Các đại biểu tham dự hội thảo trực tuyến, |
Sáng 25/6, Hiệp hội phát triển kinh tế văn hóa giáo dục Đài Việt tổ chức chương trình hội thảo giáo dục Đài Loan, Trung Quốc năm 2021 với chuyên đề: “Du học Đài Loan - chương trình đào tạo nguồn nhân tài chất lượng cao”.
Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Văn phòng kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) cùng sự hỗ trợ của Bộ kế hoạch đầu tư - Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc của Đài Loan (Trung Quốc).
Tham dự hội thảo có 5 trường Đài Loan giới thiệu các chương trình học bổng khoá tháng 9/2021: Đại học kỹ thuật Mình Tân, Đại học kỹ thuật Chihlee, Đại học kỹ thuật Lunghwa, Đại học kỹ thuật công lập Cần Ích, Đại học dược Gia Nam. Việt Nam có hơn 50 cơ sở giáo dục, các trường học từcả ba miền tham dự.
Bà Ngô Phẩm Trân - Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế văn hóa giáo dục Đài Việt |
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ngô Phẩm Trân - Chủ tịch Hiệp hội phát triển Kinh tế văn hóa giáo dục Đài Việt (gọi tắt là Hiệp hội Đài Việt), cám ơn Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng Lập pháp Đài Loan trong thời gian gần 6 năm qua đã ủng hộ Hiệp hội trong việc xúc tiến triển khai hợp tác của chính sách Tân hướng Nam. Theo thống kê, cho đến năm 2020, có gần 18.000 sinh viên Việt Nam đang theo học chương trình đào tạo “học và thực hành tại doanh nghiệp” ở Đài Loan (Trung Quốc) và tháng 6 năm nay là khóa đầu tiên ra trường.
Hiện nay, khoảng 70% sinh viên ra trường đã tìm được việc làm ở Đài Loan, khoảng 15% học tiếp lên cao học, và khoảng 10% dự kiến sẽ trở về Việt Nam làm việc. Để tạo điều kiện kết nối việc làm cho các sinh viên năm nay ra trường, đồng thời hỗ trợ các tập đoàn điện tử Đài Loan chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam, Hiệp hội Đài Việt kết hợp cùng Công hội điện tử của Đài Loan sẽ tổ chức ngày hội việc làm online, giúp các em sinh viên ra trường có cơ hội phỏng vấn trực tuyến với 16 tập đoàn điện tử hàng đầu của Đài Loan đang chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam.
Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc Nguyễn Anh Dũng. |
Tại hội thảo,Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chính sách Tân hướng Nam của Đài Loan mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam vừa học, vừa thực hành, với mước lương đủ để trang trải học phí và sinh hoạt phí, ra trường lại có được việc làm ở lại Đài Loan theo diện chuyên gia hoặc về Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam với những vị trí từ quản lý trung cấp trở lên. Tuy nhiên, các đơn vị giáo dục ở Việt Nam cũng cần tư vấn rõ với học sinh đây là chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chứ không phải sang Đài Loan lao động kiếm tiền. Hai vấn đề này nên phân định rõ ràng, tránh hiểu sai về nội dung chương trình khi đưa học viên sang Đài Loan đào tạo.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Dũng cũng yêu cầu các trường đại học của Đài Loan cần chú trọng chất lượng đào tạo, để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng theo nhu cầu của các nhà đầu tư công nghệ kỹ thuật cao của Đài Loan đang ồ ạt bước vào Việt Nam.
Ông Chung Gia Pin, Ủy viên Viện Lập pháp Đài Loan |
Trong buổi họp, Ủy viên Viện Lập pháp Đài Loan, ông Chung Gia Pin nhấn mạnh hai vấn đề trọng điểm trong hợp tác giáo dục giữa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa Việt Nam và Đài Loan. Thứ nhất, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên Bộ giáo dục Đài Loan cũng thay đổi về phương cách đào tạo với sinh viên nước ngoài. Sau khi các sinh viên trúng tuyển vào các trường Đài Loan, nếu vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không nhập cảnh được, các trường sẽ có chương trình đào tạo trực tuyến từ xa cho sinh viên, và những chỉ số tín chỉ này đều được công nhận sau khi các sinh viên được nhập cảnh vào Đài Loan. Thứ hai, là tiếp nối nguồn nhân lực chất lượng của Việt Nam được đào tạo bài bản từ Đài Loan, theo đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng về hợp tác thương mại và đầu tư. Thực tế đang có nhu cầu lớn đối với những phiên dịch viên song ngữ thành thạo ngoại ngữ Trung-Việt để thúc đẩy hợp tác thương mại và cần rất nhiều kỹ sư tay nghề cao được đào tạo bài bản để giúp các tập đoàn doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân tài chất lượng cao giữa Việt Nam và Đài Loan không đơn thuần chỉ về giáo dục, mà song song đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế song phương, tạo ra được nhiều giá trị thiết thực.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc, Bộ Kế hoạch đầu tư |
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc, Bộ Kế hoạch Đầu tư, dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam đã ban hành kịp thời nhiều chính sách, biện pháp với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút 9,55 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký mới, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư đăng ký mở rộng đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục quan tâm và tin tưởng mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Bà Đỗ Quỳnh Nga chia sẻ: “Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh dựa trên lợi thế lao động giá rẻ mà cần ưu tiên đầu tư theo hướng các lĩnh vực công nghệ cao thân thiện với môi trường. Nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là nguồn lực chính, nhân tố quyết định quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ, tái tạo các nguồn lực khác. Để thực hiện được điều đó, Việt Nam cần coi mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng để thu hút đầu tư nước ngoài."
Hội thảo thu hút hơn 50 cơ sở giáo dục và trường học tham gia |
"Hội thảo hội thảo giáo dục Đài Loan (Trung Quốc) năm 2021 là một hoạt động cụ thể của các cơ quan xúc tiến của nhà nước và Hiệp hội doanh nghiệp phối hợp hỗ trợ để các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự kết nối đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Đài Loan. Các du học sinh sau khi tham gia Chương trình hệ học và thực hành sẽ có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp ở nước sở tại hoặc doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam. Tôi rất vui mừng khi phía Việt Nam có nhiều trường học, cơ sở giáo dục tham gia kết nối thông qua Hội thảo. Hy vọng sau đây, các bên sẽ cùng nhau hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển của các doanh nghiệp và cơ hội việc làm tốt hơn cho người lao động”. - Bà Nga khẳng định.