(VOV5) - Sau 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và bước vào giai đoạn phát triển mới với những thời cơ, thách thức đan xen. Để hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Đảng và Nhà nước chủ trương phát huy cao độ nguồn lực bên trong, đồng thời ra sức huy động nguồn lực quan trọng bên ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước. Trong bối cảnh đó, làm tốt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài đứng trong khối đại đoàn kết dân tộc, sẽ góp phần phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Câu thơ giản dị đúc kết chân lý của nhà thơ Thanh Tịnh cho thấy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, cũng như tầm quan trọng của việc huy động sức mạnh tổng lực từ Nhân dân. Điều này đã được minh chứng qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước bi tráng và đầy tự hào của dân tộc. Chính lòng yêu nước nồng nàn và truyền thống đoàn kết quý báu đã kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt qua mọi chông gai, thác ghềnh lịch sử, chiến đấu và chiến thắng, để có được cơ đồ như ngày hôm nay.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành đường lối chiến lược, cũng là nguồn động lực giúp chúng ta hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045 như Ðại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển đất nước
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy, là cầu nối cho bà con kiều bào sinh sống xa Tổ quốc thêm gắn bó với quê hương, cùng nhân dân trong nước xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh, tự do và hạnh phúc. |
“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”, “thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”. Những quan điểm này được thể hiện xuyên suốt, nhất quán qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Kế thừa các Nghị quyết 36-NQ/TW (ngày 26/3/2004), Chỉ thị số 45-CT/TW (ngày 19/5/2015), ngày 12/8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 12-KL/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (sau đây gọi là Kết luận 12). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận 12 là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc”, từ đó “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước nhằm tạo những bước tiến lớn trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, trong đó nổi bật là công tác đại đoàn kết và thu hút nguồn lực. Các nội dung trọng tâm của công tác người Việt Nam ở nước ngoài bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến kiều bào, vận động kiều bào và hỗ trợ kiều bào đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả, mang lại những chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng. Đồng bào ta ở nước ngoài ngày càng hướng về quê hương và là nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Niềm tin, niềm tự hào dân tộc trong mỗi kiều bào được củng cố và tăng cường. Ngày càng có nhiều kiều bào, kể cả những bà con trước đây còn định kiến, đã công khai bày tỏ ủng hộ đất nước.
Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; cộng đồng đang có thay đổi tích cực về chất, nhất là về tiềm lực kinh tế và chất xám.
Về kinh tế, nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới. Về chính trị, một số nhân vật gốc Việt đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau, và gần đây nhiều người ở độ tuổi rất trẻ. Vai trò của các chính trị gia, nhà quản lý, lãnh đạo gốc Việt tại một số nước như Mỹ, Úc, Pháp… ngày càng được khẳng định. Về tri thức, ước tính có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài; nhiều người trong đó có trình độ, năng lực cao, có uy tín trong giới khoa học quốc tế. Ngoài ra, một thế hệ trí thức gốc Việt trẻ tài năng đang hình thành và phát triển ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, điện tử, viễn thông, vật liệu mới, chế tạo máy, tự động hoá, sinh học…
Đáng chú ý, số lượng sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài ngày càng tăng, lên đến 170.000, nhiều người trong số đó đã ở lại làm việc cho các tập đoàn, công ty lớn của thế giới. Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, nhiều người mong muốn trở về nước để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn và đóng góp cho quê hương nguồn cội. Số du học sinh này cùng thế hệ kiều bào trẻ thứ 2, thứ 3 được đào tạo bài bản ở các nước phát triển với tư duy mới, được tiếp cận với công nghệ, thông tin hiện đại, đang tạo ra những thay đổi tích cực trong cách nhìn và quan hệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều kiều bào hướng về quê hương, mong muốn góp sức để xây dựng đất nước. Hệ thống mạng lưới chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào tăng lên về số lượng, có khoảng 80 hội doanh nhân, chuyên gia, trí thức kiều bào đã triển khai tích cực những hoạt động kết nối với trong nước. Các chuyên gia, trí thức kiều bào đã hưởng ứng và tham gia vào các hoạt động, sự kiện, chương trình do các bộ, ngành khởi xướng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho sự phát triển của đất nước.
Các doanh nghiệp kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh dẫn dắt trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về đầu tư trực tiếp, có khoảng 360 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài thành lập hoặc góp vốn đầu tư tại Việt Nam với số vốn khoảng 1,6 tỷ USD, chủ yếu từ các nước Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, Séc, Nhật Bản, Ba Lan… Đầu tư của kiều bào với tư cách là người Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, thương mại, du lịch, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghệ phần mềm…, cũng góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển giao công nghệ trong nước. Khu vực tư nhân bắt đầu đề ra những chính sách hiệu quả để thu hút chất xám của kiều bào như GS. Vũ Hà Văn (kiều bào tại Mỹ) được Tập đoàn Vingroup mời về nước làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của Tập đoàn hay Cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures tại Việt Nam…
Trong 5 năm (2016-2020), tổng kiều hối về nước đạt hơn 71 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 6% hàng năm. Trong bối cảnh các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, lượng kiều hối của Việt Nam trong năm 2021 vẫn tăng và ước tính ở mức 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng Thế giới), tương đương gần 5% tổng thu nhập quốc gia.
Bên cạnh những đóng góp kể trên, những khi đất nước gặp khó khăn, đồng bào ta ở nước ngoài luôn sát cánh, hướng về Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực. Bà con luôn hưởng ứng tích cực, tham gia ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nạn nhân chất độc da cam dioxin, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước hàng trăm tỷ đồng cùng vật tư, vật phẩm y tế các loại... Nhiều chuyên gia kiều bào đã và đang đóng góp nhiều sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, góp phần tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Kiều bào cũng tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông, quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hàng tỷ đồng ủng hộ Trường Sa và Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”; qua đó góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hoà bình, ổn định và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng ta ở nước ngoài và những đóng góp tích cực, tham gia sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của bà con kiều bào vào sự phát triển của quê hương, đất nước là minh chứng cụ thể nhất về hiệu quả của công tác người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như tính đúng đắn về chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài, của công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, coi người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung…; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tiếp nhận bảng trượng trưng số tiền ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam tại Bờ tây nước Mỹ. Ảnh: TTXVN |
Đại hội Đảng lần thứ XIII thành công tốt đẹp, đã mở ra một giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn lao - đó là xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Đảng ta đưa ra một tầm nhìn rõ ràng, một lộ trình xuyên suốt từ nay cho tới 100 năm Ngày Lập quốc, đồng thời đề ra các định hướng, chủ trương, giải pháp lớn và nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, thời gian tới, để khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cần phải được triển khai “toàn diện và mạnh mẽ” hơn nữa theo tinh thần của Kết luận 12, tập trung vào những nhóm giải pháp sau:
Một là, quán triệt nghiêm túc, hiệu quả Kết luận 12 để các cấp từ lãnh đạo đến cán bộ địa phương nhận thức sâu sắc và đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò của nguồn lực kiều bào đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, bao gồm cả nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”.
Hai là, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với người Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức các hoạt động kết nối kiều bào với địa phương, gắn với những sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước và những dịp lễ lớn của dân tộc. Chú trọng tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn dành cho thế hệ kiều bào trẻ để thanh niên kiều bào hiểu hơn về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, qua đó nuôi dưỡng, tăng cường tình cảm gắn bó với quê hương; đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Phối hợp với các cơ quan trung ương trong việc vận động những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng và sở tại hướng về đất nước, kiên trì vận động những cá nhân còn định kiến; tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử, hậu quả chiến tranh để lại liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác thông tin đối ngoại cho người Việt Nam ở nước ngoài, cần chú trọng nhanh chóng thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình đất nước, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc. Về phương thức, cách làm cũng cần chủ động, đổi mới để nhanh hơn, đa dạng hơn và hiệu quả hơn, trong đó phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại và truyền thông cộng đồng, tạo điều kiện để kiều bào “mắt thấy tai nghe” và sử dụng chính ngòi bút của mình, đưa ra những phản ánh khách quan về tình hình đất nước.
Ba là, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát việc thực thi các văn bản pháp luật, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của kiều bào, từ đó kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung và xây dựng chính sách mới liên quan đến doanh nhân, trí thức, chuyên gia kiều bào. Cần phải nghiêm túc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, cần một bộ phận có đủ thẩm quyền tại địa phương để hỗ trợ, phản hồi với những đóng góp của kiều bào đối với sự phát triển địa phương, bao gồm cả việc hỗ trợ kiều bào làm ăn, sinh sống, đầu tư, kinh doanh và việc phúc đáp các kiến nghị, sáng kiến của kiều bào.
Bốn là, tăng cường các biện pháp kết nối và tạo động lực để doanh nhân, trí thức đóng góp cho đất nước, thông qua các hoạt động đa dạng. Khuyến khích thành lập và hỗ trợ nâng cao vị thế của các mạng lưới, hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp theo chuyên ngành, hiệp hội trí thức ở sở tại. Tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội thảo, kết nối kiều bào với trong nước và ngược lại. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng, môi trường làm việc thuận lợi, linh hoạt. Tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội của đất nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng lưới kết nối doanh nhân, trí thức kiều bào.
Năm là, có biện pháp tổng thể và tăng cường cơ chế phối hợp giữa trung ương với địa phương trong thời gian tới. Tăng cường vai trò và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp, chương trình, dự án hợp tác để tạo điều kiện thu hút nguồn lực kiều bào đóng góp cho đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, công tác người Việt Nam ở nước ngoài tới đây càng cần tương tác, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các lĩnh vực công tác khác, nhằm mục tiêu xây dựng một cộng đồng phồn thịnh và vững mạnh, là nguồn lực quan trọng đóng góp tích cực cho quê hương Việt Nam.
Phạm Quang Hiệu