Chettab Zouina, tên Việt là Thủy, giờ đã là một thiếu phụ xinh đẹp, hồi hương về Algeri lúc mới 6 tháng tuổi theo cha mẹ và anh chị, và tới tận năm chục năm sau, vào tháng 7/2019 này, lần đầu tiên mới có thể cùng chồng về lại mảnh đất quê mẹ, tìm gặp những người thân thiết trong họ hàng bên ngoại đã mất liên lạc gần nửa thế kỷ đằng đẵng.
Việt Nam, một mảnh ký ức thân thương không thể lãng quên, trong đại gia đình đông đảo 8 anh chị em của chị, trong những câu chuyện của người cha vốn là lính lê dương và người mẹ quê Ý Yên. Việt Nam của một thời đau khổ vì chiến tranh, ly loạn nhưng ấm áp tình người, tình họ hàng, những người thân vẫn nhớ tới họ. Việt Nam không phải chỉ là một cái chấm trên bản đồ. Việt Nam mà cha mẹ chị luôn mong, có điều kiện về thăm lại, dù chỉ một lần.
Đại sứ quán đã tạo điều kiện để gia đình chị làm giấy tờ, tìm liên lạc. Nhưng mẹ chị mất trước ngày có thể trở về lại Việt Nam.
Câu chuyện này bắt đầu từ một lớp học tiếng Việt.
Vợ chồng chị Chettab Zouina về thăm quê mẹ. |
Tháng 5/2018 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Alger, Đại sứ quán đã mở lớp học tiếng Việt. Giáo trình ban đầu bằng các sách học Tiếng Việt phổ thông nhất. Giáo viên thì là các cán bộ, nhân viên đại sứ quán, anh chị em cơ quan thương vụ quốc phòng, cơ quan TTXVN thường trú tại Algérie đẫ nhiệt tình tham gia giảng dạy lớp học này vào mỗi sáng thứ bảy hàng tuần. Học viên theo học lúc cao nhấtgần 30 người, lúc thấp nhất là khoảng 5 - 7 người tùy thời gian, thời tiết hoặc do các dịp lễ tết, thi cử của họ tác động. Chúng tôi xác định đây là lớp học mở để bà con và bạn bè Algérie tìm hiểu thêm về Việt Nam.
Lớp học tiếng Việt tại Đại sứ quán. |
Theo lớp tiếng Việt thật cũng có nhiều chuyện để kể. Có những gia đình mấy người cùng tham gia học tập, đáng kể ở đây phải nói đến gia đình nhà chị Zouina Chettab (còn gọi là chị Thủy, Việt kiều thế hệ thứ hai), có lúc mẹ lái xe đưa cả hai con cùng đi học Tiếng Việt. Hay gia đình chị Minh Nguyệt (cũng Việt kiều thế hệ hai), có lúc cả mẹ và con trai, con dâu (người Algérie) đều đến lớp học mặc dù nhà họ ở cách Alger đến 90 km.
Hay một câu chuyện đáng nhớ của các cháu Việt kiều thế hệ thứ ba. Năm 2017 chị em Hadjer Khizane được đại sứ quán giới thiệu về Việt Nam dự Trại hè 2017 do Ủy ban NNVNVNONN tổ chức, được đi khắp Việt Nam, tìm hiểu phong tục, tập quán và tình cảm của người Việt Nam, nên khi biết có lớp Tiếng Việt, cháu quyết tâm theo học để thêm vốn kiến thức về Việt Nam. Mặc dù nhà ở thành phố Boufarik, cách Alger gần 40 km nhưng cứ mỗi sáng thứ bảy, cháu lại bắt xe buýt về Alger và đến sứ quán học Tiếng Việt, tan học lúc hơn 12 giờ trưa, cháu lại đi xe buýt trở về nhà lúc hơn 15 giờ chiều.
Cảm động nhất là vào tháng lễ Ramadhan của người Hồi giáo (thường là từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6, họ nhịn ăn uống vào ban ngày), nhưng một số người vẫn quyết tâm theo lớp bất chấp mệt mỏi. Và chúng tôi - những người tham gia dạy Tiếng Việt, cũng không ăn uống gì khi lên lớp.
Các học viên lớp học tiếng Việt và cán bộ Đại sứ quán. |
Các bạn bè Algérie cũng vậy, khi đến lớp họ cũng tuân theo phong cách như các võ sinh Việt Nam, chắp tay chào nhau và nói rất sõi từ "Chào" để chào hỏi những người có mặt trong lớp. Một số người cho biết, họ thường được mời về trong nước để tham dự các giải thi đấu võ do Liên đoàn Võ Việt Nam tổ chức. Họ đề nghị chúng tôi dạy bài hát về Việt Nam, khi được học bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", họ hứa sẽ học thuộc để khi tham dự các giải võ cổ truyền Việt Nam, họ sẽ hát điệp khúc "Việt Nam Hồ Chí Minh", "Việt Nam Hồ Chí Minh"... . Xen kẽ giữa các buổi học, chúng tôi cũng thường kể cho họ nghe bằng tiếng Việt thật chậm rãi kết hợp với giải thích bằng tiếng Pháp, về những chiến thắng, chiến công của quân, dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Họ đặc biệt thích thú trước những câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 và chiến thắng "Điện Biên phủ trên không tháng 12/1972"...
Chụp ảnh lưu niệm sau buổi học |
Qua các buổi học như vậy, các bạn học sinh, sinh viên gốc Việt thấy thêm yêu quý, tự hào về đất nước Việt Nam - nơi mà bà nội, bà ngoại của họ đã sinh ra, lớn lên và sau này các bà đã trở thành những đại diện đầu tiên của Cộng đồng người Việt Nam tại Algérie khi theo chồng hồi hương về Algérie sinh sống. Các bạn cũng quyết tâm học thêm tiếng Việt để có dịp được về thăm, du lịch tại Việt Nam và nhất là hàng năm được về dự Trại hè... Liên tục trong các năm từ 2017, 2018 và 2019, năm nào Ủy ban Nhà nước VNVNONN cũng chấp thuận đón các bạn học sinh, sinh viên gốc Việt tại Algérie về dự Trại hè, không những thể hiện sự quan tâm, tình cảm của Ủy ban mà cũng còn là niềm vinh dự, tự hào của học sinh, sinh viên gốc Việt tại Algérie.
Lớp học tiếng Việt có nhiều lứa tuổi khác nhau |
Cũng qua lớp học Tiếng Việt, một số anh chị em kiều bào thế hệ hai bày tỏ mong muốn nhờ đại sứ quán giúp tìm thân nhân của mẹ họ ở Việt Nam để có dịp sẽ về thăm lại họ hàng quê mẹ để thêm tình cảm thương yêu hướng về Việt Nam. Thảng hoặc cũng có người bày tỏ nguyện vọng được cấp hộ chiếu Việt Nam hoặc Giấy miễn thị thực cho con cháu họ (thế hệ thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư) để thuận tiện khi về thăm thân, du lịch tại Việt Nam...
Tháng 5/2019, chị Chettab Zouina, sinh 1964, con gái thứ ba của bà PHAM THI THU FATMA (Việt kiều thế hệ thứ nhất) đã nói chuyện với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình mẹ chị ở Việt Nam và ngỏ ý muốn nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Algérie giúp tìm thân nhân của mẹ chị ở Việt Nam. Và chính mấy mẹ con chị là trong số những người nhiệt tình tham gia lớp học Tiếng Việt nhất.
(Còn tiếp Phần 2: Tiếng Việt để tìm thấy cội nguồn)
Lớp học tiếng Việt ra đời từ việc Đại sứ quán Việt Nam tại Algeri nhận thấy nhu cầu cấp thiết của người có nguồn gốc Việt Nam và lai Việt tại Algérie (chủ yếu thế hệ hai và ba), nhu cầu học tiếng Việt và tìm hiểu thêm về Việt Nam của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, võ sư, võ sinh, trọng tài... thuộc các Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam của Algérie (Liên đoàn VOVINAM Vietvodao, Sơn Long quyền thuật, Thanh Long quyền thuật, Quán khí đạo/Qwankido...). Và mở lớp học tiếng Việt, với Đại sứ quán, cũng là một trong những triển khai thiết thực thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.