(VOV5)- Việc dạy – học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Làm sao để con em kiều bào thông thạo tiếng mẹ đẻ là băn khoăn trăn trở của nhiều thế hệ người Việt ở nước ngoài. Song song với nhiệm vụ giữ gìn tiếng nói dân tộc là mong muốn duy trì bản sắc văn hóa truyền thống đối với thế hệ tương lai. Đó cũng chính là tâm nguyện của những người cựu giáo viên kiều bào dạy tiếng Việt tại Thái Lan trước năm 1976.
|
Đoàn cựu giáo viên kiều bào Thái Lan về thăm quê hương |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh, năm nay đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, kể về thời mình còn đi dạy học. Đối với bà, đó là những tháng năm không thể mờ phai trong ký ức. Trước năm 1976, tiếng Việt không được phép dạy như hiện nay, nhưng cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan vẫn một lòng khao khát giữ gìn tiếng nói của dân tộc. "1948 bắt đầu mở, giáo viên lúc đấy còn hiếm, mình cũng nhờ những thầy cô ở bên Viên Chăn, dần dần thầy đó dạy cho những lớp người như tôi, tôi biết lại dạy lớp nhỏ, vì thế giáo viên Việt kiều - người Việt Nam có thể không tin đâu - như tôi 14 tuổi có thể dạy rồi. Người ta không có người đi dạy nên bắt buộc phải mời tôi đi dạy, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người phải đi dạy. Trong cựu giáo viên có rất nhiều người như tôi."
Mới 14 tuổi, cô giáo Oanh đã bắt đầu công tác gieo trồng con chữ trong cộng đồng kiều bào. Điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn. Sách vở giáo án không có nhiều, thường phải mang từ Việt Nam sang nên quý giá vô cùng. Gọi là các lớp học, nhưng chỉ là mượn sân sau của các nhà dân. Trong mỗi lớp học chỉ có từ 5 – 7 người. Gian truân là vậy, nhưng các thầy cô giáo đều vẫn rất say nghề. Thầy Đinh Văn Mới, hiện đang sinh sống tại tỉnh Nọng Khai hồi tưởng về những năm tháng âm thầm dạy tiếng Việt: "Là những người giáo viên Việt kiều là chỉ dạy sau nhà, không có trường, chỉ dạy gia đình kiều bào đằng sau rộng rộng xin cái bàn, có thể ngồi được 6 em, giáo viên tình nguyện đến dạy. Dạy từ 7h đến 11h rồi 1h đến 4h. Khi đi dạy rất vất vả, sách vở giáo án thì không có. Tất cả đều viết lấy, có một tập thì mượn nhau viết. Thầy cũng là trò mà trò cũng là thầy, vì vừa đi học vừa đi dạy".
Có lẽ cũng vừa học vừa dạy, nên dù trong điều kiện khó khăn như vậy tiếng Việt của thế hệ các thầy cô rất giỏi. Theo lời của cô giáo Lương Thu Thảo, tỉnh Chiang Mai, học trò thời đó rất chăm chỉ, say mê học chữ tiếng Việt. Có những người sinh ra trên đất Thái nhưng sau khi hồi hương vẫn thi đỗ đại học, không kém gì học sinh trong nước: "Cha mẹ mình đã bảo Bác Hồ đã gieo lại lòng yêu nước nhớ nguồn mình phải biết tiếng mẹ đẻ, tiếng Thái không biết, tiếng Việt không biết thì sao, con mình tương lai thế nào, thế là mình phải học, cũng về nước lấy tài liệu, cũng học đủ các môn đấy. Học đủ sử địa công đức nhưng cao nhất cũng chỉ đến lớp 8 thôi. Phải ấn cái giấy loát mỏng lắm cuốn thật nhỏ để mang đi dạy học nhét vào bụng để mang đi học. Cũng học đủ môn. Các anh Việt kiều hồi hương về nước, học không kém các học sinh học khá trong nước."
|
Đoàn cựu giáo viện kiều bào trước cửa đại sứ quán Thái Lan |
Đến năm 1976, quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan được thiết lập, việc dạy tiếng Việt bắt đầu được quan tâm nhiều hơn. Hội người Việt Nam ở Thái Lan ở các tỉnh đều có các lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào. Các thầy cô giáo đã từng dạy tiếng Việt nay tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn tiếp tục giữ vai trò giảng dạy trong Hội ở các tỉnh. Cứ thứ 6 và thứ 7 hàng tuần từ 7h đến 9h tối, thầy Lê Quốc Vi, năm nay đã 62 tuổi, tại tỉnh Ubon Ratchathani lại đứng lớp phụ trách dạy tiếng Việt cho kiều bào Việt Nam. Mỗi lớp có khoảng 15 học viên, độ tuổi của các học viên rất đa dạng, từ những trẻ nhỏ cho đến những kiều bào lớn tuổi. Thầy Vi nhận xét, những học viên kiều bào học tiếng Việt với một tâm thế rất cầu thị: "Các em đều chăm học, cố gắng đến học, và rất vui mừng để đến học. Vì từ trước đến nay coi như các em không biết về tiếng Việt nhưng bây giờ các em nói được tiếng Việt, thậm chí tôi dạy cho các em hát bài Việt thì các em rất phấn khởi. Khi có những đám cưới đám hỏi trong cộng đồng, các em hát những bài tiếng Việt đó trong cộng đồng".
Còn trong câu chuyện với chúng tôi, đôi mắt của cô giáo Nguyễn Thị Xuân Oanh lấp lánh sự tự hào. Ấy là vì trong cuộc thi tiếng Việt các tỉnh ở Thái Lan ngày 2/9 vừa rồi, hai học sinh của cô Oanh đi thi đạt giải nhất phần thi nói và viết. Đó là những thành quả, cơ sở trong quá trình giữ gìn tiếng Việt mà cô giáo Oanh có thể kỳ vọng ở những thế hệ tiếp theo.
|
Thầy giáo Lê Quốc Vi và cô giáo Nguyễn Thị Xuân Oanh |
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt, các thầy cô cựu giáo viên kiều bào hiện nay vẫn mang trong mình tâm huyết, nỗ lực duy trì tiếng nói dân tộc. Một số thầy cô tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập hiện tại, giữ gìn tiếng Việt tại nước ngoài sẽ còn là một hành trình dài đầy gian truân mà có lẽ các cựu giáo viên kiều bào tại Thái Lan chính là những người bắc nhịp cầu đầu tiên trong hành trình ấy.