Hội thảo ” Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) gần hơn với cuộc sống“

Chia sẻ
(VOV5) - Tất cả những ý kiến, đóng góp của Hội thảo sẽ được ghi nhận tại phiên hội thảo chính thức của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV diễn ra 25&26/11/2021.

 Ngày 14/11, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Global VYSA) tổ chức hội thảo trực tuyến:  "Trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hôm nay”, với  sự tham gia của nhiều chuyên gia, nghiên cứu viên và các trí thức trẻ đang sinh sống trong và ngoài Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các sự kiện hướng về Diễn đàn chính thức diễn ra ngày 25 và 26 tháng 11 tới đây. 

Hội thảo ” Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) gần hơn với cuộc sống“ - ảnh 1Các diễn giả và khách mời là những trí thức trẻ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo ( AI) tham gia hội thảo trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Zoom. Ảnh BTC

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong đời sống, hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau và tổng hợp các khuyến nghị đến từ các chuyên gia trong ngành.

Hội thảo có sự góp mặt của 05 diễn giả là những gương mặt trí thức trẻ tiêu biểu như Tiến sĩ Kiều My, chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo Đại học Florence, Italy; Tiến sĩ Nguyễn Vũ Luật, Nghiên cứu viên, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc học sâu, Khoa kỹ thuật kiến trúc, Trường Đại học Sejong, Hàn Quốc; TS. BS. Đào Việt Hằng, PGĐ Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó tổng thư ký Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam; NCS. Lê Đình Việt - chuyên ngành Terrainmechanics tại Geotechnics Lab, Trường Đại học Paichai, Hàn Quốc; ông Phạm Văn Quân, CEO & Co-founder Công ty cổ phần công nghệ 4TE, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp và 2 khách mời là TS. Nguyễn Ngọc Vinh, Đại học Việt Nhật; ThS. Ngô Hữu Thống, Chánh Văn phòng Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ ĐHQG-HCM.

Hội thảo ” Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) gần hơn với cuộc sống“ - ảnh 2Bài tham luận “Các ứng dụng trí tuệ tạo trong số hóa” của TS. Kiều My, chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Đại học Florence, (Italy). Ảnh BTC

Với chủ đề “Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong số hoá”, Tiến sĩ Kiều My đưa ra cái nhìn tổng quan về trí tuệ nhân tạo, đi kèm với những ứng dụng thực tiễn như nhận diện giọng nói và camera phỏng đoán hướng đi. Là một chuyên gia về ngành công nghệ thông tin, ông đã đưa ra những lời khuyên, định hướng tự học cho các bạn trẻ đang có ý định theo đuổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vốn được coi là xu hướng mới trong bối cảnh hiện nay.

Trong tham luận “Ứng dụng máy học trong một số bài toán kỹ thuật xây dựng”, TS. Nguyễn Vũ Luật đã chỉ ra những ưu nhược điểm khi ứng dụng này được đưa ra thực nghiệm dựa trên những số liệu thu thập cụ thể. Đặc biệt, ông đã phát triển nghiên cứu của mình thành một phần mềm cho phép người dùng có cái nhìn trực quan hơn và dễ sử dụng hơn khi tiếp cận chuyên ngành máy học.

Hội thảo ” Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) gần hơn với cuộc sống“ - ảnh 3Bài tham luận “Ứng dụng máy học trong một số bài toán kỹ thuật xây dựng” của TS Nguyễn Vũ Luật Nghiên cứu viên, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc học sâu, Khoa kỹ thuật kiến trúc, Trường Đại học Sejong, Hàn Quốc.   Ảnh BTC

Đối với chủ đề của Tiến sĩ, Bác sĩ  Đào Việt Hằng, y khoa là một lĩnh vực rất đặc thù. Tuy vậy, sự xâm nhập của trí tuệ nhân tạo đã phần nào thay đổi cục diện và minh chứng cho tiềm năng của y tế - công nghệ trong một tương lai không xa. Bên cạnh việc giúp bác sĩ chẩn đoán sớm và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân, trí tuệ nhân tạo vẫn còn những khó khăn tồn đọng, đặc biệt tại một quốc gia có tỷ lệ dân số cao như tại Việt Nam. 

Hội thảo ” Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) gần hơn với cuộc sống“ - ảnh 4Bài tham luận “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa tại việt nam: cơ hội và thách thức” của TS. BS. Đào Việt Hằng

Deep learning (học sâu) - thuật ngữ cơ bản khi tiếp cận với AI đã được Nghiên cứu sinh Lê Đình Việt trình bày ngắn gọn bằng việc gắn liền ứng dụng của chúng với chẩn đoán sức khỏe công trình đường sắt. Ngoài ra, ông cũng đề xuất một số hướng nghiên cứu cho các dự án đường sắt tại Việt Nam, cụ thể là tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam..

Hội thảo ” Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) gần hơn với cuộc sống“ - ảnh 5Bài tham luận của NCS Lê Đình Việt chuyên ngành Terrainmechanics tại Geotechnics Lab, Trường Đại học Paichai, Hàn Quốc

Trong tham luận “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Phạm Văn Quân CEO & Co-founder Công ty cổ phần công nghệ 4TE nhấn mạnh rằng “Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trong việc phát triển và ứng dụng AI, có thể đi sau các nước phát triển nhưng sẽ đi rất nhanh. Việc giải bài toán thực tế trong doanh nghiệp quan trọng hơn nhiều, AI hay các phương pháp khác chỉ là công nghệ giúp cho việc bài toán đó được giải quyết triệt để hơn và mỗi công nghệ đều có điểm mạnh, điểm hạn chế riêng. Do đó, để công cuộc chuyển đổi số Quốc gia được lan tỏa mạnh hơn thì chúng ta phải bắt đầu bằng việc giải quyết các vấn đề đơn giản nhất trong cuộc sống. 

Hội thảo ” Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) gần hơn với cuộc sống“ - ảnh 6Bài tham luận “ Ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Chuyển đổi số cho doanh nghiệp” của ông Phạm Văn Quân, CEO & Co-founder Công ty cổ phần công nghệ 4TE. Ảnh BTC

Các đại biểu tại hội thảo đều nhất trí rằng Việt Nam có lợi thế lớn và chúng ta cần nắm bắt. Hội thảo chính là cầu nối giúp kết nối những chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ thông minh với những trí thức trẻ đang có mong muốn tìm hiểu, từ đó đưa ra các sáng kiến, ý tưởng đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.  

Feedback