Tết trọn vẹn là khi được đoàn viên

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Tết là dịp để những người con xa trở về với vòng tay yêu thương của quê hương, của gia đình và cộng đồng.

Mỗi độ trời đất chuyển mùa sang năm mới là trong lòng những người con xa xứ trào dâng một nỗi nhớ Tết đến cồn cào, quặn thắt. Có người vì bận muôn nỗi đã mười năm hoặc lâu hơn chưa về, nhớ lắm. Có người thì nhất nhất sắp xếp bằng được kế hoạch: “Đi đâu mặc kệ đi đâu/ Đến ngày giỗ Tết phải mau mà về”. Về với Tết cổ truyền của dân tộc cũng là về để đắm mình trong không khí đoàn tụ gia đình để không còn cảm giác bâng khuâng, se sắt nhớ, không còn cảm giác chạnh lòng khi Tết đến xuân sang nơi xứ người.

Tết trọn vẹn là khi được đoàn viên - ảnh 1 Kiều bào từ nhiều nước trên thế giới hội tụ tại tỉnh Thái Nguyên trong chương trình Xuân Quê hương 2019

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Càng đến gần ngày cuối năm tính theo lịch mặt trăng, người Việt ở xa quê càng háo hức và thèm không khí Tết nơi quê nhà. Những lúc như vậy, họ phải “ăn Tết” bằng ký ức và hồi tưởng. Nhớ không khí cả gia đình hối hả dọn dẹp, trang trí nhà cửa và chuẩn bị thực phẩm cho ngày Tết, nhớ không khí nhộn nhịp, lao xao ở chợ Tết ngày cuối năm. Dù văn hóa Đài Loan (Trung Quốc) có nét tương đồng với Việt Nam nhưng ở đó cũng không có cái không khí sắm Tết như ở Việt Nam. Bữa cơm chiều tất niên của họ không giống xứ ta. Họ cũng không có mâm ngũ quả sắp lên ban thờ tổ tiên vào đêm giao thừa.

Tết trọn vẹn là khi được đoàn viên - ảnh 2 "Tôi nghĩ rằng đối với tôi nói riêng và tất cả những kiều bào trên toàn thế giới nói chung, không cần biết chúng ta đang ở đâu, không cần biết ta đang sinh sống như thế nào nhưng mỗi dịp Tết là để cho chúng ta bùi ngùi và nhớ không khí ở quê mẹ, nơi mình đã sinh ra. Nhân dịp xuân 2019, tôi xin chúc đến toàn thể quý đồng bào đang ở trên khắp mọi miền đất nước năm mới an khang, vạn sự như ý" - Chị Ngô Phẩm Trân gửi lời chúc Tết đến đồng bào trong nước".

Chị Ngô Phẩm Trân cho biết bà con người Việt trong cộng đồng đã phải tự tạo không khí Tết sao cho giống như ở Việt Nam: “Thường khi ở Đài Loan, trước ngày 30 Tết, chúng tôi đi đến những chợ hoa để mua hoa, đồ trang trí và sắm tết. Chúng tôi cũng chuẩn bị bữa cơm tất niên vào buổi tối của đêm giao thừa. Chúng tôi thực hiện giống như không khí của người Việt mình. Có mai vàng để tạo không khí của ngày Tết ở nước ngoài. Chúng tôi nhớ quê hương da diết. Bởi ở quê hương Việt Nam vẫn đậm đà nét xuân và đậm đà truyền thống của ông bà, cha mẹ”.

 Giống như nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài, cứ đến ngày 28, 29 Tết, gia đình ông Đoàn Văn Thịnh cũng tất bật đi mua sắm nào giò chả, gạo nếp, củ kiệu, mứt Tết, mứt gừng… để làm một cái Tết giống truyền thống nhất cho con cháu quây quần nơi xứ lạ: “Chúng tôi nhắc lại cho những thế hệ thứ hai và thứ ba rằng ngày xưa mình ở quê ông bà mình, bố mẹ mình tổ chức đón tết ở quê hương rất đầm ấm. Đến nay thì tôi lại truyền cho các thế hệ nối tiếp để các cháu nhớ về cội nguồn, truyền thống của đất nước”.

Thành công nhất của gia đình ông Thịnh sau 30 năm ở Ucraina, sau 30 năm gìn giữ nếp sống ngày Tết của người Việt, là con cháu giờ đã biết háo hức chờ đón Tết âm lịch. Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài có cuộc sống tương đối đủ đầy. Chính vì thế, hoa mai, hoa đào, bánh chưng, với họ, không thiếu, có thể ra siêu thị, ra các khu chợ của người Việt là mua được. Cái thiếu lớn nhất đối với họ, như anh Phạm Gia Hậu ở Cộng hòa Séc chia sẻ, chính là mặt tinh thần. Họ thiếu không khí tất bật của ngày Tết, thiếu tình yêu thương của gia đình, thiếu sự sum vầy, đoàn tụ: “Đôi lúc nhìn bất cứ một cái gì của ngày tết thì trong lòng đều xúc động. Đôi lúc còn dâng trào cả nước mắt và nhớ mẹ, nhớ về cảnh sum họp gia đình. Lúc đó muốn bỏ tất cả, kể cả tiền tài, những gì đã làm được nơi đất khách quê người để về nhà đón Tết”.

Nguyễn Trung Kiên có 10 năm ăn tết tại Hàn Quốc. Dù đã chuẩn bị theo đúng phong tục Tết Việt với mâm cúng giao thừa, lì xì cho trẻ nhỏ giống như ông bà, bố mẹ ở Việt Nam vẫn thường làm nhưng Kiên vẫn thấy buồn và cô đơn trên đất khách: “Ở Hàn Quốc họ ăn tết âm lịch nhưng không khí thì hoàn toàn khác. Mọi người dành thời gian để nghỉ ngơi, đi du lịch hoặc dành thời gian ở trong nhà. Chính vì thế khi mà đi ra ngoài đường, không có một không khí giống như ở Việt Nam cả. Nó rất là buồn. Bởi vì mình đón một cái tết của dân tộc nhưng lại không được đón cái tết đó tại gia đình mình, tại quê hương mình. Tôi rất buồn và rất nhớ”.

Không gì vui bằng đoàn tụ gia đình bên mâm cơm ngày 30 tết có lẽ đó là động lực để ông Lê Quỳnh Giao, chuyên gia y tế ở Angola, năm nào cũng xin nghỉ phép năm vào đúng dịp Tết Nguyên đán: “Ở Angola, một năm người ta cho 30 ngày phép, cộng với 15 ngày đi đường là khoảng 45 ngày. Chúng tôi thường chọn nghỉ phép vào dịp tết để về đón xuân, về với gia đình, với họ hàng, bà con khu phố. Đây là một niềm vui và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được đón xuân tại quê nhà”.

Tết trọn vẹn là khi được đoàn viên - ảnh 3Vui xuân trên quê hương 

Chị Phạm Thị Hiền có cô em họ sống ở Bulgaria. Giống như bao nhiêu thân nhân kiều bào khác, chị luôn mong mỏi người thân được đoàn tụ trong ngày 30 Tết: “Một năm đi qua, khi Tết đến thì tình cảm truyền thống gia đình của người Việt Nam bao giờ cũng mong muốn được gần nhau và cùng đón năm mới với cảm xúc rất khó diễn tả, chỉ cảm thấy đó là tình yêu thương tràn ngập. Ngay đêm trước khi người thân chuẩn bị về, gần như mọi người trong nhà tôi đều không ngủ được. Và khi ra đón tận sân bay, chúng tôi gặp nhau thì ôm chầm lấy nhau và chẳng biết nói gì nữa”.

Ngày cuối năm, bước xuống sân bay Nội Bài, thành phố Hà Nội, trước mắt nhà báo Nguyễn Huy Thắng, người Việt ở CHLB Đức, là dòng người Việt từ nhiều nước trên thế giới trở về đang hối hả làm thủ tục, bởi họ đều có cùng tâm trạng giống như ông, muốn thật nhanh chóng được về bên gia đình, về với hơi ấm của đất mẹ mến thương.

Tết trọn vẹn là khi được đoàn viên - ảnh 4 Ông Nguyễn Huy Thắng, kiều bào Đức, bên cây đào ở quê hương.

Ông Nguyễn Huy Thắng kể, hơn 30 năm, ông phải ăn tết cổ truyền ở xa quê. Ở nước sở tại, ngày tết của dân tộc không trùng vào ngày nghỉ nên những con Lạc, cháu Hồng vẫn phải đều đặn đi làm. Nỗi nhớ quê, nhớ tết phải dồn nén cho đến 6 giờ chiều, khi mà đúng vào thời khắc ấy, ở Việt Nam đang đón giao thừa, để thắp nén hương trầm thơm ngát, vái vọng về cố hương. Năm nay, sau 30 năm có lẻ, lần đầu tiên được ăn tết ở quê nhà, ông Nguyễn Huy Thắng tranh thủ từng phút giây quý giá để trải lòng với tết quê hương: “Đối với tôi, tôi thắp một nén hương để khấn tổ tiên, ông bà. Bởi vì không có tổ tiên thì làm sao có ta. Trong tâm khảm của những người đi xa là như vậy là nhớ về tổ tiên và thắp nén hương để cầu mong mọi sự tốt đẹp cho con cháu học hành thành đạt. Tôi cảm thấy đó là niềm hạnh phúc”.

Với Giáo sư Bùi Minh Phong ở Hungary, về quê ăn tết năm nay, ông không chỉ có dịp hội ngộ với người thân mà còn lan tỏa tình yêu thương cho những em nhỏ Hà Giang kém may mắn vào dịp tết thông qua chương trình “Cơm có thịt”: “Chúng tôi thấy trách nhiệm của chúng tôi là kiều bào thì phải làm điều gì đó cho đất nước. Qua hoạt động “Cơm có thịt” vừa rồi, đó là những việc rất nhỏ bé nhưng thể hiện tấm lòng của chúng tôi đối với các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở miền núi. Tôi cảm thấy một điều rất là vui. Và tôi cũng đọc được niềm vui trên khuôn mặt của các cháu”.

Tết là dịp để trở về với vòng tay yêu thương của quê hương, của gia đình và cộng đồng. Hai tiếng “gia đình” sẽ trở nên trọn vẹn hơn bao giờ hết khi ta được trở về với quê hương, được tận hưởng không khí đoàn viên vào ngày Tết.

Feedback