Nhà khoa học xa xứ luôn gắn bó với quê hương

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng vẫn thường xuyên có mặt ở Việt nam và  phối hợp với các nhà khoa học trong nước triển khai những dự án trên lĩnh vực y học.

Sang học cao học ở Hàn Quốc, giành học bổng và làm tiến sĩ ở Vương quốc Anh, sau đó sang Mỹ,  trở thành giáo sư, giảng viên của trường Đại học Nam lorida, sau 2 năm rưỡi là con đường mà giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng đã đi qua. Ở Hoa Kỳ 15 năm, nhưng giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng vẫn thường xuyên có mặt ở Việt nam và  phối hợp với các nhà khoa học trong nước triển khai những dự án trên lĩnh vực y học, đào tạo cho những nhà khoa học trẻ… Những chia sẻ của giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng sẽ giúp quý thính giả  hiểu về đóng góp  cho đất nước của một người Việt ở nước ngoài.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 
Hướng nghiên cứu điều trị ung thư bằng công nghệ nano đã được nhóm nghiên cứu của giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng, trường đại học Nam Florida theo đuổi. Phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam, nhóm các nhà khoa học tại Mỹ đã tìm ra việc sử dụng sức nóng của vật liệu để tiêu diệt các tế bào ung thư nói riêng và một số loại bệnh nói chung. Giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng chia sẻ:“Có thể đốt nóng lên của từ trường xoay chiều để tiêu diệt các tế bào ung thư mà không gây ảnh hưởng tới các tế bào thường. Đấy là một trong những hướng nghiên cứu nhóm của tôi phối hợp với nhóm của giáo sư Nguyễn Xuân Phúc. Ông nguyên là viện trưởng viện khoa học vật liệu thuộc Viện hàn lâm khoa học VN. Nhóm của giáo sư Phúc nghiên cứu ung thư dựa trên nhiễm từ nano. Nhóm của tôi và giáo sư Phúc đã nghiên cứu hơn chục năm. Giờ giáo sư Phúc đã nghỉ thì giáo sư Mạnh, ở Viện khoa học vật liệu lại tiếp tục. Rất nhiều công trình uy tín, trích dẫn cao, có hạt từ tính nano, có tiềm năng điều trị ung thư”.    
Nhà khoa học xa xứ luôn gắn bó với quê hương - ảnh 1Giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng tại phòng thu của VOV

Những thiết bị cảm biến từ cũng được nhóm các nhà khoa học do giáo sư Phan Mạnh Hưởng, nghiên cứu để lắp đặt trong các bộ nhớ, máy tính, la bàn, điện thoại thông minh thế hệ mới, vật liệu từ ứng dụng trong máy biến thế… Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, nhóm các nhà khoa học cũng đã phát triển công nghệ thiết bị cảm biến từ và hiện nay, được chuyển giao về Việt Nam, ứng dụng tại bệnh viện trong nước:“Cảm biến từ sử dụng tính chất của một cảm biến để bắt được sự thay đổi của phổ thở của bệnh nhân COVID. Khi đó, chúng tôi có patern ở Mỹ và chuyển giao công nghệ về Việt Nam. Qua đó, có thể kiểm tra sức khỏe không chỉ bệnh nhân COVID mà những bệnh nhân phổi và tĩnh mạch ở  Bệnh viện y dược TPHCM. Khoa học không chỉ dừng lại ở vấn đề công nghệ mà còn là khoa học công nghệ số, đưa trí tuệ nhân tạo và máy tính học vào để tạo bước đột phá.  Bên cạnh hoạt động  ở nước ngoài, chúng tôi phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam để giải quyết vấn đề chung này”.

Thành công của việc triển khai công nghệ về Việt Nam cũng như hoàn thành phần một Dự án nghiên cứu phát hiện bệnh nhân COVID và tim mạch, giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng và các nhà khoa học ở trong nước đã có sự phối hợp thực hiện, không chỉ giải quyết vấn đề trong lĩnh vực y học mà còn là tăng cường và phát triển hợp tác song phương. Giáo sư  Phan Mạnh Hưởng cho biết:“Dự án phát triển công nghệ cảm biến phát hiện dấu hiệu của người măc COVID hoặc có tiền sử về lao phổi, tim mạch. Tôi cũng kết hợp một dự án trọng điểm của nhà nước với giáo sư Vũ Đình Lãm, viện Vật liệu Viện hàn lâm khoa học Việt Nam và giáo sư Lê Anh Tuấn, Trường Đại học bách khoa Hà Nội, nay là  Feneka. Chúng tôi làm hướng nghiên cứu đẩy mạnh phát triển quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt Nam trên phương diện công nghệ và chuyển giao công nghệ. Chúng tôi đã  hoàn thành chuyển giao công nghệ và hoàn thành xuất sắc giai đoạn 1 của Dự án”.

Nhà khoa học xa xứ luôn gắn bó với quê hương - ảnh 2Lễ trao bằng tiến sĩ danh dự cho giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng tại Đại học quốc gia Hà Nội. Ảnh: FB nhân vật

Làm việc với các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng hy vọng, tiếp tục có sự hợp tác triển khai dự án ở trong nước, đồng thời hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp:“Đến gần nhất với mọi người là điều chúng tôi phải giải quyết, Tôi may mắn làm việc với nhiều nhóm nghiên cứu tại VN. Một mô hình tôi muốn đề cập là của vingroup. Vingroup có chương trình hỗ trợ cho các nhà khoa học Việt Nam  về các nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu úng dụng. Một trong những tiêu chí những nghiên cứu tiệm cận ứng dụng. Mô hình start-up rất sôi nổi. Nhiều bạn trẻ đào tạo ở Mỹ, thành danh ở Mỹ cũng về Việt Nam khởi nghiệp và giúp cho các bạn trẻ  có kinh nghiệm khởi nghiệp”.

Năm 2016, giáo sư tiến sĩ  Phan Mạnh Hưởng được mời làm trưởng ban biên tập xây dựng một tạp chí quốc tế ở Việt Nam.  Sau 4 năm hoạt động, tạp chí vào hệ thống chuẩn của thế giới về khoa học vật liệu. Với những đóng góp đó, năm 2018, giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng được Trường Đại học quốc gia Hà Nội trao kỷ niệm chương. Năm 2022, Đại học quốc gia Hà Nội trao cho ông bằng tiến sĩ danh dự. Ông cũng được nhận rất nhiều bằng khen ở trong nước. Còn Giáo sư tiến sĩ Phan Mạnh Hưởng luôn suy nghĩ: làm khoa học không phải ở Mỹ hay Việt Nam mà khoa học đối với ông, là trên toàn cầu.

Feedback