Ra nước ngoài học tập, các bạn trẻ người Việt đều mong muốn mang kiến thức của mình phục vụ quê hương. Động lực để giúp các bạn thực hiện quyết tâm đó chính là sự ghi nhận của nhà nước về những đóng góp cũng như chính sách luôn rộng mở khi các bạn trở về.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tốt nghiệp thạc sĩ và vừa mới bắt đầu công việc tại Nhật Bản, nhưng Đinh Văn Hoàng một bạn trẻ được ra nước ngoài du học vẫn luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ trở về cống hiến cho quê hương. Hoàng tâm sự: làm việc một thời gian ở Nhật Bản để tích lũy thêm những kinh nghiệm và kiến thức ở một đất nước phát triển hàng đầu là điều rất cần thiết để cho bạn có thêm những trải nghiệm thử thách cũng như phát huy tinh thần khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0. Sau đó, khi trở về, Hoàng sẽ có điều kiện tốt hơn để phục vụ đất nước. Lần trở về Việt Nam tham dự Diễn đàn trí thức trẻ toàn cầu đã giúp cho Hoàng có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi cũng như nhận thức tốt hơn về sự quan tâm của nhà nước, của đoàn thanh niên với mục tiêu thu hút tinh thần của giới trẻ:Đây là lần đầu tiên đoàn thanh niên, Trung ương Đoàn tổ chức cuộc gặp gỡ lớn. Các bạn du học sinh từ hơn 20 quốc gia trở về tham dự. Với chủ đề đổi mới sáng tạo, đây là cơ hội hiếm hoi. Tôi cảm thấy Chính phủ quan tâm tới du học sinh và các bạn du học sinh cũng muốn đóng góp nhiều hơn. Đây là cơ hội để trao đổi học thuật và liên kết kết nối học thuật…
Tiến sĩ Phan Minh Liêm-Hoa Kỳ. Ảnh: tienphong.vn |
Hầu hết các bạn trẻ khi trở về tham dự Diễn đàn trí thức trẻ toàn cầu đều chung suy nghĩ như Đinh Văn Hoàng. Gặp gỡ, trao đổi với nhau tại một sự kiện lớn của thanh niên, các bạn trẻ đã có điều kiện nói lên suy nghĩ và ý tưởng của mình. Được tham dự và thẳng thắn trao đổi về công việc liên quan tới đổi mới sáng tạo, hay về biến đổi khí hậu hay về nguồn nhân lực trong thời đại 4.0, hoặc trong phiên đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, các bạn càng cảm thấy tự hào vì được nói lên suy nghĩ của mình. Nhiều bạn ra nước ngoài với những suất học bổng do nhà nước đầu tư, đã ý thức được đi là để trở về phục vụ quê nhà. Gặp Lê Anh Thư, một bạn trẻ học tập ở Cuba và đã trở về Việt Nam làm việc có suy nghĩ như thế này: Em nghĩ là các bạn đi Châu âu thì dễ kiếm tiền nên dễ nghĩ tới việc ở lại. Ở lại cũng tốt nhưng đất nước mình cần mình, mình hiểu nước mình nhất. Về tâm hồn thì mình sinh ra ở đâu thì thuộc về nơi đó. Đó là trách nhiệm của những người trẻ được đi học tập ở nước ngoài, nhất là được cử đi học phải quan tâm tới vấn đề này
Anh Nguyễn Duy Tâm, trí thức trẻ tại Singapore tham dự Diễn đàn. Ảnh; tienphong.vn |
Nhờ sự khuyến khích, ưu đãi thu hút nhân tài của Nhà nước, các bạn trẻ muốn thử sức khởi nghiệp với những dự án ngay tại quê nhà. Thạc sĩ Thạch Lê Anh, nhiều năm sống và làm việc tại Hoa Kỳ và hiện là người sáng lập, chủ nhiệm của Thung lũng Silicon Việt Nam chính là một nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của người Việt trẻ. Chị chia sẻ: có những thời điểm chị nhận được đơn xin đầu tư các dự án khởi nghiệp lên tới vài ngàn và hầu hết là các bạn trẻ đang học ở nước ngoài. Không ít bạn đã trở về Việt Nam khởi nghiệp và các dự án đã thành công. Chị Lê Anh, người luôn đam mê với các dự án khởi nghiệp với vai trò là nhà đầu tư thiên thần đã rót những nguồn vốn gieo mầm cho các bạn. Chị cho rằng, người Việt ở nước ngoài nên quan tâm tới điều này và nhà nước cũng cần ghi nhận sự đầu tư của họ: Quan trọng là tạo ra môi trường để các bạn có thể thể hiện. Có thể thu hút nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư thiên thần đầu tư trong giai đoạn đầu. Chính sách của chúng ta phải thu hút nguồn vốn của các trí thức sắp nghỉ hưu đầu tư.. Khuyến khích động viên và có những ghi nhận..
Tình yêu quê hương, nhận thức đúng về con đường đi đã giúp cho các bạn trẻ người Việt luôn suy nghĩ và có sự lựa chọn đúng đắn. Trở về giúp cho các bạn thể hiện được quyết tâm muốn cống hiến. Đổi lại, các bạn cũng cần sự hỗ trợ về chính sách, ghi nhận về quyết tâm của họ vì sự đổi thay của đất nước.