Văn hóa dân tộc với nhiều giá trị đặc trưng, riêng có là tài sản quý giá của người Việt. Ở nước ngoài, những giá trị văn hóa càng được những người con đất Việt trân trọng, gìn giữ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mấy chục năm sống ở Mỹ, bà Trần Túy Phượng vẫn gìn giữ trong gia đình cho con, cho các cháu những phong tục tập quán của người Việt Nam. Với bà, văn hóa Việt có những giá trị khác biệt so với các quốc gia khác: đó là truyền thống yêu thương, gắn kết và quan tâm trong những gia đình có 3, 4 thế hệ cùng chung sống như gia đình bà. Hiểu được điều này, bà Phượng luôn dạy các con phải biết giữ gìn những giá trị để không mất đi nguồn cội. Cho con học tiếng Việt từ nhỏ và khi các con lớn, động viên trở về Việt Nam để tìm hiểu thêm về cội nguồn. Bà Phượng chia sẻ:Mấy mươi năm ở Mỹ toàn nấu món ăn Việt Nam, không ăn món ăn Mỹ đâu. Các con rất thích ẩm thực Việt, biết nói tiếng Việt, quan tâm đến văn hóa Việt Nam. Nói chuyện với bạn bè và rủ bạn bè ăn thức ăn Việt Nam. Từ đó, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, dân ca, nhiều những điều thú vị về Việt Nam …
Ảnh: vnexpess.net |
Khá nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài đã dạy các con từ nhỏ về tình yêu với đất nước và văn hóa dân tộc. Đó là yêu món ăn Việt, ngôn ngữ Việt và rất nhiều phong tục tập quán của dân tộc. Chính điều này, đã nuôi dưỡng trong tâm hồn các bạn nhỏ một tình cảm mãnh liệt với quê hương. Để khi nhỏ thì học nói tiếng Việt, nghe cha mẹ kể về Việt Nam, còn khi lớn, tự tìm hiểu về Việt Nam theo cách riêng của mình. Bạn trẻ Nguyễn Văn Phong, ở Thái Lan còn mong muốn nghiên cứu và viết được một cuốn sách về văn hóa dân tộc. Phong chia sẻ, sở dĩ em muốn như vậy vì em hiểu được văn hóa Việt với những giá trị quý báu cần lưu giữ:Văn hóa chính theo em là tiếng, sau đó là lễ hội cúng tổ tiên, ông bà, đám ma. Món ăn nhiều như nem rán, phở. Đặc biệt, ở quê em, có cơ hội có cuốn sách về lịch sử, nguôn gốc của mình
Những thiếu nữ người Việt mang không khí Trung thu của quê hương về trên đất Mỹ với các tiết mục múa dân gian. Ảnh: vnexpress.net
|
Những giá trị văn hóa của dân tộc ở nước ngoài chính vì thế mà không bị mất đi, mà còn lưu giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ. Với thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài, những ngày văn hóa Việt Nam, những ngày lễ của dân tộc là dịp để các bạn trẻ thể hiện tình yêu với đất nước qua việc giới thiệu những nét văn hóa Việt Nam. Những nét đẹp của văn hóa Việt đã được quảng bá ra nước ngoài cho bạn bè quốc tế biết tới. Bạn Trần Tuấn Minh, một bạn trẻ người Việt ở Australia cho biết: “ Các hoạt động, món ăn Việt các bạn mang đến đấy đa phần do các bạn tự nấu. Một event gần nhất ngày xửa ngày xưa thì hoàn toàn là câu chuyện dân gian các bạn đến xem tham gia. Rồi những hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao. Các cuộc thi hát, gala với những bài hát về Việt Nam”
Cảm nhận rõ nét khi tới với cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước đó là sự gìn giữ và lưu truyền văn hóa dân tộc. Ngay trong từng gia đình, trong trường học và trong các hoạt động xã hội, bất kỳ nơi đâu, văn hóa Việt cũng được các bạn trẻ trân trọng. Đó là mong muốn, thể hiện khát khao tìm về với cội nguồn dân tộc.