Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – địa chỉ tin cậy, gắn bó của kiều bào

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, hướng dẫn, đem lại những lợi ích thiết thân cho kiều bào trên thế giới.

Được thành lập ngày 23/11/1959 theo Nghị định số 416/TTg của Chính phủ, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiền thân là Ban Việt kiều Trung ương, trải qua chặng đường 60 xây dựng và phát triển. Đến nay Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước trưởng thành vững chắc, là cầu nối và là chỗ dựa đối với bà con kiều bào khắp năm châu.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – địa chỉ tin cậy, gắn bó của kiều bào - ảnh 1

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ hai) cho Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Nghe âm thanh tại đây:

Năm 1959, từ một hội liên ngành với vai trò chủ yếu là đón tiếp và ổn định cuộc sống của kiều bào hồi hương, đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trở thành một cơ quan quan trọng của Bộ Ngoại giao, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước và triển khai các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – địa chỉ tin cậy, gắn bó của kiều bào - ảnh 2

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên


Như lời nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: "Tôi thấy chính sách của Đảng và Nhà nước là rất đúng, rất kịp thời để đưa ra những chủ trương, chính sách tạo điều kiện để kiều bào gắn bó với đất nước. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là một bước ngoặt để chúng ta tạo nên những động lực mới để làm cho chính sách ngày ngày một tốt hơn”. 

Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài sau 15 năm ban hành đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cộng đồng kiều bào ngày một gắn bó hơn với quê hương, đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào nước sở tại và trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động thường niên, trở thành “thương hiệu” được kiều bào đón đợi. Chương trình Xuân Quê hương họp mặt kiều bào vào dịp Tết nguyên đán được tổ chức từ hàng chục năm nay. Mỗi khi tết đến xuân về, bà con kiều bào lại nô nức trở về hội ngộ trong vòng tay yêu thương của dân tộc sau thời gian dài sống nơi xa xứ.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – địa chỉ tin cậy, gắn bó của kiều bào - ảnh 3

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu kiều bào tham dự buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với quy mô toàn thế giới tổ chức vào các năm 2009, 2012, 2016 đã huy động, phát huy trí tuệ chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào đóng góp, hiến kế, tìm giải pháp thiết thực, hiệu quả cho các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của đất nước. Bà Bùi Thị Thu Minh, kiều bào CHLB Đức nhận định Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chính là cầu nối và là bộ phận gắn kết bà con kiều bào với đất nước: “Với kiều bào chúng tôi, thông qua những kênh để liên lạc với trong nước thì chúng tôi thường thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Tôi về Việt Nam từ năm 2008, tham gia nhiều hoạt động như: tổ chức cho kiều bào toàn thế giới gặp mặt lần thứ nhất, lần thứ hai. Tôi thấy  sự đón tiếp của Ủy ban đối với bà con rất chu đáo, tận tình. Qua các hoạt động, tôi nhận thấy Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn nhớ đến và có công rất lớn đối với những kiều bào xa quê hương đất nước như chúng tôi”.

Trại hè Việt Nam dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào được tổ chức hàng năm với những hoạt động hữu ích trải dài trên cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Chương trình có sự kết hợp hài hòa các yếu tố giáo dục chính trị, lịch sử, truyền thống, văn hóa, du lịch và trau dồi tiếng Việt. Qua trại hè, các thanh niên kiều bào hiểu rõ hơn về hai tiếng Việt Nam và có ý thức gắn bó với quê hương của bố mẹ mình.

Nhiều chuyến về nguồn dành riêng cho kiều bào như dịp Quốc giỗ của dân tộc hay kỷ niệm quốc khánh 2/9 đã giúp bà con tìm hiểu thêm về truyền thống lịch sử, văn hóa và tham gia các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa. 8 chuyến tàu đưa gần 500 kiều bào ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 liên tục từ năm 2012 đến nay đã nhân lên tình yêu nước và nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong lòng người xa xứ. Nhiều buổi triển lãm ảnh, hội thảo về Biển Đông được các hội đoàn người Việt tổ chức ở CHLB Đức, Ba Lan, Hàn Quốc, Thái Lan… góp phần quan trọng trong việc lan tỏa niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc đồng thời bác bỏ những tuyên bố phi lý, luận điệu sai trái của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông Trịnh Cao Sơn, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan cho biết dưới sự hỗ trợ và giúp đỡ của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương: “Là những người con xa xứ sống trên xứ người càng hiểu giá trị thế nào là một người dân của nước độc lập, tự do. Kiều bào rất vui mừng trước sự lớn mạnh đi lên của đất nước. Chúng tôi nguyện sống và học tập, làm theo lời Hồ Chủ tịch dạy đoàn kết, luôn hướng về đất mẹ thân yêu và có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho quê hương đất nước”.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – địa chỉ tin cậy, gắn bó của kiều bào - ảnh 4

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài qua các thời kỳ.

Theo ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, 60 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo, hướng dẫn, đem lại những lợi ích thiết thân cho kiều bào trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được đổi mới cả về tư duy, phương pháp và cách thực hiện một cách thiết thực hơn: “Ủy ban cần tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào nhằm có những cơ chế, chính sách và các hoạt động làm cho bà con ngày càng hướng về quê hương, duy trì, củng cố và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, để bà con làm tốt hơn “vai trò cầu nối” tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước”.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới, để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bà con xa xứ cũng mong mỏi Ủy ban sẽ tiếp tục phát huy vai trò gắn kết cộng đồng người Việt khắp năm châu, phát huy vai trò đại đoàn kết để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời nỗ lực đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Feedback