(VOV5) - Mùa xuân là Tết trồng cây. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ qua đã được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước. Ở nước ngoài, kiều bào ta cũng đã hướng về quê hương bằng cách trồng cây ở các nhà trẻ, trạm xá, trường học để có thêm bóng mát, màu xanh cho cộng đồng. Anh Phạm Hùng Mạnh, người Việt ở CHLB Đức là một người như thế.
|
Anh Phạm Hùng Mạnh (bìa trái) đang trồng cây tại trường THPT Đinh Chương Dương, Hậu Lộc, Thanh Hóa. |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Anh Phạm Hùng Mạnh, người đã có hơn hai mươi năm sống ở nước Đức, trở về quê hương Thanh Hóa vào dịp xuân sang. Về quê đúng vào ngày giỗ họ, cũng chỉ vội tạt qua nhà thờ họ Phạm Khắc thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên rồi anh lại vội vã với công việc mà anh cho là cần thiết đối với xã hội. Đó là trồng cây lấy bóng mát cho các thế hệ sau.
Tôi có cảm giác tình yêu môi trường sống lúc nào cũng sôi sục trong anh. Ở phía bắc nước Đức, anh được sống hòa mình với môi trường thiên nhiên. Cứ đi một chặp đường ô tô lại thấy thấp thoáng những đầm lầy, những cánh rừng, nơi đó vẫn còn những con chim, con sóc, con khỉ nhảy nhót vui vầy. Ngay trong khoảnh vườn nhà ở Grosshansdorf, anh cũng chăm chút một vườn hoa nhỏ đẹp mắt. Ở xa quê, anh nhớ đến những khóm tre thân thuộc. Hình ảnh lũy tre bên bến nước, nơi dân làng ngồi nghỉ sau buổi đi làm đồng về mệt nhọc đã len lỏi trong tâm trí anh bao nhiêu năm qua nhưng giờ đây anh thấy hiếm gặp ở thôn quê. Trên con đường về Hậu Lộc, trước đây hai bên là hai hàng dừa xanh mát mắt, mà giờ chỉ còn lại thưa thớt. Anh thấy xót xa: "Con người ta sống hòa với thiên nhiên. Tôi thấy giá trị sống là ở chỗ đó. Cái cây mang lại màu xanh, lá phổi cho quê hương, cho mọi người. Nên mình muốn làm cái gì đó cho quê hương, đem lại một chút ý nghĩa cho người dân".
Từ năm 2014, anh Phạm Hùng Mạnh đã tiến hành mua cây và gửi vào một số trường học ở tỉnh Thanh để trồng lấy bóng mát. Thầy Phạm Thế Dũng, hiệu trưởng trường THPT Đinh Chương Dương, đóng tại trung tâm huyện Hậu Lộc, đã hưởng ứng ngay. Năm nay, trường lại tiếp tục tiếp nhận hơn chục cây sấu, cây xà cừ và cây tùng. Thầy Dũng rất khâm phục việc làm của anh Mạnh bởi anh không phải là người học ở trường mà chỉ có gốc gác ở Thanh Hóa nhưng anh đã làm được một việc đầy ý nghĩa: "Thực hiện lời dạy của Bác vì lợi ích 10 năm trồng cây, anh Mạnh rất tâm huyết với môi trường vì tương lai con em chúng ta. Trên tinh thần ấy, anh muốn trồng một số cây để cho nhà trường có màu xanh. Qua đó, giáo dục lòng yêu trường, yêu lớp của các thế hệ sau nhằm đào tạo một lớp người có kỹ năng sống vừa là trò giỏi, con ngoan sau này là công dân tốt cho xã hội".
|
Vận chuyển cây xuống sân trường THPT Đinh Chương Dương. |
Chị Lường Thị Ngân, Hiệu trưởng trường THCS Hoa Lộc cũng thể hiện niềm vui bởi 30 chục cây keo và một số cây tùng được chuyển tới đúng vào dịp nhà trường tổ chức trồng cây đầu xuân: "Chúng tôi rất mừng được hỗ trợ cung cấp một số cây của chương trình này. Kế hoạch của chúng tôi là bấm đi một số cây và thay thế vào đó là một số cây được cấp về đồng thời huy động các lớp làm cỏ, dọn dẹp khuôn viên trường học. Chúng tôi đã được danh hiệu đạt trường chuẩn quốc gia năm trước. Do đó chúng tôi sẽ tích cực hơn nữa để cho trường lớp được sạch đẹp hơn, chất lượng đúng với lòng mong mỏi của tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội".
|
Anh Mạnh bên những hàng cây keo do anh hỗ trợ trồng năm 2014 cho trường THCS Hoa Lộc. |
Cũng giống như thầy Phạm Thế Dũng, anh Nguyễn Văn Tư, giáo viên thể dục trường THCS Hải Lộc, huyện Hậu Lộc cũng vui mừng khôn xiết khi bắt gặp ý tưởng trồng cây ở các khu vực trường học của anh Mạnh, cũng là cậu họ của mình. Anh Tư kể anh công tác ở trường học được trên 10 năm nay. Do khuôn viên trường hẹp, phải mượn sân vận động giáp bờ kè của xã Hải Lộc làm nơi tập thể dục. Mùa hè nắng gắt. Thầy trò tập xong chỉ mong có chút bóng mát để nghỉ giải lao mà cũng không có: "Hành động của cậu với cử chỉ rất cao đẹp làm tôi rất ủng hộ. Trồng cây lấy bóng mát và thay đổi môi trường chứ không vì lợi nhuận gì cho bản thân. Chỉ phục vụ cho môi trường. Việc làm đó rất đáng quý". Năm 2014, sau khi được cấp 200 cây phi lao, gần ba chục cây xà cừ, sao đen, anh Nguyễn Văn Tư đã hết lòng chăm sóc đồng thời hướng dẫn các em học sinh tưới cây và nâng cao ý thức bảo vệ cây cối, môi trường.
|
Những cây mới trồng được rào cẩn thận tại sân bóng xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. |
Năm nay về quê, nhìn thấy thành quả những cây phi lao trước kia chỉ cao có 50 - 70 cm, nay đã vượt quá đầu người, nghiêng mình đón nắng, thách thức với thời tiết khắc nghiệt ở vùng biển Hải Lộc, anh Mạnh mừng ra mặt: "Tôi chỉ mong làm sao cứ trồng 10 cây thì có 2 cây sống là thấy mừng rồi. Nhưng lần này về thấy cứ 10 cây có 5 cây vẫn sống. Tôi rất hài lòng. Tôi sẽ sang bên kia cùng bạn bè và chính bản thân mình quyên góp và gửi tiếp cây đến những nơi nào chưa có hoặc nơi nào cần. Mình làm việc này không phải cho mình mà cho những đứa nhỏ mai kia lớn lên. Quan trọng là tạo được ý thức bảo vệ môi trường và có những cây xanh để phục vụ cho con người ở thôn quê".
|
Anh Mạnh và cháu gái bên cây phi lao trông năm ngoái, nay đã cao ngút đầu người.
|
Anh Phạm Hùng Mạnh nhớ lại vào năm 1972, khi Mỹ triển khai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, anh còn nhỏ theo gia đình sơ tán ở Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Nghe thấy tiếng bom nổ, sợ quá, không biết tránh vào đâu, anh chỉ biết ôm chặt vào thân cây. Và hình ảnh đó vẫn còn lưu lại trong tâm trí anh. Giờ đây, về quê, nhìn thấy bóng dáng cây cối ít đi, anh cảm thấy buồn và tự thấy sẽ cố gắng làm nhiều hơn cho màu xanh trên quê hương.
Nguyễn Công Trứ từng nói: "Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông". Anh Hùng Mạnh không nghĩ mình cần phải có cái danh gì với đất nước mà chỉ nghĩ một cách đơn giản: Mình chỉ là người lao động bình thường nhưng trong tâm khảm luôn có tấm lòng yêu quê hương./.