Thương về Hạ Lôi

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Là một doanh nhân với hàng chục chuỗi cửa hàng mang tên EURONAILS tại châu Âu, ông Đỗ Thuyên xót xa cho mỗi hộ dân quê nhà bị thiệt hại hàng chục triệu đồng trong thời gian cách ly y tế.

“Quê hương là gì hở mẹ? Mà cô giáo dạy phải yêu. Quê hương là gì hở mẹ? Ai đi xa cũng nhớ nhiều”. Trong tâm khảm của mỗi con người xa quê, ai cũng đau đáu nhớ về quê hương và mong muốn làm việc việc gì cho quê hương với sức lực nhỏ bé của mình. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tình cảm ấy lại càng nhân lên gấp bội. Ông Đỗ Thuyên, kiều bào Séc, có những nỗi khắc khoải hướng về quê nhà trong những ngày tâm dịch ở Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội.

Thương về Hạ Lôi - ảnh 1 Ông Đỗ Thuyên, kiều bào Séc, bên hai bài thơ ông sáng tác dành tặng thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ông Đỗ Thuyên là người con của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Vào những ngày đầu tháng 4, tâm trạng ông trở nên bất an khi dồn dập nghe những tin không vui về dịch bệnh Covid-19 lan đến quê hương ông. Ngày 06/04, Hạ Lôi ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2. Rồi đến ngày 8/4, UBND huyện Mê Linh công bố Quyết định số 1050/QĐ-  UBND về việc cách ly y tế thôn Hạ Lôi trong 28 ngày.

Ở quê xa, ông chỉ còn cách gọi điện thăm hỏi bà con trong xóm làng và chia sẻ những mất mát và thiệt hại mà người nông dân quê ông gặp phải: “Hàng ngày, chúng tôi xem trên thông tin đại chúng thông tin về đất nước mình. Chúng tôi lo lắng phần nào vì ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là những người già, thứ hai là ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế. Vô tình Covid-19 đã đến với quê chúng tôi, miền trung du, phía Bắc của Hà Nội. Đó là một điều không ai mong muốn. Ngay từ hôm chúng tôi nghe tin phong tỏa quê hương, chúng tôi thấy bàng hoàng, lo lắng. Vì nơi đó có bao nhiêu bạn bè, anh em, người thân trong gia đình không ra đồng để trồng hoa, chăm sóc hoa được”.

Là một doanh nhân với hàng chục chuỗi cửa hàng mang tên EURONAILS tại châu Âu, ông Đỗ Thuyên xót xa cho mỗi hộ dân quê nhà trồng hoa, kinh doanh hoa bị thiệt hại hàng chục triệu đồng trong thời gian cách ly y tế. Bởi, xã Mê Linh là một trong những vựa hoa lớn của thành phố và cả nước với diện tích trồng hoa là 150 ha, trong đó riêng thôn Hạ Lôi có khoảng 100 ha. Ngồi bên khung cửa sổ trời Âu, ông Đỗ Thuyên đã chắp bút viết bài thơ “Tặng em, người con gái Hạ Lôi” để chúc quê hương nhanh chóng vượt qua đại dịch. Trong thơ có đoạn: “Cùng thôn cùng xóm thi đua/Đánh đuổi Cô-Vít khỏi bờ cõi ta/ Để dân làng được chăm hoa/ Con trẻ đến lớp chan hòa niềm vui”.

Dõi mắt trông về quê nhà trong 28 ngày cách ly y tế từ 8/4 đến 6/5, từ tâm lý lo lắng, ông Đỗ Thuyên dần chuyển sang vui mừng khi thấy sự quan tâm, động viên tận tình của các cấp, chính quyền dành cho bà con nhân dân Hạ Lôi.

Chủ tịch UBND xã Mê Linh Tạ Quang Thái cho biết, xã Mê Linh đã thành lập chín tổ liên lạc làm nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, cung cấp nhu yếu phẩm cho hơn một vạn dân ở thôn Hạ Lôi. Bên cạnh đó, chỉ ba ngày sau khi bị cách ly, hơn 100 tổ chức, cá nhân liên hệ và trực tiếp hỗ trợ, chung sức cùng huyện Mê Linh chăm lo cho đời sống bà con. Ngày 13/4, 30 tấn gạo, 3.000 thùng mì tôm, khoảng 15.000 quả trứng… đã được phân chia và chuyển đến tay các gia đình trong thôn. Mỗi hộ cận nghèo và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được nhận hỗ trợ ban đầu là 1 triệu đồng.

Thương về Hạ Lôi - ảnh 2Nhiều người dân vui mừng tại thời khắc dỡ bỏ cách ly ở đầu thôn Hạ Lôi. 

Sau khi gỡ bỏ lệnh cách ly y tế thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh cũng đã có phương án nhanh chóng đưa hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trở lại bình thường. Về giải pháp trước mắt, Phó Chủ tịch huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang kiến nghị thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ cho người trồng hoa trên địa bàn thôn Hạ Lôi nhằm giúp bà con nông dân có nguồn kinh phí tái sản xuất sau khi kết thúc thời gian cách ly y tế.

Thương về Hạ Lôi - ảnh 3Đúng 0h ngày 6/5, lực lượng chức năng tiến hành dỡ bỏ các biện pháp cách ly. 

Ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho rằng: xã vẫn tiếp tục tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Nhà nước, vừa thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, vừa lao động, sản xuất, đảm bảo y tế: “Trước mắt người dân không nên tụ tập đông người. Huyện Mê Linh được đưa vào nhóm nguy cơ thấp thì người dân mới được hoạt động bình thường. Kể cả sau khi lệnh cách ly được gỡ bỏ, thì chúng tôi vẫn vận động người dân hạn chế đi ra ngoài đường để phòng chống dịch bệnh…”.

Ngày dỡ rào cách ly, Hạ Lôi đã có một đêm không ngủ. Và ở nơi xa đất nước, người con xa quê Đỗ Thuyên cũng thổn thức trông về và reo lên với niềm vui khôn xiết: “Các bác ơi, quê tôi dỡ rào rồi”. Ông lại ngồi vào bàn, làm thơ gửi về cho nơi ấy: “Điều mong mỏi nhất của tôi là: Thôn trên ngõ dưới xóm làng. Cùng nhau cất tiếng ca vang ruộng đồng. Và triền đê từng rặng phi lao. Vi vu trong tiếng sáo diều ngân nga. Quê mình thôn Hạ trồng hoa. Nô nức vào vụ cho ra mùa vàng. Khi được hỏi về quê hương, ai cũng rưng rưng dòng nước mắt, rưng rưng dòng lệ rơi. Hạ Lôi quê tôi đã chiến thắng giặc Covid. Cuộc sống trở lại bình thường. Đó là điều ai cũng mong muốn khao khát. Qua đây thấy được cái tình cảm của nhân dân Hạ Lôi cùng với y bác sĩ cùng với quân dân đoàn kết 28 ngày đã vượt qua và làm nên kỳ tích mọi nhà  lập công”.

Thương về Hạ Lôi - ảnh 4Người dân ra thăm vườn hoa sau gần một tháng cách ly y tế.

Sáng tinh sương, những dòng xe chở những bông cúc vàng, hoa hồng đỏ, hoa ly, hoa loa kèn… nối tiếp nhau tỏa ra các chợ đầu mối, những đại lý hoa lớn. Gương mặt người dân Hạ Lôi lại lấp lánh niềm vui, nở tươi như những bông hoa trong nắng sớm. Chợ hoa Mê Linh tấp nập trở lại. Cuộc sống dần hồi sinh.

Ở bên kia, nơi xứ tuyết, cách quê hương hơn 9 ngàn km, ông Đỗ Thuyên, người con của vùng trồng hoa ấy, nhoẻn miệng cùng cười vui với quê hương. Ông mường tượng đến cảnh trên đồng trước, dưới đồng sau, người người tấp nập thi đua trồng hoa, trồng màu, nhanh chóng ổn định sản xuất. Ông lại bần thần làm thơ: “Dù cho đi bốn phương trời, trong lòng vẫn nhớ nụ cười Hạ Lôi”.

Feedback