Trận đại hồng thủy diễn ra trong tháng 10 năm 2020 đã nhấn chìm cả một khu vực rộng lớn ở miền Trung. Mưa lũ khiến cho cả nghìn nhà dân bị hư hỏng, hoa màu, gia súc, gia cầm mất trắng. Các tuyến đường huyết mạch, đê kè bị sạt lở, thiệt hại nặng nề. Bà con người Việt ở nước ngoài đã có những nghĩa cử tương thân tương ái hướng về khúc ruột miền trung.
Hàng nghìn ngôi nhà của người dân ở Quảng Trị bị nước lũ nhấn chìm. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Miền trung mưa lũ từ đầu tháng mười đến giờ vẫn chưa dứt. Nhiều nhà bị cô lập, ngập sâu, thiếu nước sạch, đồ ăn, thuốc men. Cả trăm nghìn người dân phải di dời khẩn cấp. Nhìn những ngôi nhà cấp 4 chỉ nhìn thấy mái ngói đỏ sẫm nhấp nhô trong biển nước, những vành khăn trắng quàng vội trên mái đầu bé thơ, là người Việt Nam, không ai không khỏi nhói lòng.
Nghe theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các đại sứ quán, hội đoàn người Việt ở nước ngoài đã đứng lên phát động chương trình ủng hộ đồng bào miền trung. Chỉ sau vài ngày phát động, số tiền Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc quyên góp được đã lên tới con số 1 tỷ 20 triệu đồng, trong đó ủng hộ các tỉnh miền Trung gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 230 triệu đồng; ủng hộ Quỹ vì người nghèo 100 triệu đồng.
Vừa từ Irsael trở về Quảng Trị được vài ngày, mưa lũ ập xuống liên tiếp, chị Trương Thị Hồng đã kêu gọi bạn bè chung tay giúp đỡ quê nghèo.
Chị trực tiếp đi mua máy phát điện, áo phao, chăn ấm, nhu yếu phẩm như: gạo, nước mắm, mì chính, rau củ quả… rồi lại tất bật xuống tận các bản ở các xã ngập sâu để trao quà như xã Thanh, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa; xã Ba Lòng, huyện Đakrông; xã Vĩnh Ô, thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, chị cũng cùng chị em phụ nữ trong tỉnh nấu cơm, mang đến cho các hộ gia đình bị ngập sâu. Bà Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố Đông Hà cho rằng mô hình suất cơm nghĩa tình là một việc làm ý nghĩa, đậm tính nhân văn: “Đối với bản thân tôi cùng với tất cả mọi người, khi tham gia việc nấu ăn thì thấy rất ấm lòng và đem lại niềm vui cho tất cả chị em và đặc biệt là hỗ trợ giúp cho những vùng bị lũ lụt”.
Alissa Phan Thị Hải Yến thắt ruột khi nghe tin có các cơn bão đổ ập xuống miền Trung quê em. Sang Đài Loan (Trung Quốc) được năm năm, Hải Yến mới về thăm quê được 12 ngày. Nỗi nhớ thương khúc ruột miền trung lại dâng đầy và quặn thắt hơn bao giờ hết. Hải Yến đã tự kêu gọi đồng nghiệp và bạn bè xung quanh được số tiền 100 triệu đồng. Ngay lập tức, cô đã gửi về cho nhóm thiện nguyện vào miền trung hỗ trợ cho các học sinh và các gia đình đặc biệt khó khăn.
Alissa Phan Thị Hải Yến gửi đoàn MC Hoàng Trang, MC Thúy Quỳnh, DR Hoàng Tuấn và các mạnh thường quân tặng quà cho các học sinh vùng lũ. |
Trong lòng cô không nguôi cầu mong cho người dân sớm khắc phục mưa lũ, ổn định cuộc sống: “Là một người con miền Trung, trong mấy ngày vừa qua, miền Trung đang xảy ra lũ lụt rất nặng nề làm cho Alissa cảm thấy mình bất lực không biết làm thế nào để giúp đỡ cộng đồng mình. Ngày nào cũng nhìn qua điện thoại để hướng về quê hương và cầu mong cho quê hương của mình nhanh chóng thoát khỏi cảnh khó khăn, khốn khổ như thế này. Và hy vọng quê hương sớm có cách khắc phục để cho người dân miền Trung có cuộc sống ổn định hơn”.
Không chỉ có mưa lũ, lũ ống, mà sức tàn phá của sạt lở đất cũng không kém phần ghê gớm và khốc liệt. Trưa 11/10, 2 triệu m3 đất, đá của ngọn núi đổ ập xuống khu vực nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế khiến 17 công nhân bị mất tích, đến nay mới tìm thấy 5 thi thể. Đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và quân khu 4 lên đường cứu nạn cũng đã bị vùi lấp 13 người tại tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm sông Bồ. Vài ngày sau đó, rạng sáng 18/10, một vụ sạt lở đất tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4 trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị khiến 22 chiến sĩ hy sinh.
Sáng 22/10, tại Nhà thi đấu đa năng, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị diễn ra Lễ viếng, lễ truy điệu và tiễn đưa 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn KT-QP 337 hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ngày 18/10 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. |
Những đau thương liên tiếp dội về, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trường không khỏi quặn lòng. Ông đã tích cực ủng hộ miền trung thông qua nhiều tổ chức, hội đoàn người Việt Nam tại Slovakia với tinh thần tương thân tương ái.
Món quà nhỏ của kiều bào Nguyễn Xuân Trường đã gửi đến gia đình liệt sĩ Trần Văn Phương. Trong ảnh là Trần Mai Thủy, con gái liệt sĩ và mẹ vợ liệt sĩ Trần Văn Phương. |
Đặc biệt, ông cũng nhờ bạn bè gửi tiền mặt ủng hộ cho gia đình liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương, quê ở Quảng Bình: “Nghe tin bão đổ bộ vào miền Trung, tôi cho là đây là một loại giặc nước có sức tàn phá khủng khiếp thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. Tôi cảm nhận được tác hại của lũ lụt bởi vì năm 1971 khi mà lũ về tỉnh Hải Dương, quê tôi trong trận lũ lụt miền Trung. Lần này có những cán bộ chiến sĩ đã làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn hy sinh vì nước vì dân vô cùng thương xót”.
Người Việt ở khắp nơi trên thế giới như CHLB Đức, Nga, Canada, Australia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan… đều đồng lòng hướng về quê hương với tình yêu thương và sự sẻ chia. Chị Lê Thanh Châu, ở thành phố Hanau, bang Hessen, CHLB Đức, đã viết bài thơ "Nhịp đập yêu thương vẫn sẽ mãi nối liền" nói về những nghĩa cử đó: “Chiếc “Đòn gánh miền trung” oằn trong thảm họa/ Sẽ bớt cong hơn nhờ những tình người, /Nước mắt nơi đây sẽ bớt đi mặn chát./ Nhờ tấm nhiễu điều phủ chiếc gương soi”.
Dẫu bão lũ có gây cách trở thế nào thì nhịp đập yêu thương vẫn sẽ mãi nối liền, tinh thần hướng về quê hương, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” vẫn sẽ được lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.