Trường Sa - Kết nối những trái tim xa xứ

Trần Mai Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Những trải nghiệm thực tế ở nơi đảo xa là động lực để cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc cũng có những hành động cụ thể góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Là thành viên của đoàn kiều bào thăm Trường Sa năm 2018, chị Hiệu Constant, một nhà văn người Việt đang sinh sống và làm việc tại Pháp, đã viết như thế này trong cuốn Truyện ký “Kiều bào với Trường Sa” vừa được nhà xuất bản Dân trí phát hành hồi tháng 5/2021: Trường Sa, hai tiếng thân thương, luôn vang mãi trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt, nhất là với những người con xa xứ. Tất cả những kiều bào mà tôi đã may mắn được phỏng vấn, ai cũng tự nguyện biến mình thành cánh én để loan tin, để làm lan tỏa những gì mình mắt thấy tai nghe về chủ quyền thiêng liêng của biển đảo... Cùng với đồng bào và chiến sĩ trong nước, kiều bào quyết tâm chung tay đóng góp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.”

Trường Sa - Kết nối những trái tim xa xứ - ảnh 1Các thành viên của chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019 chụp ảnh trên boong tàu KN490.

Tháng 5/2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, hàng nghìn người Việt đã đồng loạt xuống đường tuần hành qua các con phố ở Tokyo (Nhật Bản), Berlin (Đức), Praha (CH Séc) và nhiều nơi trên thế giới để phản đối hành động của Trung Quốc, hô to khẩu hiệu “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”.

Kể từ trước đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn đồng hành cùng nhân dân cả nước, đóng góp không nhỏ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đặc biệt khi những tranh chấp về lãnh thổ trên biển Đông ngày một gia tăng. Ngày càng nhiều những triển lãm, hội thảo về Biển Đông đã được kiều bào ta tổ chức tại Pháp, Hàn Quốc, Ba Lan và nhiều quốc gia khác. Bên cạnh đó, rất nhiều cá nhân, hội đoàn NVNONN đã thực hiện quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng ủng hộ cho lực lượng hải quân công tác tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn.

Trong số những cá nhân và tập thể đang nỗ lực đấu tranh vì chủ quyền biển đảo đó, rất nhiều người đã từng đặt chân tới Trường Sa, tham gia vào hải trình mà chúng tôi vẫn thường gọi là “hành trình của trái tim”. Chính những trải nghiệm thực tế ở nơi đảo xa đầy sóng và gió đã trở thành nguồn cảm hứng, là động lực để cộng đồng người Việt dù ở xa Tổ quốc cũng sẵn sàng lên tiếng và có những hành động cụ thể góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Trường Sa - Kết nối những trái tim xa xứ - ảnh 2Mầm non trên đảo Trường Sa.

Đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 là hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức, nhằm tạo điều kiện để bà con kiều bào được tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Chuyến đi đầu tiên được thực hiện vào năm 2012, đến nay đã có 8 đoàn công tác được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 kiều bào từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã tạo nên sợi dây kết nối bền chặt cộng đồng người Việt với nhau và với đất nước, trở thành một sự kiện thường niên được mong chờ đối với nhiều người Việt xa quê.

Những “hành trình của trái tim”

Những chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 thường diễn ra vào khoảng tháng 3 âm lịch, (tức tháng 4, 5 dương lịch). Mỗi một chuyến đi như vậy sẽ kéo dài từ 10 – 14 ngày, đưa các thành viên trong đoàn tới thăm hỏi, giao lưu và tặng quà cho khoảng 10 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một Nhà giàn.

Với đặc trưng khí hậu nhiệt đới và không khí vùng biển nhiều muối mặn, cuộc sống ở Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thế nhưng nhờ có sự nỗ lực của tập thể cán bộ chiến sỹ cũng như những ủng hộ, đóng góp của đồng bào ở trong và ngoài nước, Trường Sa giờ đây không chỉ có sóng và gió nữa, mà thay vào đó là những công trình kiên cố với mái nhà được phủ kín những tấm pin năng lượng mặt trời. Toàn bộ các đảo đều đã có điện, được phủ sóng truyền hình, điện thoại và mạng Internet.

Huyện đảo Trường Sa giờ cũng đã có trường học, có bệnh viện với cơ sở vật chất hiện đại không thua kém đất liền, trở thành miền đất thân thương cho các mầm non sinh ra và lớn lên. Những người lính ngoài nhiệm vụ canh giữ chủ quyền, cũng rất nhiệt tình tăng gia sản xuất. Nhờ vậy mà trên các đảo đã có thêm nhiều màu xanh của những vườn rau “thanh niên” tươi tốt, bất chấp thời tiết nắng gió miền biển.

Trường Sa - Kết nối những trái tim xa xứ - ảnh 3Vườn rau thanh niên do các chiến sỹ hải quân tự gieo trồng, chăm bón.

Nếu những đảo nổi như Trường Sa, Sơn Ca, Song Tử Tây có diện tích đất đủ rộng để trồng cây và xây dựng một số cơ sở vật chất kiên cố thì những đảo đá (đảo chìm) như Tốc Tan, Đá Nam, Phan Vinh chỉ có duy nhất một tòa nhà được thiết kế đặc biệt để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Ở những đảo đá này, cuộc sống của các chiến sỹ còn vô vàn khó khăn.

Các đoàn kiều bào thăm Trường Sa không chỉ đem theo những món quà thiết thực hỗ trợ cho cuộc sống của quân và dân huyện đảo mà còn mang đến hơi ấm từ đất liền, tình cảm của đồng bào xa Tổ quốc. Dưới cái nắng đến cháy da thịt, chứng kiến hình ảnh người chiến sỹ cầm chắc cây súng trên tay bên cạnh cột mốc chủ quyền, cảm nhận được ý chí của những người lính quyết tâm bám đảo, bám biển, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, rất nhiều kiều bào đã rơi nước mắt.

Phần lớn những người lính đang công tác tại quần đảo Trường Sa có độ tuổi còn rất trẻ, chỉ mới mười tám đôi mươi. So với những người đồng trang lứa, họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi khi ở trong điều kiện sống còn nhiều khó khăn, phải xa gia đình và rời xa cuộc sống phố thị ở đất liền. Chính vì vậy mà khi nhận được những cái ôm, cái bắt tay, hay lời động viên, thăm hỏi đầy ấm áp từ đồng bào bốn phương, trên khuôn mặt sạm nắng của các chiến sỹ bừng sáng lên nụ cười rạng rỡ.

Trường Sa - Kết nối những trái tim xa xứ - ảnh 4Cái ôm ấm tình dân tộc giữa kiều bào và những người lính trẻ xa nhà.

Khi những người Việt xa quê hương gặp gỡ những người lính xa nhà, cùng mang trong mình nỗi lòng đau đáu hướng về nguồn cội, nói với nhau lời dặn dò rằng “các anh chị cứ yên tâm, tụi em sẽ cố gắng bảo vệ bờ cõi linh thiêng đất nước mình”, đó có lẽ chính là hình ảnh đẹp nhất của tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Bốn phương hướng về Trường Sa

Mười ngày lênh đênh trên biển, không có wifi, không có sóng điện thoại cùng với những trải nghiệm khó quên khi chứng kiến cuộc sống của quân và dân huyện đảo Trường Sa đã tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lòng mỗi kiều bào. Để từ đó, họ tự nguyện trở thành những “cánh én loan tin”, lan tỏa tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế những thông tin chính xác về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cùng nhau có những hành động thiết thực hướng về biển đảo Tổ quốc.

Sau mỗi hành trình thăm Trường Sa, các câu lạc bộ, hội, đoàn lại được thành lập trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, với mục đích và hành động gắn liền với chủ quyền biển đảo. Quỹ Vì chủ quyền biển đảo của người Việt tại Hàn Quốc là một trong số các hội nhóm được thành lập từ sớm và thường xuyên có những dự án thiết thực đóng góp cho Trường Sa. Có thể kể đến những dự án như máy lọc nước ngọt, pin năng lượng mặt trời và máy phát điện đã mang lại thay đổi lớn cho đời sống chiến sỹ trên các đảo. Được thành lập từ năm 2017, Câu lạc bộ Trường Sa CHLB Đức không chỉ tập hợp những kiều bào đã từng có cơ hội tới thăm Trường Sa, mà còn chào mừng cả những người Việt có tình yêu và mong muốn đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ở Ba Lan, Quỹ vì Trường Sa cũng đã được thành lập và đang ngày một mở rộng thêm.

Trường Sa - Kết nối những trái tim xa xứ - ảnh 5Dự án pin năng lượng mặt trời của kiều bào gửi tặng Trường Sa.

Từ những món đồ nhỏ như sổ, bút viết, ô che nắng đến những món quà lớn như tủ lạnh, máy tính, máy tập thể thao hay thậm chí là nhà văn hóa đa năng và xuồng chủ quyền trị giá hàng tỉ đồng, tính đến nay, cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng cho biển đảo, góp một phần nhỏ để Trường Sa được hiện đại và vững chãi như ngày hôm nay.

Không chỉ dừng lại ở vật chất, những cá nhân, tập thể kiều bào ở rất nhiều nơi trên thế giới đã đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước bằng tiếng nói, bằng niềm tin và bằng tình yêu đối với biển đảo quê hương. Sự kiện đêm hội triển lãm “Rực rỡ biển đảo Việt Nam” năm 2017 tại Paris, Pháp hay là chuỗi hội thảo khoa học về biển Đông tại Hàn Quốc là hai trong số những hoạt động có sức ảnh hưởng do cộng đồng người Việt tổ chức nhằm góp chung tiếng nói khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ trên biển của Việt Nam.

Hay cụ thể hơn là chính những bức ảnh, bức ký họa, những vần thơ và những lời văn như cuốn Truyện ký Kiều bào với Trường Sa của chị Hiệu Constant, sách ảnh Biển đảo quê hương của ông Nguyễn Thanh Tòng (kiều bào Pháp), Ký sự Trường Sa – Hoàng Sa của nhà báo Etcetera Nguyễn (kiều bào Mỹ) đã trở thành những mối liên kết nhỏ bé mà bền chặt nhất, kết nối đồng bào xa xứ với biển đảo quê hương.

Hai tiếng Trường Sa, quả thật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, như trong những câu thơ của ông Giáp Văn Chung, kiều bào Hungary:

“Trường Sa xin đến một lần

Để mang Tổ quốc thật gần trong tim

Để lòng ta trọn niềm tin

Hải âu sải cánh tới nghìn năm xa…”

Feedback