Lô hàng vải thiều Viêt Nam đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp

Huỳnh Điệp, Phóng viên VOV thường trú tại Pháp
Chia sẻ
(VOV5) - Thanh Bình Jeune, một siêu thị kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc châu Á, đặc biệt từ Việt Nam, là đơn vị nhập khẩu lô hàng này trực tiếp qua đường hàng không.

Ngày 12/6, hơn 10 tháng sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên, có xuất xứ tại Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, nhập khẩu theo đường chính ngạch, đã có mặt tại một hệ thống siêu thị tại Pháp.

Thanh Bình Jeune, một siêu thị kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc châu Á, đặc biệt từ Việt Nam, là đơn vị nhập khẩu lô hàng này trực tiếp qua đường hàng không. Một ngày sau khi tiếp nhận, công ty Thanh Binh Jeune đã đưa mặt hàng lên kệ, giới thiệu tới người tiêu dùng tại Pháp.

Lô hàng vải thiều Viêt Nam đầu tiên được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp - ảnh 1Ảnh: Lô hàng vải thiều đặc sản đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp. Ảnh: VOV

Ông Ngô Minh Đường, Chủ tịch công ty Thanh Bình Jeune, cho biết: "Đồng bào mình ai cũng hoan nghênh vải Thanh Hà hay Bắc Giang. Nhìn chung, hai loại vải này rất ngon. Nếu được thì từ nay đến cuối mùa, công ty sẽ tiến tới nhập khẩu tổng cộng khoảng 5 tấn."

Vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương được bán cho khách hàng với mức giá 18 euros mỗi hộp 1 kg, tương đương hơn 500 nghìn đồng/kg.

Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho biết: "Việc một lô hàng đơn lẻ mà có khối lượng lớn, nhập khẩu trực tiếp vào một hệ thống siêu thị tại Pháp đã bị gián đoạn trong vài năm qua. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể quay trở lại làm được như vậy. Việc xuất khẩu thành công lô hàng vải thiểu có tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đến từ vùng trồng Thanh Hà – Hải Dương sang Pháp trong thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện được sự quyết tâm của Chính phủ, cũng như sự cam kết, đồng hành cùng doanh nghiệp."

Dự kiến, trong tháng 6, mỗi tuần sẽ có gần 1 tấn vải được nhập khẩu để thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch nhập khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển trong năm 2022.

Feedback