Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Ngọc Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng, phát huy truyền thống trong mỗi gia đình. Sống xa Tổ quốc, các chị em phụ nữ lại càng thể hiện được vai trò tích cực, có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng, quan hệ nhiều mặt của Việt Nam đối với nước sở tại và quốc tế.

(VOV5) - Phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng, phát huy truyền thống trong mỗi gia đình. Sống xa Tổ quốc, các chị em phụ nữ lại càng thể hiện được vai trò tích cực, có nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng, quan hệ nhiều mặt của Việt Nam đối với nước sở tại và quốc tế.

Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - ảnh 1
Hội phụ nữ Việt Nam ở một số nước nhận bằng khen của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao vì những đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Hội phụ nữ Việt Nam tại Odessa, Ucraina ra đời năm 2009. Bên cạnh việc hòa nhập với nền văn hóa Sla-vơ, phụ nữ ở đây cũng nhận thức được phải biết gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình ở xứ người. Bởi chỉ có gìn giữ những tinh hoa, những nét riêng của văn hóa dân tộc được đúc kết hàng ngàn năm, cộng đồng người Việt mới không bị hòa tan trong nền văn hóa nước sở tại. Theo lời chị Vũ Thị An Bình, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Odessa, điều này là động lực, gắn kết cộng đồng, là cầu nối gắn liền cộng đồng với đất nước Việt Nam: “Trong mọi lĩnh vực, mọi thời đại, người phụ nữ luôn đóng vai trò tích cực. Chúng tôi những kiêu bào đóng một phần không nhỏ cùng toàn thể cộng đồng người Việt gìn giữ truyền thống bản sắc, di sản của dân tộc Việt Nam. Thứ nhất là việc gìn giữ tiếng Việt để tiếng Việt không mai một trong các thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài. Cộng đồng người Việt tại tỉnh Odessa, là cộng đồng sống tương đối tập trung nên từng khu vực đã mở các lớp dạy tiếng Việt cho các cháu, lứa tuổi từ 5 - 12 tuổi vào các ngày cuối tuần. Mỗi năm có 4 lớp. Mỗi lớp có 6 -10 cháu tham gia học”.

Đối với cộng đồng người Việt ở Campuchia, đa phần bà con có cuộc sống tương đối khó khăn, vất vả. Chỉ có một bộ phận nhỏ có kinh tế tương đối. Vì vậy việc bảo tồn văn hóa và tiếng Việt càng đặt ra cấp thiết. Nhận thức được cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tổng hội người Việt tại Campuchia đã thành lập ra các ban chuyên trách như ban Văn hóa giáo dục, ban xã hội từ thiện… trong đó đề cao vai trò của phụ nữ trong công tác tuyên truyền vận động bà con cộng đồng. Bà Chan-Thi Phạm Thị Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Campuchia cho biết, cho đến nay, phụ nữ Việt Nam tại Campuchia đã tham gia nhiều hoạt động xây dựng phong trào hội ở một số tỉnh thành ở Campuchia: “Về công tác văn hóa gia đình, chị em phụ nữ đã vận động bà con đưa con tới trường học của Campuchia, xác định học tiếng Khơ Me là điều kiện tiên quyết để thế hệ con em cộng đồng hội nhập và ổn định cuộc sống trên đất nước Campuchia đồng thời tuyên truyền bà con cộng đồng tham gia lớp học tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 tại các trường học, cơ sở sinh hoạt cộng đồng do cơ sở cấp hội quản lý” – bà Thủy cho biết.

Muốn bảo vệ phát huy văn hóa dân tộc, theo chị An Bình, người Việt tại Ucraina, cần bắt đầu từ gia đình. Mà người phụ nữ là người tạo dựng, giữ hồn Việt, truyền lại những nét đẹp văn hóa Việt cho thế hệ tương lai: “Trong từng gia đình Việt tại Odessa, chúng tôi vẫn duy trì sinh hoạt những bữa cơm rất thuần Việt. Cả gia đình bên bữa cơm để được nghe những câu: Con mời bố ăn cơm. Con mời mẹ ăn cơm”.

Phát huy vai trò phụ nữ trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chị em phụ nữ Việt Nam tại nhiều nước tham gia tích cực các lễ kỷ niệm của đất nước như Tết Nguyên đán, Tết Độc lập nhằm nhắc lại cho con cháu trang sử hào hùng, khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Tại cộng hòa Séc, các chị em phụ nữ đã và đang xây dựng một cộng đồng vững mạnh, nuôi dạy các thế hệ Việt Nam trên đất Séc hội nhập thành công mà vẫn không nhạt mờ dòng máu dân tộc Việt, dù còn lắm nỗi khó khăn. Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc, chia sẻ: “Có những bà mẹ mỗi tuần phải chở con đi học cả trăm km để học một buổi tiếng Việt, để tham gia một Tết Trung thu hoặc lễ Vu Lan. Gia đình phải dành dụm tiền để mỗi mùa hè các con được về sống và học thêm tiếng Việt với ông bà, chú bác ở trong nước”. 

Bà Lương Thị Gia Hòa, Việt kiều ở Mỹ thì tự hào sống ở nước ngoài 40 năm nhưng bà luôn hướng về quê hương và có những hoạt động giúp đỡ quê nhà thông qua Hội hữu nghị Hoa Kỳ - Việt Nam: “Tổ chức của chúng tôi trong 20 năm, đã có hơn 1000 tình nguyện viên đến Việt Nam và các nước lân cận để làm việc và giúp đỡ Việt Nam. Hội tổ chức dạy tiếng Anh, tài trợ thuốc và phẫu thuật cho người nghèo”.

Từ những bữa cơm Việt Nam tại gia đình, tà áo dài dân tộc trong những ngày lễ, từ những món quà, đồng tiền quyên góp gửi về từ thiện trong nước đều thể hiện tấm lòng của người con Việt xa xứ luôn nhớ tới quê hương. Phụ nữ Việt Nam tại nước ngoài luôn đi đầu trong việc giữ gìn truyền thống của tổ tiên, giữ bản sắc văn hóa dân tộc bằng những hành động cụ thể như thế.

Feedback