Phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam: những tín hiệu khởi sắc

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Các Bộ, ngành cũng như cơ sở giáo dục cần tính đến một kế hoạch dài hơi hơn, với việc đào tạo giảng viên nguồn.

Nghe âm thanh tại đây:

Trong nhiều năm qua, tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người Việt ở Hoa Kỳ đã tham gia vào nhiều hoạt động góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành tâm lý học đường ở Việt Nam, với việc tổ chức nhiều hội thảo quốc tế cũng như những chương trình giảng dạy chuyên biệt trong ngành tâm lý ở Việt Nam, ra mắt sách về tâm lý trẻ em vv…

Phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam: những tín hiệu khởi sắc - ảnh 1Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cùng các em nhỏ tham dự trại hè trong Chương trình Học bổng do Quỹ Vòng tay Thái Bình tổ chức hàng năm dành cho ọc sinh nghèo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sát biên giới Campuchia. -Ảnh: FB nhân vật

Nhóm lửa đam mê

Những buổi giảng dạy, nói chuyện của tiến sĩ Lê Nguyên Phương tại các cơ sở giáo dục trong cả nước, thường số khán thính giả trẻ tuổi tham gia rất đông đảo. Một tư vấn viên trẻ, bạn Đặng Thị Ngân Hà, khi tham gia buổi nói chuyện của tiến sĩ Lê Nguyên Phương về cách dạy con, đã nói: “Với sự chia sẻ của tiến sĩ cũng như những người tham gia thì em cảm thấy anh ấy rất tâm huyết. Và kể cả những người tham gia ở đây cũng thế, họ có một mong mỏi được học hỏi, được lĩnh hội nhiều kiến thức mới. Em cảm thấy rất cảm kích”

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết, chục gần chục năm trời đi về để vận động xây dựng ngành tâm lý học đường ở Việt Nam, mà điểm xuất phát là hội thảo tâm lý học đường quốc tế đầu tiên tổ chức tại Hà Nội năm 2009, cho tới năm 2010 khi tổ chức đầu tiên là Liên hiệp phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam ra đời, ông nhận thấy có nhiều tín hiệu đang mừng trong việc công chúng cũng như nhà nước quan tâm hơn đến ngành này: “Chúng tôi thường xuyên phân tích tình hình, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của môi trường chúng tôi làm việc, cũng như khả năng của chúng tôi. Có một điều là tất cả anh em trong và ngoài nước đều có nhiệt tình và muốn đưa ngành tâm lý học đường vào Việt Nam trong mặt bằng chung là sự phát triển của ngành tâm lý nói chung tại Việt Nam. Trong thời gian qua chúng tôi thấy những sinh hoạt về mặt giáo dục tâm lý có phát triển ở Việt Nam.  Một điều nữa là tuổi trẻ cũng rất quan tâm, ham thích, có điều kiện để vào ngành tâm lý này. Có thể có những hiện tượng còn chưa chuẩn xác, chẳng hạn các em vẫn còn nghĩ là vào ngành tâm lý để lên radio, lên TV làm khách mời để nói về những vấn đề tâm lý và giáo dục. Nhưng ngược lại suy nghĩ đó không hẳn là tiêu cực mà mở rộng ra cho mọi người thấy là ngành tâm lý có rất nhiều lĩnh vực áp dụng.”

Giáo sư tâm lý học đường Carriere Jeane Anne, hiện giảng dạy tại trường Đại học Chapman Hoa Kỳ, trước đây từng là chuyên gia tâm lý học đường tại Sở giáo dục thành phố Loong Beach, cho biết, bà cũng như những đồng nghiệp khác, đã rất vui khi được tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam, giúp đỡ cho giáo viên cũng như trẻ em Việt Nam, từ ảnh hưởng của tiến sĩ Lê Nguyên Phương. Bà nói: “Lần đầu tiên tôi biết đến Việt Nam là khi tôi ghé thăm đất nước này vào năm 2000, và tôi ngay lập tức yêu mến Việt Nam vì đất nước rất xinh đẹp, con người đáng yêu và đồ ăn rất ngon. Sau đó, tôi làm việc với tiến sĩ Lê Nguyên Phương trong một dự án. Cùng nói chuyện, tôi kể về sự yêu mến đất nước Việt Nam. Tình cờ, tiến sĩ Lê Nguyên Phương chia sẻ việc xây dựng một đề án về việc phát triển ngành tâm lý học chuyên nghiệp tại Việt Nam,. Và tôi rất vinh dự được hỗ trợ anh ấy trong dự án này.”

Những chuyển động thực chất 

Sau Hội thảo tâm lý học đường quốc tế lần thứ 5 tổ chức tại Đà Nẵng năm 2016, Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế CASP-I (mà tiến sĩ Lê Nguyên Phương là nguyên chủ tịch), đã có dịp làm việc với các tổ chức phi chính phủ và tiến hành thảo luận về những phương án có thể thực hiện. Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết, hiện các thành viên của Liên hiệp đang chuẩn bị cho kỳ Hội thảo tâm lý học đường quốc tế lần thứ 6 tại TP HCM dự kiến vào tháng 7/2018.

Phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam: những tín hiệu khởi sắc - ảnh 2Tiến sĩ Lê Nguyên Phương và các thành viên Ban tổ chức Hội thảo quốc tế tâm lý học đường lần thứ 5 tại Đà Nẵng năm 2016 - Ảnh: ĐHSPĐN 

Điều quan trọng, là trong các trường đại học từng bước một, đã có những bước hiện thực hóa cho sự phát triển ngành tâm lý học đường: “Trong những chương trình hợp tác giữa các thành viên CASP-I tại Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, có chương trình đào tạo tâm lý học đường cấp thạc sĩ đang được triển khai và dự định sẽ tuyển sinh ở ĐH Giáo dục; chúng tôi cũng đang làm việc với ĐHSP Hà Nội. để xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ tâm lý học đường. Chương trình của ĐHSP Đà Nẵng có tham khảo với CASP-I để chuẩn bị tuyển sinh, thì mùa xuân vừa qua chúng tôi đã nhận thông tin là được Bộ Giáo dục Đào tạo chấp thuận. Trong quá trinh hoạt động, tư vấn của CASP-I, tùy theo nhu cầu và tình hình thực tế của các trường, có những trường chỉ tham khảo chương trình mẫu do CASP-I đề ra và xây dựng chương trình của mình, như trường hợp của ĐHSP Đà Nẵng.  Riêng Đại học Giáo dục, khi soạn thảo, họ đưa 1 khung chương trình và bên CASP-I cũng đưa ra 1 khung chương trình. Hai bên so sánh, trao đổi lẫn nhau, mang tính chất thuyết phục, chứng minh một số học trình có tính chất quan trọng và phù hợp với tình hình địa phương hoặc tình hình của ban giảng huấn địa phương. Riêng ĐHSP Hà Nội, chúng tôi đang làm việc với PGSTS Trần Lệ Thu, Trưởng bộ môn tâm lý ĐHSP. Và bên đó dự định sẽ tuyển sinh mùa thu năm 2018.”

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết, thực sự cho tới nay mọi hoạt động của CASP-I vẫn là thiện nguyện, miễn phí, và tôn trọng sự tự chủ của mỗi thành viên tại Việt Nam, nên từ đó chương trình giảng dạy khi thực hiện tại Việt Nam bước đầu có thể xem như không thống nhất ở chỗ tùy mỗi trường đại học có nhu cầu và tình hình giảng viên như thế nào: “Chẳng hạn có những chương trình mà không thể có giảng viên, thì có thể những năm đầu tiên họ sẽ không mở những học phần đó. Tới khi đào tạo được giảng viên có trình độ giảng dạy học phần đó thì họ mới đưa vào chương trình chẳng hạn. Nhu cầu đó rất lớn. Tôi thấy hầu hết các đại học mà CASP-I  có dịp cộng tác ở VN là tùy theo tình hình thực tế của giảng viên, bắt buộc phải tạo điều kiện cho những giảng viên đang giảng dạy những bộ môn khác cũng có điều kiện tham gia vào chương trình mới.”

Theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương, với tình hình thực tiễn như vậy, trong tương lai vấn đề đào tạo giảng viên nguồn tại Việt Nam rất quan trọng. Và điều đó, các Bộ, ngành cũng như cơ sở giáo dục phải tính đến một kế hoạch dài hơi hơn, bởi công việc đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn hơn việc chỉ hoàn thiện một chương trình trên giấy tờ.

Feedback