Những đóa hoa đẹp của kiều bào tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Đại diện cho hàng nghìn kiều bào trên thế giới, 16 đại biểu kiều bào từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là những bông hoa đẹp về các thành tích trong công tác cộng đồng, gắn kết, giúp đỡ bà con kiều bào cùng vượt qua khó khăn, gây dựng cộng đồng người Việt ở nước ngoài đoàn kết, phát triển.


(VOV5) - Đại diện cho hàng nghìn kiều bào trên thế giới, 16 đại biểu kiều bào từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là những bông hoa đẹp về các thành tích trong công tác cộng đồng, gắn kết, giúp đỡ bà con kiều bào cùng vượt qua khó khăn, gây dựng cộng đồng người Việt ở nước ngoài đoàn kết, phát triển.


Những đóa hoa đẹp của kiều bào tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX - ảnh 1
Đoàn kiều bào chụp ảnh cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.


Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Đoàn kết, xây dựng cộng đồng vững mạnh là mong mỏi của đa số những kiều bào có tâm huyết khi sống xa quê hương. Làm công tác hội nhiều năm, ông Lê Thiết Hùng được bà con người Việt tại Ba Lan đánh giá là người có nhiều công sức đóng góp cho cộng đồng. Ông không nề hà một việc gì từ việc tuyên truyền về luật pháp nước sở tại, giúp đỡ bà con sinh sống, làm ăn buôn bán được thuận lợi, tới việc là chiếc cầu nối của cộng đồng với các cơ quan chính quyền của Ba Lan. Hiện đang là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan “Ðoàn kết và Hữu nghị”, ông Lê Thiết Hùng tâm sự: được cộng đồng người Việt ở Ba Lan tin tưởng, tôi sẽ luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà bà con trong cộng đồng giao cho.


Những đóa hoa đẹp của kiều bào tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX - ảnh 2
Ông Lê Thiết Hùng, kiều bào tại Ba Lan, phát biểu tại buổi gặp mặt với lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai trong chuyến về nước dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần này .


Nói đến sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng không thể không nhắc tới Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Hiện nay hội có gần 50 chi hội cơ sở đang hoạt động khá hiệu quả. Các hội đoàn được tổ chức một cách bài bản, chặt chẽ đã góp phần quan trọng trong việc giúp các thành viên trong hội ổn định cuộc sống, hội nhậu sâu vào nước sở tại. Đặc biệt, chính phủ Cộng hòa Séc đã công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số của nước này. Ông Giang Thành, Phó Chủ tịch Hội  cho biết: "Tôi rất vinh dự được đại diện cho bà con kiều bào tại Cộng hòa Séc về tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. Bản thân tôi đã tham gia công tác cộng đồng gần 20 năm. Thành tích đóng góp của tôi cho cộng đồng chưa được nhiều nhưng tôi cũng vui mừng khi đã đóng góp vào việc vận động để cộng đồng người Việt Nam tại  Séc được chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14".


Những đóa hoa đẹp của kiều bào tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX - ảnh 3
Ông Giang Thành, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc (bìa phải)


Bên cạnh những hội đoàn có bề dày nhiều năm hoạt động tại châu Âu, thì đây đó vẫn còn những người Việt dù sinh sống ở nước ngoài nhưng chưa thực sự quy tụ trong bất kỳ một hội chính thức nào do người Việt tổ chức. Đó là tình trạng ở Malaysia ba năm trước đây. Trăn trở về điều này đã lâu, nhân được về Đà Lạt, dự Hội nghị lãnh đạo các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài vào năm 2012, bà Trần Thị Chang đã có nhiều cơ hội tiếp xúc và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều lãnh đạo các hội, đoàn. Bằng sự nỗ lực của mình, bà đã kêu gọi và thành lập được Ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia vào năm 2013. Ba Chang cho biết, đến nay, ban liên lạc đã đi vào hoạt động tương đối ổn định: “Qua quá trình vận động không phải là đơn giản vì Malaysia đất nước rộng, người Việt Nam ở rải rác ở nhiều nơi nhưng với tôi, vì tâm huyết và nguyện vọng muốn ấp ủ thành lập một cộng đồng ở đó nên tôi cũng không quản ngại khó khăn và đã vận động và thành lập được ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia. Chúng tôi đã có nhiều hoạt động hướng về đất nước, giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn ở Malaysia”.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một bài toán khó nhất là đối với các thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Ông Phan Quốc Lợi là một thế hệ thứ 2 gốc Việt ở Thái Lan nên ông sớm hiểu được điều này từ khi còn học phổ thông. Do vậy, ông đã từ bỏ cơ ngơi là xưởng gara sửa chữa ô tô vào loại lớn ở Thái Lan, cơ nghiệp ông đã gây dựng trong bao năm để toàn tâm toàn ý dành thời gian cho việc dạy chữ Việt cho thế hệ trẻ. Từ chỗ tiếng Việt không được sử dụng tại Thái Lan thì nay có 45 trường phổ thông trung học đã dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ thứ hai trên toàn nước Thái. Công lao đó có sự đóng góp thầm lặng mà hiệu quả của ông Phan Quốc Lợi, Tổng thư ký Tổng hội người Việt Nam tại Thái Lan.

Không chỉ đau đáu với con chữ tiếng mẹ đẻ, những hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng được bà con kiều bào đặc biệt quan tâm nhằm giữ gìn, duy trì và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc tại nước sở tại. Từ nhiều năm nay, Ngày văn hóa Việt Nam đã được tổ chức sôi nổi tại nhiều châu lục trên thế giới, tạo dấu ấn tốt về hình ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Chị Nguyễn Thị Bích Yến, một thành viên tích cực trong hoạt động báo chí của người Việt tại Cộng hòa Áo, cho biết: "Hiện nay tôi đóng vai trò là nhà báo Việt Nam tại Áo. Tôi được cấp thẻ quốc tế làm trong tất cả các sự kiện quốc tế tại Áo. Tôi đã tham gia hoạt động truyền thông trong hoạt động Ngày Việt Nam tại Cộng hòa Áo. Sự kiện này đã thu hút giới truyền thông trong nước và quốc tế  với gần 100 bài báo kể cả bài báo khoa học, phóng sự".

Hầu hết các hoạt động khác của cộng đồng người Việt ở Cộng hòa Áo như tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật truyền thống nhân dịp ngày lễ, ngày tết của Việt Nam, các phong trào hướng về Tổ quốc, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam… chị Yến cũng thường xuyên tham gia và có nhiều bài báo phản ánh kịp thời, qua đó đã kết nối tình yêu của kiều bào Áo đối với Tổ quốc.


Những đóa hoa đẹp của kiều bào tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX - ảnh 4
Chị Nguyễn Thị Bích Yến (bìa trái) trong chuyến thăm Sapa mới đây.


Dự đại hội thi đua yêu nước lần này còn có nhiều tấm gương kiều bào tiêu biểu khác. Đó là ông Khăm Hùng, Phó Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào, không chỉ làm tốt vai trò gắn kết cộng đồng mà còn tham gia tích cực trong công tác từ thiện, giúp đỡ những người Việt Nam kém may mắn trong cuộc sống tại Lào. Hoặc với trưởng ban liên lạc Việt kiều tại Nepal, trong những ngày động đất kinh hoàng ở Nepal, chị Võ Thị Kim Cương đã giúp đỡ nhiều người Việt Nam và người dân sở tại bị nạn như phát các suất cơm miễn phí, nhu yếu phẩm cho người dân, giúp các nạn nhân liên hệ được với gia đình; giúp 20 người Việt  mắc kẹt ở Nepal đến nhà mình tá túc trong thời gian chờ đợi sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, để về nước.

Đây chỉ là một vài ví dụ về những kiều bào về dự đại hội có những việc làm tâm huyết, đầy tình nhân ái đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những việc làm của họ xuất phát từ tấm lòng, nghĩa cử muốn giúp đỡ đồng bào mình trên đất khách đồng thời mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển vững mạnh, hội nhập cùng thế giới.

Feedback