Nằm ở trung tâm Thủ đô Viên Chăn (Lào) Trường THPT Hữu Nghị Lào - Việt Nam là biểu tượng cao cả của tình hữu nghị hai nước. Nơi đây ngoài nhiệm vụ giáo dục đào tạo, còn là địa điểm lưu giữ, giao lưu văn hóa, gìn giữ và phát huy tiếng Việt, chắp cánh những giấc mơ Việt trong các thế hệ học sinh của đất nước Triệu Voi.
Tiết học tiếng Việt lớp 7/4
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại lớp học 7/4 trường THPT hữu nghị Lào – Việt Nam tại thủ đô Viên Chăn, các em học sinh đang cùng nhau hát bài "Như có Bác Hồ". Điều đáng nói những lời ca trong trẻo được cất lên từ những em học sinh Lào, các em đã đến với tiếng Việt không chỉ là 1 môn học mà qua đó để hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.
May mắn hơn các bạn cùng lứa, em Vilayvone, học sinh lớp 7/4 đến với tiếng Việt từ khá sớm. Mẹ em là người gốc Việt, bố người Lào, ngay từ nhỏ em đã được mẹ dạy tiếng Việt và kể cho nghe những câu chuyện về đất nước Việt Nam tươi đẹp, nhờ đó em thêm yêu quê hương thứ 2 của mình. Vilayvone tâm sự: "Trong rất nhiều nét đẹp truyền thống người Việt, em thích nhất là tết cổ truyền dân tộc. Tết Nguyên đán là ngày tết lớn nhất của người Việt Nam, đó là thời điểm kết thúc năm cũ và bước sang năm mới; tết Nguyên đán tất cả mọi người không phải đi làm đi học, ai đi xa cũng muốn về nhà; mọi người đi sắm tết, gói bánh chưng, bầy cỗ cúng tổ tiên; tất cả mọi người đều mong điều tốt lành trong năm mới".
Em Vilayvone, học sinh lớp 7/4
|
Trường PTTH Hữu nghị Lào-Việt Nam được khởi công xây dựng ngày 19/5/2008 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 118 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ngày thành lập, đều đặn học sinh từ khối 6 đến khối 12 của trường được học tiếng Việt 2 tiết mỗi tuần. 10 năm qua, tiếng Việt đã trở thành 1 phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục, cũng như các hoạt động của nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Huệ, giáo viên dạy tiếng việt tại trường chia sẻ, những ngày mới sang Lào công tác khó khăn trăm bề, cùng với việc học tiếng địa phương, cô luôn dành thời gian tìm hiểu về văn hóa truyền thống của Lào để có cách tiếp cận và dạy học tốt hơn. Tự hào là một nhà giáo, nhưng với cô Huệ vinh dự hơn là hàng ngày, hàng giờ được truyền dạy tiếng Việt đến gần hơn với học sinh Lào. Cô Huệ cho biết: "Học sinh ở đây rất hứng thú về học tiếng Việt, mình rất vui khi là người Việt Nam có thể truyền dạy và giúp học sinh Lào biết tiếng Việt, giúp các em hiểu hơn về đất nước, con người và phong tục tập quán Việt Nam. Giả sử ở Việt Nam có lễ tết thì mình giới thiệu về lễ tết, phong tục, cảnh đẹp của Việt Nam và các em rất hứng thú về điều này".
Tiết học tiếng việt ở Trường PTTH hữu nghị Lào - Việt Nam
|
Từ ngôi trường này, đã có không ít các em học sinh sau khi tốt nghiệp được nhận học bổng và sang Việt Nam tiếp tục học tập, nghiên cứu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cũng có không ít học sinh, khi đến với tiếng Việt đã nảy sinh niềm đam mê, khát vọng, rồi quyết chí tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Điều đó đã góp phần vun đắp cho tình cảm của nhân dân 2 nước Việt Nam – Lào.
Thầy Donkeomysay, hiệu trưởng Trường THPT hữu nghị Lào – Việt Nam cho biết: "Tiếng Việt đã trở thành 1 phần không thể thiếu trong sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Tương lai nhà trường sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc dạy tiếng Việt cho các em học sinh: Nhà trường luôn muốn giáo dục cho học sinh biết về truyền thống hữu nghị tốt đẹp của 2 đất nước, văn hóa xã hội, đời sống 2 nước, nên những ngày lịch sử quan trọng thể hiện quan hệ 2 nước nhà trường đều tổ chức cho các em các hoạt động như hỏi đáp về quan hệ 2 nước Lào – Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay".
Tiếng Việt đã, đang và sẽ được học sinh ở đất nước Triệu Voi tiếp cận ngày một nhiều. Không chỉ là niềm đam mê, khát vọng, tiếng Việt còn là chìa khóa giúp học sinh Lào thành công trong cuộc sống. Hơn thế nữa, việc dạy tiếng Việt tại Lào còn góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị cốt lõi tình hữu nghị Việt Nam - Lào được các thế hệ trước dày công xây dựng, vun đắp, các thế hệ hôm nay có trách nhiệm lưu truyền, tiếp bước.