Kiều bào chung tay cùng Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xanh

Lê An/baoquocte
Chia sẻ
(VOV5) - Việc phát huy nguồn lực kiều bào trở thành cầu nối và chung tay cùng Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xanh – kinh tế xanh càng trở nên quan trọng, cần thiết để đi vào hiệu quả thực tiễn.
Việc phát huy nguồn lực kiều bào trở thành cầu nối và chung tay cùng Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xanh – kinh tế xanh càng trở nên quan trọng, cần thiết để đi vào hiệu quả thực tiễn. Đó là chia sẻ của TS. Trần Hải Linh – Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA)…

Lĩnh vực đầu tư xanh đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Là một doanh nhân Việt kiều, ông đánh giá về lợi thế của lĩnh vực này ở quê hương?

Việt Nam xác định theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững kết hợp bảo vệ môi trường, trong đó cam kết giảm phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh…

Việt Nam xác định xây dựng cơ cấu kinh tế xanh, đầu tư xanh với ba trụ cột: nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu.

Kiều bào chung tay cùng Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xanh - ảnh 1
                      Hiệp hội VKBIA tại Lễ khai trương Trung tâm trải nghiệm Làng Năng                                     lượng tự lực daesil - trung hòa carbon, tại Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xanh – đầu tư xanh, đã nảy sinh không ít khó khăn khi một số cơ chế, chính sách, quy định cụ thể chưa được hoàn thiện rõ, phần lớn đang dừng lại ở việc đề xuất hướng tiếp cận.

Mặt khác, việc chuyển đổi xanh, bền vững tại nước ta còn gặp nhiều thách thức, từ tư duy thực hiện theo lộ trình, cho đến vấn đề nguồn lực tài chính cho chuyển đổi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra tại Việt Nam thì số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến ~98%.

Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu dừng lại ở mức độ cân nhắc chứ chưa có bước triển khai toàn diện hoặc có tính đầu tư lớn cho chuyển đổi xanh, hầu hết cũng chưa hiểu rõ thế nào là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như lợi ích mang lại từ hoạt động đầu tư xanh – kinh tế xanh.

Có thể nói, kinh tế xanh và phát triển xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn cầu hóa.

Hiểu rõ và thực hiện đầu tư xanh, kinh tế xanh cũng chính là cơ hội và cũng là tiêu chuẩn để Việt Nam tận dụng các ưu đãi của các Hiệp định tự do Thương mại (FTA) đa phương và song phương, nhất các là Hiệp định FTA thế hệ mới.

Nói một cách khác, chúng ta cần phải đáp ứng một số tiêu chí mà các FTA cũng như thị trường quốc tế đặt ra, nếu như “không muốn đứng ngoài lề của cuộc chơi”.

Ông đánh giá gì về vai trò và tiềm năng của nguồn lực kiều bào trong lĩnh vực này?

Trong tổng số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, theo ước tính thì số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600 nghìn người.

Đa số chuyên gia tri thức là người Việt Nam ở nước ngoài đều công tác, làm việc, sinh sống ở các nước phát triển, và đều là người có kinh nghiệm, sự hiểu biết trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, có công nghệ hiện đại, ví dụ như công nghệ điện tử truyền thông, AI, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, di chuyển xanh…

Kiều bào chung tay cùng Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xanh - ảnh 2
                    TS. Trần Hải Linh và Thứ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về                                        người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: NVCC)

Có thể nói, việc phát huy nguồn lực to lớn của kiều bào, việc kiều bào trở thành cầu nối trong lĩnh vực này, tiếp tục chung tay cùng Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xanh – kinh tế xanh càng trở nên quan trọng, cần thiết để đi vào hiệu quả thực tiễn.

Thời gian qua, Hiệp hội VKBIA đã có nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác với đối tác tại Hàn Quốc, cũng như hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực đầu tư xanh. Anh có thể cho biết triển vọng nổi bật từ những hoạt động này?

Về lĩnh vực đầu xanh, ngày 23/11 vừa qua, Hiệp hội VKBIA cùng chính quyền thành phố Naju, Công viên Công nghệ tỉnh Jeollanamdo, trường Đại học Dongshin (Hàn Quốc) đã chính thức ký kết “Hiệp ước hợp tác chiến lược toàn diện về đầu tư, nghiên cứu và thúc đẩy xây dựng làng truyền thống, đô thị sinh thái, đô thị thông minh với năng lượng tự lực – trung hòa carbon, tăng trưởng phát thải carbon thấp ở một số địa phương ở Việt Nam”.

Đồng thời, chúng tôi đã tham dự 'Lễ khai trương Trung tâm Trải nghiệm Làng Năng lượng Tự lực Daesil - trung hòa Carbon', được tổ chức tại Mimirak, Làng Daesil, thành phố Naju, Jeollanam-do.

Đây là mô hình làng kinh tế chia sẻ năng lượng tự lực, được thực hiện bởi sự phối hợp của Đại học Dongshin, Thành phố Naju và 

các đơn vị nghiên cứu năng lượng xanh, trong đó có Innomotive - đơn vị thành viên của Hiệp hội VKBIA là đơn vị đồng phối hợp đây là chương trình quốc gia nhằm hướng đến dẫn đầu kỷ nguyên trung hòa carbon và chuyển đổi năng lượng xanh.

Mô hình này sẽ tiếp tục được ứng dụng tại Hàn Quốc và tiếp tục được định hướng hợp tác và đầu tư, chuyển giao công nghệ, cũng như áp dụng tại một vài địa phương của Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 14/7 tại Seoul, Hàn Quốc đã diễn ra lễ ký kết đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Hiệp hội VKBIA và Quỹ đầu tư One World Impact Capital Limited (OWI) của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Chúng tôi cùng thống nhất việc tiếp tục đầu tư xuyên biên giới, đa quốc gia và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, trong đó sẽ tiếp tục chú ý đến việc phát triển năng lực thích ứng với kinh tế xanh, đánh giá và cùng chủ trì thực hiện các dòng đầu tư vào các dự án, các công nghệ và phát triển mới, đặc biệt là trong lĩnh vực có liên quan đến kinh tế xanh, trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính.

Ngày 28/3, Hiệp hội VKBIA và Liên minh Di chuyển Xanh Việt Hàn (VKERC) phối hợp cùng Văn phòng Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc đã đồng tổ chức “Diễn đàn Công nghiệp xanh và di chuyển thông minh Việt Hàn gắn kết phát triển thị trường ASEAN”.

Với những hoạt động trên và những thực tiễn trong các chuyến làm việc và công tác tại địa phương Việt Nam, tôi thấy rằng, việc áp dụng các giải pháp phát triển kinh tế xanh đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và ngành chức năng trong việc thực hiện.

Kiều bào chung tay cùng Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xanh - ảnh 3
                     Hiệp hội VKBIA ký kết hợp tác với UBND tỉnh Bình Định. (Ảnh: NVCC)

Từ những kinh nghiệm thực tế của tổ chức và cá nhân, ông có những gợi ý gì để có thể phát huy hiệu quả hơn nữa lĩnh vực đầu tư xanh tại Việt Nam?

Những hoạt động, chương trình nổi bật nêu trên để thấy rõ hơn tiềm năng hợp tác sâu rộng và hiệu quả hơn nữa về đầu tư xanh và ứng dụng khoa học công nghệ cho công nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Mặt khác, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tạo ra những chương trình hợp tác trực tiếp và gián tiếp, đồng thời sẽ là cầu nối để thực hiện hiệu quả những lĩnh vực có thể hợp tác giữa các quỹ đầu tư, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học, các viện nghiên cứu cho đầu tư xanh, kinh tế xanh, công nghiệp xanh, không chỉ giới hạn giữa Việt Nam-Hàn Quốc, mà cả từ các quốc gia phát triển khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, có thể khẳng định sự liên kết giữa “Chính quyền-Nhà trường-đơn vị Nghiên cứu-Quỹ đầu tư-Doanh nghiệp-Ứng dụng thực tế và Người dân hưởng lợi” là không thể tách rời nhau.

Feedback