Tiếng Việt từ trong nôi

P.H
Chia sẻ
(VOV5) - Việc dạy và học tiếng Việt cho con em kiều bào luôn là mối quan tâm lớn của cộng đồng người Việt xa xứ. 

Chị Phan Bích Thiện, người Việt ở Hungary, chia sẻ những ý kiến về tiếng Việt cho con em kiều bào, cũng như niềm vui sau rất nhiều năm được trở về đúng dịp Tết, cảm nhận không khí sắp Tết ở quê nhà.

Tiếng Việt từ trong nôi - ảnh 1

Chị Phan Bích Thiện(bên phải) cùng chị Xoa, một thành viên tích cực của Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, trong một hoạt động cho thiếu nhi của cộng đồng.

Thưa chị, một trong những điều mà cộng đồng ở nước ngoài rất quan tâm, là vấn đề dạy tiếng Việt cho các con con em gốc Việt sống ở nước ngoài. Được biết chị cũng đã từng đóng góp ý kiến về vấn đề này?

Chị Phan Bích Thiện: Thực ra mà nói đối với tất cả các bố mẹ, với gia đình, mọi người đều có mong muốn như vậy. Những năm gần đay nhà nước Việt Nam cũng có rất nhiều sự ủng hộ để làm sao việc dạy và học tiếng Việt bên này có hiệu quả hơn. Nhưng thực tế thì kết quả vẫn chưa được như là mong muốn. Vẫn có những ý kiến là làm sao tổ chức được nhiều lớp học tiếng Việt hơn, đề nghị các cơ quan hữu quan, các bộ ngành trong nước hỗ trợ nhiều hơn. Nhưng theo tôi, gia đình luôn là nền tảng.

Chúng ta cần thay đổi tư duy của từng bố mẹ. Nghĩa là việc dạy tiếng Việt cho các cháu đầu tiên, và quan trọng nhất là gia đình. Chúng ta phải tạo được cho các cháu sự yêu thích, sự quan tâm. Tự bản thân các cháu cảm thấy muốn tìm hiều, muốn khám phá về Việt Nam. Chỉ khi đó chúng ta mới xây dựng được một sự mong muốn học tiếng Việt một cách bền vững cho các cháu.

Nên lồng ghép việc dạy tiếng Việt vào những câu chuyện hàng ngày, khi nấu ăn … hoặc chuẩn bị Tết. Chúng ta cũng có thể kể cho các cháu sự tích ngày 23 tháng Chạp, hoặc tại sao cá Chép lại hóa rồng. Tại vì qua những câu chuyện đó một mặt chúng ta dạy cho các cháu được những phong tục tập quán, những câu chuyện truyền thuyết của Việt Nam mình. Khi biết chuyện đó là chúng ta đã khơi lên sự thú vị, sự tò mò của các cháu về lịch sử Việt Nam, về truyền thống Việt Nam.

Phải xây dựng được cho các cháu lòng yêu Việt Nam, muốn tìm hiểu khám phá về đất nước và con người Việt Nam, mà trong việc này nhân tố quan trọng nhất là gia đình. Và khi các cháu đã ý thức được điều đó thì các cháu sẽ muốn học tiếng Việt.

Bên cạnh đó những dịp chúng ta đưa các cháu về Việt Nam cũng là một cơ hội rất tốt để các cháu thực hành tiếng Việt trong môi trường ở Việt Nam. Điều mà tôi tâm đắc là làm sao nghe được câu của các cháu: Con muốn học tiếng Việt, thay vì câu Con phải học tiếng Việt.

Chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm cho con em ngay trong gia đình chị?

Chị Phan Bích Thiện: Chồng tôi là người nước ngoài, nên việc dạy tiếng Việt cho các cháu còn nan giải hơn rất nhiều những gia đình mà bố mẹ là người Việt Nam. Nhưng từ khi các cháu sinh ra, tôi luôn luôn nói với các cháu bằng tiếng Việt. Nhiều bạn cũng rất lạ là khi hai mẹ con trao đổi với nhau, nhưng nhiều khi mẹ nói với con một thứ tiếng mà con trao đổi với mẹ bằng một thứ tiếng. Nhưng điều đó không sao hết các cháu vẫn hiểu được. Và khi các cháu về thăm Việt Nam ấy thì chỉ trong một thời gian ngắn thôi, bắt buộc phải nói ra tiếng Việt, vì ông bà hay những người thân không hiểu tiếng Hungary chẳng hạn. Các cháu nói được tiếng Việt rất nhanh. Bây giờ ngay cả cháu thứ hai cũng rất hào hứng học đọc, học viết rồi ví dụ như khi tôi nhắn tin cho các cháu thì tôi cũng nhắn bằng tiếng Việt. Các cháu có thể nhắn tôi bằng tiếng Hung nhưng buộc các cháu phải đọc tiếng Việt, thì sẽ tạo cho các cháu sự hiểu biết bằng tiếng Việt.

Tất nhiên cả hai con gái tôi chưa nói được tiếng Việt một cách hoàn hảo. Nhưng cái này là một quá trình kiên trì. Quan trọng là các cháu đã muốn học tiếng Việt, thì cái đó các cháu sẽ tự chủ động học tiếp. Khi nói chuyện với các cháu chúng tôi cũng cố gắng tạo cho các cháu sự yêu thích đất nước Việt Nam. Cái đấy cũng là động lực để các cháu muốn học tiếng Việt, và ngược lại.

Được biết đã rất lâu rồi chị mới có thể thu xếp để trở về Việt Nam vào dịp Tết và tham dự chương trình Xuân quê hương do Ủy ban về người Việt Nam vào dịp Tết. Chắc chị cũng có nhiều cảm xúc.

Chị Phan Bích Thiện: Tôi thì cũng không có nhiều dịp về quê hương đón Tết. Mà đối với những người ở xa Tổ quốc, thì dịp Xuân về Tết đến là lúc mình cảm thấy nhớ nhà nhất, nỗi niềm quê hương của mình nặng nhất. Năm nay tôi rất may mắn khi được về dự Xuân quê hương và hòa với không khí đón Tết chung ở Việt Nam. Tôi nghĩ là khái niệm Tết, đối với bản thân tôi cũng như với nhiều người, đó là cái không khí. Nó không thể mang đi được, nó không thể cầm được, nó chỉ có thể cảm nhận được, khi mà mình ở trên đất nước mình, khi mà mọi người xung quanh mình cảm thấy không khí đón Tết. Trog dịp này tôi cũng được dự lễ Xuân quê hương truyền thống do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Trong chương trình chúng tôi được biết thì được chuẩn bị rất phong phú. Cái tình cảm của những người trong nước và những người ở nước ngoài sẽ ngày càng gần gũi hơn.

Vâng, xin cảm ơn chị.

Feedback