Tết nguyên đán, khởi đầu của một năm mới, một mùa Xuân mới, luôn là thời khắc đặc biệt đối với mỗi người dân Việt Nam. Với những người đang sống xa quê hương, Tết lại càng là nỗi nhớ khôn nguôi và càng đặc biệt hơn khi Tết này, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người không thể trở về nhà đón Tết bên gia đình. Dẫu vậy, họ luôn cầu chúc cho gia đình mạnh khỏe, đất nước ngày càng phồn thịnh trong năm mới.
Tết của người Việt ở nước ngoài. Ảnh minh họa: quehuongonline.vn |
“Nhớ những bữa cơm ngày Tết xưa, có bánh chưng, có thịt gà. Những thứ này chỉ có Tết mới được ăn. Giao thừa xong cả nhà đi chúc Tết hàng xóm, láng giềng, trẻ con thì mặc quần áo mới.”
“Cứ Tết là mẹ lại đun nước mùi già cho cả nhà rửa mặt. Đến tận bây giờ, cái thứ mùi hương đó vẫn mãi trong tâm trí.”
“Tết bao giờ cũng được bố mẹ giao trông nồi bánh chưng. Bếp củi ấm dù thời tiết vô cùng giá lạnh nhưng vô cùng háo hức, chả thấy buồn ngủ gì cả.”
Nỗi niềm của những người con Việt xa xứ đau đáu nhớ về Tết cổ truyền là như vậy, là những ký ức rất xa xôi nhưng lại vô cùng chân thật và gần gũi.
Anh Nguyễn Quốc Khánh, sống tại bang Hamburg Đức. Ảnh: Ánh Huyền. |
Trong số hơn 4,5 triệu kiều bào sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới, không phải ai cũng có cơ hội được trở về quê hương ăn Tết. Anh Nguyễn Quốc Khánh, sống tại bang Hamburg Đức, cho biết nhiều năm nay, anh đón Tết xa nhà do dịp Tết nguyên đán anh vẫn phải đi làm. Nhưng dù bận như nào thì anh cũng thu xếp công việc để có thể nghỉ ngày 1-2 ngày, dọn dẹp nhà cửa. 29 năm xa quê hương, song anh vẫn giữ phong tục của ông cha, cũng mâm ngũ quả và làm cơm cúng tất niên. Những thực phẩm quê nhà cũng đủ đầy bánh chưng, giò chả, nem, bánh kẹo, mứt Tết, kể cả vàng mã…
Tối giao thừa theo giờ Việt Nam, cả gia đình anh quây quần bên nhau, gọi điện về Việt Nam chúc Tết gia đình, bạn bè, người thân: “Tụi mình hầu như đều đã qua tuổi thanh niên từ lâu nên không còn cảm thấy rạo rực xốn xang khi năm cũ sắp qua, năm mới đang đến nữa. Nhưng nỗi nhớ quê hương thì vẫn luôn trong lòng mỗi người và đặc biệt trỗi dậy khi Tết đến. Mình vẫn phải tổ chức Tết chu đáo để giáo dục các con hiểu về truyền thống của Việt Nam. Năm mới chỉ ước gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, công việc thuận lợi, các con ngoan ngoãn học giỏi. Mưa thuận gió hòa, dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi để đất nước Việt Nam nhà nhà no ấm, thế giới an toàn.”
Xa quê đã 23 năm, song chị Vũ Hoàng Anh, việt kiều Canada vẫn giữ phong tục thức đêm chờ đón giao thừa. Năm nào cũng vậy, cả gia đình chờ giây phút chuyển giao giữa năm cũ và mới để cùng nâng ly rượu chúc nhau năm mới bình an. Bước sang năm Tân Sửu 2021, chị Hoàng Anh mong cho quê hương bớt cảnh thiên tai, dịch bệnh: “Xa quê hương mà không được về quê ăn Tết với người thân thì buồn lắm. Năm mới chẳng mong ước gì hơn là đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, gia đình mạnh khỏe, người thân ở quê nhà bình an, thế giới hòa bình, phát triển. Cũng mong lắm một ngày về Việt Nam để đi du ngoạn khắp quê hương.”
Không chỉ những Việt kiều, du học sinh Việt Nam cũng rất mong chờ ngày Tết. Trần Thanh Tùng, du học sinh Việt Nam tại Đức, chia sẻ em đã đón 2 cái Tết xa nhà, năm nay dịch Covid-19 và lại là sinh viên năm cuối nên em cũng không thể về nhà đón Tết. Nhưng dù buồn, thì bên cạnh cũng còn nhiều bạn bè và nhóm các em vẫn thu xếp để có cảm giác của Tết. Người đi chợ, người dọn dẹp, nấu nướng để sao có được một mâm cơm tất niên ấm cúng: “Có nhiều lý do để du học sinh ở nước ngoài không thể về quê ăn tết cổ truyền nhưng lý do lớn nhất năm nay là do dịch bệnh Covid, hai là kinh phí tốn kém. Như ở đây chỉ có Tết Tây chứ không có Tết nguyên đán như ở Việt Nam nên tết vẫn phải đi học đi làm bình thường. Thật ra cái cảm xúc đầu tiên tất cả mọi người đều có đó chính là nhớ hương vị tết quê hương. Mọi người đều có mong ước được trở về gia đình quây quần, sum họp với gia đình, quây quần bên mâm cơm cuối năm có lẽ là nét đẹp truyền thống và đặc trưng của người dân Việt Nam.”
Ngọc Bích , du học sinh ở Hà Lan - Ảnh: Ánh Huyền |
Với Ngọc Bích, du học sinh ở Hà Lan thì Tết năm nay là một cái Tết xa nhà không thể nào quên. Sau khi ăn cơm tất niên, đón giao thừa, nhóm du học sinh chia tay nhau về phòng. Đây là thời điểm Bích thấy buồn nhất, nhớ nhà nhất: “Đối với du học sinh lần đầu tiên xa nhà, dịp Tết cố truyền không có người thân, gia đình bên cạnh, có lẽ đây là điều hụt hẫng nhất.
Dù không phải là người yếu đuối, nhưng trong những giây phút giao thừa mình cũng không khỏi chạnh lòng. Nhưng rồi cũng phải làm quen với việc đó, đã xác định sang đây là quyết tâm học hành vì tương lai, cố gắng thôi.”
Với cộng đồng người Việt Nam xa xứ, Tết luôn là dịp để họ hướng về quê hương với niềm mong mỏi tốt đẹp nhất. Những giá trị cổ truyền của Tết không hề bị mai một mà trái lại, càng được nâng niu, gìn giữ và lan tỏa.