Nghĩa tình đồng hương trong vùng chiến sự tại miền Đông Ukraine

Đoan Hải/VOV- Moscow(Từ Ukraine)
Chia sẻ
(VOV5) - "Trong lúc xảy ra chiến sự chúng tôi chỉ mong muốn và cố gắng làm mọi việc để mong sao mọi người được bình yên".

(VOV5)- "Trong lúc xảy ra chiến sự chúng tôi chỉ mong muốn và cố gắng làm mọi việc để mong sao mọi người được bình yên".

Nằm tại Đông Nam Ukraine, thuộc tỉnh Donetsk, Mariupol là thành phố cảng chiến lược bên bờ biển Azov, từ đây có đường nối thông với Crimea. Trong những ngày này, tình hình tại đây càng trở nên nóng bỏng khi ba mặt của Mariupol đang thuộc kiểm soát của quân ly khai, trong khi đó thành phố vẫn thuộc kiểm soát của chính quyền trung ương và các cơ  quan của tỉnh Donetsk đã được di chuyển về đây.

Mặc dù thỏa thuận ngừng bắn giữa phe ly khai và Chính phủ Ukraine vẫn đang có hiệu lực, song đâu đó tại thành phố Mariupol vẫn vang tiếng súng. Tình hình lúc nào cũng căng như dây đàn. 

Nghĩa tình đồng hương trong vùng chiến sự tại miền Đông Ukraine - ảnh 1
Thăm hỏi bà con cộng đồng tại Mariupol 

Từ năm 1986, tại Mariupol bắt đầu có những gia đình người Việt đầu tiên tới lao động và đến nay có 26 gia đình với hơn một trăm thành viên đang sinh sống, làm việc tại đây. Đa số bà con đã nhập quốc tịch Ukraine hoặc có thẻ định cư, có nhà và công việc ổn định tại chợ Trung tâm.

Từ khi chiến sự xảy ra ác liệt tại Donetsk cách đây 2 tháng, bà con người Việt tại đây bắt đầu đón thêm những người đồng hương của mình đi lánh nạn, và đến nay có thêm hơn 10 gia đình nữa có mặt tại đây. Phải nói thêm rằng, Mariupol là thành phố nằm trong vùng chiến sự, từng thuộc quyền kiểm soát của quân ly khai từ đầu tháng 5 và bà con ở đây cũng luôn ở tình trạng sẵn sàng rời đi lánh nạn nếu tình hình diễn biến phức tạp hơn.

Cảm thông với những người đồng hương của mình phải rời nhà cửa, công việc đi lánh nạn, những ngày đầu bà con ở đây đã bàn với nhau đón những người đồng hương về nhà mình sinh sống, ai cũng sẵn sàng góp sức, góp công để bà con đồng hương sớm ổn định cuộc sống. 

Nghĩa tình đồng hương trong vùng chiến sự tại miền Đông Ukraine - ảnh 2
Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine

Gia đình chị Hồng, gia đình anh chị Tiến - Nhất, chị Nghĩa...mỗi nhà nhận giúp đỡ 1-2 gia đình. Gia đình anh chị Châu – Trang mặc dù nhà chật, có con nhỏ cũng xung phong giúp đỡ một gia đình từ Donetsk tới. Do tình hình chiến sự kéo dài, các gia đình ở Mariupol lại bàn nhau tìm giúp công việc ở chợ để bà con đi lánh nạn về Donetsk lấy hàng tồn xuống bán để có thêm thu nhập, bảo đảm cuộc sống; thuê giúp căn hộ và liên hệ các trường để xin học cho các cháu nhỏ đi lánh nạn cùng gia đình.

Chia sẻ những việc bà con ở Mariupol đã giúp những đồng hương của mình đi lánh nạn thời gian qua, chị Nguyễn Thị Thu Hồng, quê huyện Châu Thành, Tiền Giang đã định cư tại Mariupol 26 năm chia sẻ: “Chúng tôi ở đây nghĩ tình người là quan trọng nhất. Trong lúc xảy ra chiến sự chúng tôi chỉ mong muốn và cố gắng làm mọi việc để mong sao mọi người được bình yên, tạo điều kiện cho bà con mình có chỗ làm ăn, các cháu được đến trường để sớm ổn định cuộc sống”. 

Nghĩa tình đồng hương trong vùng chiến sự tại miền Đông Ukraine - ảnh 3
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, quê huyện Châu Thành, Tiền Giang 

Ngoài việc giúp đỡ cho bà con cộng đồng người Việt tại Donetsk tới lánh nạn, người Việt tại Mariupol còn giúp đỡ cho người dân Ukraine chạy nạn từ Lugansk đi tới các địa phương khác. Người giúp của, người giúp công quyên góp tiền, hàng hóa và cả dùng xe của mình chở người dân Ukraine từ Lugansk đi lánh nạn.

Là một trong những gia đình đầu tiên tới Mariupol lánh nạn gần 2 tháng nay, anh Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Donetsk cho biết: trước khi chiến sự xảy ra, tại thành phố Donetsk có khoảng 250 người Việt, cả tỉnh Donetsk có khoảng gần 400 người. Đến nay, do chiến sự kéo dài, bà con buộc phải đi sơ tán mỗi người một phương, người thì về nước, người thì đi lánh nạn ở các thành phố lân cận như Kiev, Odessa, Kharkov.

Mặc dù Mariupol không phải điểm đến mà các gia đình người Việt lựa chọn khi đi lánh nạn vì vẫn nằm trong vùng chiến sự, song cảm nhận được tình người, tình đồng bào nơi đây nhiều gia đình đã quyết định ở lại. Anh Trịnh Văn Tiên cho biết: “Khi phải đi sơ tán, chúng tôi nhận được giúp đỡ rất nhiệt tình ở những nơi mình đến, bà con mình ở Mariupol tốt lắm, đối xử với chúng tôi như những người thân trong gia đình, tạo điều kiện cho chúng tôi nơi ăn, chốn ở, tìm việc làm và xin học cho các cháu. Chúng tôi rất xúc động. Chúng tôi chỉ mong chiến sự sớm kết thúc, hoà bình lập lại để bà con có cuộc sống tốt hơn”. 

Nghĩa tình đồng hương trong vùng chiến sự tại miền Đông Ukraine - ảnh 4
Anh Trịnh Văn Tiên

Chia sẻ, cảm thông với hoàn cảnh của bà con người Việt trong thời điểm hiện nay tại miền Đông Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã cử đoàn công tác vượt hơn 800km, trực tiếp tới vùng chiến sự Mariupol để thăm hỏi, động viên bà con. Sự quan tâm kịp thời trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay đã để lại dấu ấn rất tốt đẹp trong lòng bà con nơi đây. Mặc dù thời gian gặp gỡ rất ngắn gủi, song điều đọng lại lớn nhất là tình cảm và sự sẻ chia.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng bày tỏ: “Khi nghe tin đoàn công tác của Đại sứ quán tới cứu trợ đồng bào ở đây, chúng tôi rất xúc động vì trong hoàn cảnh chiến sự như hiện nay có được sự quan tâm của Nhà nước, Đại sứ quán đến đây thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ là một sự động viên tinh thần lớn nhất không gì bằng. Đây là một niềm an ủi cho bà con cộng đồng trong hoàn cảnh chiến sự hiện nay. Chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi và tình người. Xa nhưng lại gần, chúng tôi cảm thấy rất ấm áp”.

Vì yêu cầu bảo đảm an toàn cho đoàn công tác, chúng tôi phải rời Mariupol trong khi thực lòng rất muốn ở lại để được nghe, được thấy, được cảm nhận cái tình đồng hương, tình người thẫm đẫm trong bà con nơi đây. Cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều sóng gió vì tình hình chiến sự vẫn còn đang tiếp diễn. Mỗi nhà đều đã có các phương án tự bảo vệ cho mình và người thân, thậm chí có thể phải đi lánh nạn nơi khác. Song họ vẫn tiếp tục giúp nhau trong hoạn nạn và cầu mong cho hòa bình, ổn định sớm lập lại trên đất nước Ukraine./.

Đoan Hải/VOV- Moscow(Từ Ukraine)

Feedback