Giữ tình yêu tiếng Việt

Hân My
Chia sẻ
(VOV5) - Những việc làm của họ đang góp phần nuôi dưỡng trong  thế hệ trẻ một tình yêu với tiếng Việt.                                                

Định cư ở nước ngoài, sử dụng ngôn ngữ và tiếp nhận văn hóa của nước sở tại, nhưng những thầy cô giáo người Việt luôn mong muốn gìn giữ được tiếng nói cho bản thân và cho con em trong cộng đồng. Những việc làm của họ đang góp phần nuôi dưỡng trong  thế hệ trẻ một tình yêu với tiếng Việt.  

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Từ Thụy sĩ, chị Vũ Thị Hải Hà rất vui khi được trở về quê hương tham gia vào khóa tập huấn giảng dạy tiếng việt cho giáo viên người việt ở nước ngoài. Những buổi lên lớp, những giờ thảo luận rồi những chuyến đi thực tế, đi dự giờ ở một số trường học đã giúp cho chị hiểu nhiều hơn về đất nước của mình. Đặc biệt, những phương pháp giảng dạy môn tiếng Việt mà các thầy giáo, cô giáo Việt Nam hướng dẫn cho chị và giáo viên người Việt ở các nước giúp chị khám phá được nhiều hơn về cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Có lẽ không phải riêng chị Hà mà rất nhiều giáo viên chúng tôi gặp đều có chung cảm nhận như vậy.

Chị Hải Hà chia sẻ cảm xúc không thể nào quên khi  cùng đoàn giáo viên đi thực tế. Trên xe, các chị đã say sưa tìm và hát rất nhiều bài hát Việt Nam và dường như những bài hát này đã gắn kết họ chặt hơn:“ Các thầy cô giáo rất nhiệt tình, đến từ 12 nước, ai cũng có lòng hướng về Việt Nam. Tôi cảm nhận không khí đoàn kết, chúng tôi  đều tìm tất cả các bài hát tiếng Việt, bài ngày xưa cho thiếu nhi để hát. Tôi cảm thấy như cộng đồng người Việt ở trên khắp thế giới đoàn kết với nhau. Tôi xúc động. Các thầy cô nhiệt tình, dạy chúng tôi rất nhiều kiến thức và tất cả nhưng gì chúng tôi kiến nghị các thầy cô đều đáp ứng”

Giữ tình yêu tiếng Việt - ảnh 1 Cô giáo Hải Hà ở Thụy Sĩ

Sống ở mỗi nước với nền văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, nhưng với những giáo viên người Việt khi cùng gặp gỡ, cùng tụ lại với nhau trên mảnh đất quê hương thì điều khiến họ trở nên gần gũi với nhau hơn đó là nhờ ngôn ngữ. Đó cũng là mong muốn để các cô  mang tiếng nói của dân tộc về cho con em người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

Vì vậy, ngoài công việc chính, các chị đã tình nguyện trở thành những cô giáo dạy tiếng Việt cho các em với niềm tin giúp cho con em sẽ không quên tiếng nói dân tộc. Các cô giáo cũng mong muốn những khóa tập huấn tiếng Việt tại quê nhà sẽ giúp  khám phá nhiều điều mới mẻ hơn về ngôn ngữ mà trước kia các chị chỉ dạy bằng kinh nghiệm bản thân.

Chị Khánh Ly đã 6 năm dạy tiếng Việt cho phụ nữ ở Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời là giáo viên dự bị cho Trung tâm ngoại ngữ vào buổi tối nói rằng, chị đã học được rất nhiều trong chuyến trở về Việt Nam: “ Về lĩnh vực giảng dạy, có nhiều yếu tố kinh nghiệm. May mắn được các giáo sư ở trung tâm ngôn ngữ việt đào tạo kỹ năng thực tế. Trong quá trình giảng dạy cũng gặp phải, và trong lần này thì tôi biết được nhiều nhờ các thầy đi trước hướng dẫn.  Tôi hy vọng sẽ cải thiện phương pháp giảng dạy khi về Đài Loan. Có 12 quốc gia,  các chị đều kinh nghiệm đứng trên bục giảng và qua chia sẻ thấy có 1 vấn đề chung là cần phải dạy theo phương pháp nào hiệu quả nhất vì trình độ học sinh không đồng đều và chúng tôi thấy phân theo nhóm và có giáo viên trợ giảng hỗ trợ”.

Giữ tình yêu tiếng Việt - ảnh 2 Cô giáo Ngọc Mai đang thuyết minh cho các sinh viên tại bảo tàng Đài Loan ( Trung Quốc). Ảnh: baoquocte.vn

Sự khác biệt về trình độ học sinh, khó khăn khi tìm  địa điểm giảng dạy và thiết bị giảng dạy là vấn đề mà nhiều quốc gia gặp phải. Bằng tình yêu tiếng Việt, mong muốn con em mình viết, đọc và nói được tiếng Việt đã thôi thúc các chị tự nguyện trở thành những giáo viên. Có chị phải đi rất xa để dạy học, rồi có chị phải tự mượn địa điểm hoặc thuê để giảng dạy, rồi nhiều chị phải tự bỏ tiền để mua thiết bị giảng dạy. Vượt lên mọi khó khăn, các chị cố gắng duy trì các lớp học với mong muốn được sự hỗ trợ, đồng hành từ trong nước, tại nước sở tại và mỗi gia đình người Việt.

Chị Phạm Thị Trinh, cô giáo ở Malaysia chia sẻ:“ Về thì  học được nhiều kiến thức. Trước cứ dạy học sinh đánh vần. Cách học bây giờ hiện đại hơn. Nhưng ở Malaysia khó khăn nên về sẽ áp dụng nhưng mà cũng phải cần sự trợ giúp nhiều về phía nhà nước. Các chị em toàn bộ tự nguyện. Chị em nhiệt tình nhưng nhiệt tình bao lâu?Phòng trọ chật chội. Trình độ các em khác biệt. Nên phải cần sự hỗ trợ.  Về cơ bản, muốn nói được thì gia đình rất quan trọng, bố mẹ cũng phải nói với các con hàng ngày”.

Giữ tình yêu tiếng Việt - ảnh 3 Cô giáo Khánh Ly đến từ Đài Loan 

Mong muốn của chị Trinh là suy nghĩ của rất nhiều cô giáo từ các nước. Các chị muốn được tham gia những đợt tập huấn nhiều hơn, muốn được sự trợ giúp từ trong nước và ngay ở nước sở tại đối với công tác giảng dạy. Yêu nghề giáo, yêu tiếng Việt, các chị cũng chờ mong sự ủng hộ từ mỗi gia đình người Việt. Cho dù bận mải công việc, các ông bố bà mẹ nên ý thức việc gìn giữ tiếng nói cho con em mình, không chỉ ra lớp mà ngay từ trong mỗi gia đình.

Feedback