Với khoảng 80 người, bao gồm cả du học sinh, cộng đồng người Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những tập thể được coi có số lượng ít hơn so với những cộng đồng người Việt khác đang sinh sống ở nước ngoài. Đời sống của kiều bào ở đây hiện khá ổn định và sung túc. Tuy nhỏ, nhưng cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ luôn đoàn kết, gắn bó và cùng hướng về quê hương. PV Đài TNVN trò chuyện với anh Đoàn Thế Hợp - một trong những người Việt đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ lập nghiệp, nghe anh nói về cuộc sống người Việt ở đây.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Chào anh Đoàn Thế Hợp! cơ duyên nào đưa anh đến thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để rồi quyết định gắn bó lâu dài với nơi đây?
Anh Đoàn Thế Hợp: Trước khi sang định cư Thổ Nhĩ Kỳ, tôi có nhiều năm làm ăn và sinh sống tại CH Séc và từng có nhiều đối tác người Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây hơn 20 năm, sau lần bị tai nạn, chúng tôi tạm dừng công việc làm ăn và đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Sang đó, vợ chồng tôi nhận thấy ở đây có tiềm năng, cơ hội phù hợp với công việc của mình. Đặc biệt, ở Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều nét văn hóa tương với người Việt mình. Vì thế, chúng tôi quyết định chuyển hướng sang định cư tại Istanbul. Nhận thấy việc kinh doanh hàng thổ cẩm, dệt may tại Thổ Nhĩ Kỳ rất phát triển và có những điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ. tôi đã dốc tiền đầu tư để mở xưởng sản xuất đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi mới sang, vợ chồng tôi mở xưởng may sau đó xưởng dệt rồi dệt may khép kín. Xưởng lúc đầu ở quy mô nhỏ khoảng 50, 60 người nay 200 người. Nói chung thu nhập khá ổn định.
Sự kiện Ngày văn hóa Việt nam tại Thổ Nhĩ Kỳ nhân 40 năm thành lập quan hệ hai nước. Ảnh Jack Bùi |
PV: Nhớ lại, những khó khăn gi mà anh chị đã vượt qua được để thích nghi, hòa nhập với cuộc sống mới ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Anh Đoàn Thế Hợp: Đúng vậy, làm việc gì cũng thế, ban đầu có rất nhiều khó khăn. Với chúng tôi, khó khăn đầu tiên liên quan đến tôn giáo. Khi sống ở châu Âu, vấn đề tín ngưỡng tự do hơn. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, người dân phần lớn theo đạo Hồi nên họ có nhiều quy định rất khắc nghiệt. Thứ hai,về đồ ăn thức uống, bên này họ hay ăn đồ nướng, mình lại thích đồ xào, canh. Một điều nữa, người Thổ Nhĩ Kỳ không ăn thịt lợn, trong khi nó lại là món ăn quen thuộc của mình. Sự bất đồng ngôn ngữ mới là rào cản lớn nhất. Khi mới sang, chúng tôi không biết tý nào tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nên mọi việc đều rất khó khăn. Vì thế để có cuộc sống tốt hơn, bắt buộc chúng tôi phải học từ đầu tiếng bản địa, chứ làm việc mà thông qua phiên dịch thì rất phức tạp.
PV: Như anh vừa chia sẻ, gia đình anh là người Việt đầu tiên đến Thổ Nhĩ Kỳ lập nghiệp. Hơn 20 năm qua, có thêm nhiều người Việt sang đây sinh sống. Xin anh cho biết cuộc sống hiện nay của cộng đồng người Việt mình tại Thổ Nhĩ Kỳ?
Anh Đoàn Thế Hợp: Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất ít, chỉ chừng khoảng 80 người. Hơn một nửa trong số đó là là các chị lấy chồng Thổ Nhĩ Kỳ, một phần đông khác là những sinh viên đang theo học tại Thổ Nhĩ Kỳ. Gia đình thuần Việt thì chỉ có 2 gia đình trong đó có nhà tôi. Do là cộng đồng rất nhỏ, nên chúng tôi quen biết nhau hết. Mỗi lần, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức sự kiện gì chúng tôi tụ tập tham gia đông đủ.
Cuộc sống gia đình của những cô lấy chồng Thổ Nhĩ Kỳ hiện rất ổn, bởi phần lớn các chị quen rồi kết hôn những người làm về ngoại giao, các công ty đa quôc gia, nói chung là có học thức, thu nhập tốt. Vì thế, các cô dâu Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn có cuộc sống khá sung túc.
Các cháu sinh viên có học bổng, chăm chỉ học hành và chi tiêu tiết kiệm nên không có vấn đề gì. Đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ đăc biệt thích phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó. Cho nên, dù sống ở đất nước đạo Hồi, nhưng theo các ông chồng các chị có tư tưởng hiện đại, yêu thương tôn trọng vợ. Có 2 gia đình thuần Việt như chúng tôi kinh doanh, vất vả hơn nhưng may mắn luôn đủ ăn đủ tiều, hàng năm vẫn có tiền về Việt Nam thăm quê và tham gia chương trình.
Cộng đồng người Việt đón mừng Tết Kỷ Hợi 2019 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ- Ảnh nhân vật cung cấp |
PV: Tôi được biết là người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa có hoạt động Hội chính thức. Vậy thưa anh, đâu là lý do mà người Việt mình ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa thành lập được Hội?
Anh Đoàn Thế Hợp: Vì Cadacxtan là một trong những nước CH cũ của Liên Xô trước đây, trước đó có rất nhiều người Việt sang làm ăn và sinh sống. Do đó họ đã có một nền móng của những Hội cũ. Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ những năm 2006, 2007, mới có những sinh viên Việt Nam đầu tiên sang học. Những năm 1997, 1998 trước đó, khi tôi mới sang thì gần như không có mấy người Việt. Hồi đó tôi biết mới chỉ có một chị lấy chồng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sau này sang Mỹ định cư. Số lượng quá ít nên theo tiêu chí thành lập Hội chúng tôi chưa đủ.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, tôi thường được mời về Việt Nam để tham gia các sự kiện do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức, như để đóng góp sự hiện diện của cộng đồng kiều bào tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước mắt, chúng tôi đang đề xuất với Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ thành lập Ban liên lạc Cộng đồng người Việt, nhằm đáp ứng nguyên vọng của bà con, cũng như giúp mọi người tăng sự gắn kết, hỗ trợ nhau vượt qua lúc khó khăn, hay có thể giúp gì đó cho người Việt mình khi sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ với khoảng 80 người, bao gồm cả du học sinh. |
PV: Chưa có hoạt động Hội, vậy người Việt mình Thổ Nhĩ Kỳ tự tạo sự kết nối với nhau như thế nào thưa anh?
Anh Đoàn Thế Hợp: Số lượng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ rất nhỏ nhưng tình cảm và đoàn kết. Tất cả sang nhập cư thời hiện đại nên có tư tưởng thoải mái. Tuyệt nhiên không có kiểu lập bè cánh, chia rẽ kiểu xuyên tạc, phê phán hay bôi xấu chế độ. Tất cả đều tôn trọng nhau và đặc biệt luôn nghĩ về quê hương. Mỗi lần Đại sứ quán phát động đợt ủng hộ thiên tai bão lũ, chúng tôi đều đóng góp rất nhiệt tình. Mọi việc đều rõ ràng minh bạch. Vì chưa có hoạt động Hội chính thức nên mỗi khi có sự kiện lớn nhỏ gì, người phụ trách cộng đồng ở Lãnh sự quán đều gửi thông tin qua email cho tất cả mọi người để tham gia.
Vậy nên, mong rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam ủng hộ và cùng với Đại sứ quan Việt Nam tại thủ đô Ancara để nguyện vọng thành lập Ban liên lạc cộng đồng của chúng tôi sớm được đáp ứng và thành công tốt đẹp.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện