Trung Hà là một xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội giã cốm là một trong những nét đẹp văn hóa của đồng bào Tày đã có từ rất xa xưa. Để phát triển quy mô và tạo thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, xã Trung Hà tổ chức lễ hội giã cốm nhằm phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá các sản phẩm nông sản của địa phương."

Lễ hội Tăm Khảu Mảu là một hoạt động văn hóa dân gian, mang bản sắc riêng có của dân tộc Tày. Với những nghi thức truyền thống. Lễ hội giã cốm của người Tày ở Tuyên Quang vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung và danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mang lại cho người dân địa phương niềm tự hào về một một lễ hội đặc sắc nơi núi rừng Tây Bắc.

Feedback