Vaccine là chìa khóa để đánh bại hoàn toàn dịch bệnh Covid-19. Ảnh minh họa: Reuters |
“Hiểu về vaccine để đẩy lùi COVID-19” là chủ đề hội thảo trực tuyến ngày 1/8 do Hội chuyên gia người Việt toàn cầu tổ chức với mong muốn chung tay cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh.
Mặc dù vaccin cung cấp các phạm vi bảo vệ khác nhau, song các chuyên gia cho rằng việc tiêm chủng là rất quan trọng. Lịch sử đã chứng minh, rất nhiều bệnh lây truyền đã được khống chế hoặc thanh toán nhờ vào vaccine như bại liệt, mô cầu não, thủy đậu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người do dự hoặc thậm chí là tẩy chay vaccine do lo ngại về sự an toàn của vaccine, nguy cơ gặp tác dụng phụ hay mắc bệnh dù đã tiêm vaccine.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nhất Linh thuộc Chương trình chóng lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới, tất cả những loại vaccine được cấp phép hiện nay đều đã trải qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt để chứng minh độ an toàn và hiệu quả. Bác sĩ Linh cho biết: "Dù có nhiều biến chủng, song vaccine vẫn có tác dụng với hầu hết các loại biến chủng, trong đó có cả biến chủng Delta. Dù biến thể Delta có gây ảnh hưởng tới tác dụng của vaccine, nhưng hiệu quả bảo vệ chống bệnh nặng và tử vong vẫn vẫn là tốt và đúng với tất cả các loại vaccine được phê duyệt hiện nay. Tác dụng phụ của vaccine sẽ có, nhưng tỷ lệ không phải là lớn, đặc biệt như sốc phản vệ là rất hiếm. Vaccine là rất quan trọng để bảo vệ cho chúng ta khỏi lây nhiễm và tử vong và có vai trò quan trọng trong bảo vệ gia đình, cộng đồng xung quanh. Vì thế việc tiêm chủng không chỉ bảo vệ chúng ta mà cả cộng đồng".
Việt Nam đã thành công trong 3 đợt bùng phát dịch đầu tiên, đặc biệt nhờ vào chiến dịch truy vết và cách ly. Dù đợt bùng phát thứ 4 được đánh giá là nghiêm trọng hơn, song theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế công cộng Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, chiến lược 5K cộng với công nghệ và vaccine vẫn đang phát huy tác dụng. "Việt Nam rất tích cực trong tìm kiếm các nguồn vaccine khác nhau. Việt Nam dã tham gia sáng kiến COVAX để tận dụng các tiến bộ khoa học khác nhau, chúng ta cũng tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ quốc tế để có nhiều vaccine nhất có thể. Việt Nam có một chiến lược vaccine khá rõ ràng, phân biệt các nhóm ưu tiên như nhân viên tuyến đầu, những người có nguy cơ cao và việc thực hiện đang diễn ra khá hợp lý. Trong mỗi kế hoạch tiêm chủng đều công khai đối tượng và loại thuốc tiêm chủng cho từng tiêm chủng. Tôi nghĩ việc này, chính phủ Việt Nam đã làm rất mạnh mẽ" - ông nói.
Theo những số liệu thống kê chính thức do dự án Our World in Data tại Đại học Oxfort, tới nay tổng cộng có hơn 4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm trên toàn cầu, trong đó 28% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine vẫn còn hạn chế, các chuyên gia y tế thế giới cũng khuyến cáo người dân không nên do dự hay chờ đợi vaccine, mà hãy tiêm ngay khi có thể.