Cuộc thi ghita quốc tế lần thứ 8 tại Berlin do Hiệp hội âm nhạc Ghita Berlin và Trường âm nhạc Berlin Gesundbrunnen đồng tổ chức, vừa công bố giải nhất cho nghệ sĩ Yaroslav Makarich (Belarus), giải nhì Chinnawat Themkumkwun, (Thái lan), giải 3 Luca Romanelli (Italy), Đào Như Khánh (Việt Nam) đoạt giải thí sinh chơi tác phẩm “Tổ khúc Kiều” của Đặng Ngọc Long hay nhất.
Giáo sư Đặng Ngọc Long trao giải cho thí sinh tại cuộc thi năm 2014. |
Tác phẩm “Tổ khúc Kiều” (Suite Kieu) sáng tác của Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long (người Việt ở Đức) dựa trên tác phẩm thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du được chọn làm bài thi bắt buộc. Ngoài ra các thí sinh lọt vào chung kết phải trình tấu thêm từ 2-3 tác phẩm dài khoảng 15 phút.
Đây là Cuộc thi lần thứ 8, được tổ chức cách 2 năm một lần (kể từ cuộc thi đầu tiên năm 2006.
Cuộc thi năm nay có nét đặc biệt, là được tổ chức trực tuyến do dịch covid -19. Các thi sinh gửi video tới ban giám khảo chấm và công bố những thí sình đủ điểm vào vòng trong. Có gần 40 thí sinh từ 30 nước, trong đó có 2 thí sinh Việt Nam đăng ký dự thi. Trải qua 3 vòng thi, cả 2 thí sinh Việt Nam đều lọt vào chung kết.
Thi sinh Yaroslav Makarich (Belarus) đoạt giải nhất của cuộc thi. |
Tác phẩm Tổ khúc Kiều gồm 7 chương dài khoảng 15 phút được chia đều cho các vòng thi. Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long (Chủ tịch Ban giám khảo) cho biết, đây là một sự kiện rất có ý nghĩa với ông, bởi năm nay kỷ niêm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du. Cuộc thi cũng như một hoạt động văn hóa hưởng ứng những sự kiện tưởng nhớ Đại thi hào, tôn vinh kiệt tác Truyện Kiều của dân tộc.
Cuộc thi được Bộ ngoại giao Đức, Viện Gớt, Hội nhạc sĩ CHLB Đức, nhà sản xuất đàn nổi tiếng Roge Yang (Taiwan) và một số hiệp hội văn hóa tại Đức tài trợ.
Người thắng giải nhất được trao tặng cây đàn ghita hãng Roge Yang (trị giá 8000 euro), được mời làm thành viên giám khảo cho cuộc thi tới năm 2022, được mời biểu diễn Recita tại Berlin vào năm 2022.
Giáo sư, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long. |
Chia sẻ về cuộc thi, Giáo sư Đặng Ngọc Long cho biết: Năm nay là lần đầu tiên thi bằng hình thức gửi Video, nên nhiều thí sinh đăng ký dự thi, bởi vậy sự tranh đua càng khốc liệt.
Có thí sinh dự thi lần này là lần thứ 3, nhiều thí sinh đã từng đoạt giải ở các cuộc thi khác cũng đua nhau đến đây tranh tài...
“Ngoài ra tác phẩm bắt buộc là chất liệu âm nhạc “lẩy Kiều” của Việt Nam đối với các thí sinh châu âu rất là khó vì các cách nhấn nhá, luyến láy đối với họ là rất lạ và khó nhuần nhuyễn.
Thế nhưng các thí sinh đã chịu khó tìm hiểu truyện Kiều của Nguyễn Du, nghe trên Youtube các hình thức ngâm vịnh, lẩy Kiều... nên đã thành công mỹ mãn...” – Nhạc sĩ Đặng Ngọc Long nói.