Gia đình với văn hóa Việt ở nước ngoài

Kim Lan
Chia sẻ
(VOV5) - Mong muốn giữ truyền thống văn hóa và truyền lại cho con cái là tâm sự của hầu hết những gia đình người Việt Nam ở nước ngoài 

Xóa dần những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, những người Việt Nam ở nước ngoài cố gắng duy trì phong tục, tập quán của quê hương trong từng gia đình và truyền cho con cháu.

Nghe âm thanh tại đây:

Qua Mỹ định cư đã 35 năm, nhưng ông Dương Bình vẫn luôn gìn giữ văn hóa của Việt Nam. Hè nào, ông cũng đều đặn cho các con về quê hương học tiếng Việt. Thèm ăn các món ăn Việt Nam, ông Bình có thể lái xe đi đến những địa điểm xa để thưởng thức những món ăn mà mình ưa thích. Ông Bình tâm sự: “Nói sự thật qua 35 năm rồi văn hóa Việt nam tôi vẫn giữ, ẩm thực Việt Nam tôi vẫn thèm. Thành phố tôi ở tôi muốn ăn tô phở, bánh mỳ việt phải lái xe đi 2 tiếng đồng hồ để mua mới có ẩm thực Việt Nam. Vì tôi sống trong khu Mỹ nhiều hơn. Vì vậy, nói gì thì nói vẫn phải giữ truyền thống Việt Nam”.

Gia đình với văn hóa Việt ở nước ngoài - ảnh 1Một gia đình người Việt nhiều thế hệ ở Cộng hòa Sec 

Mong muốn giữ truyền thống văn hóa và truyền lại cho con cái là tâm sự của hầu hết những gia đình người Việt Nam ở nước ngoài khi được hỏi. Đặc biệt, đối với những gia đình mà chỉ có vợ hoặc chồng là người Việt thì những đứa con của họ sẽ khó khăn hơn để có thể hài hòa hai nền văn hóa, nhất là giữ được văn hóa Việt ở nước sở tại. Chị Nguyễn Sầm Thi, Việt kiều tại Anh chia sẻ: “ Những nét việt nam vẫn giữ vì tôi muốn 2 đứa con biết đến phong tục việt nam. Mình thích  đồ ăn việt nam nên những việc như nấu cơm, làm món ăn là một phong tục văn hóa việt nam tôi muốn giáo dục cho các con. Tôi theo đạo phật nên cũng thắp hương, ngày giỗ làm cơm và kể cho các con ở Viêt Nam phải làm gì. Vì các con tôi là lai nên trong gia đình, sắc thái của Anh nhiều hơn sắc thái việt nam nên tôi cảm thấy lo”.

Gia đình với văn hóa Việt ở nước ngoài - ảnh 2 Giữ văn hóa dân tộc ở nước ngoài

Đối với các cô dâu Việt thì khó khăn cũng vậy. Nhiều người đã không được sự cảm thông, hỗ trợ từ phía gia đình chồng và bản thân người chồng khi muốn giữ văn hóa Việt. Ngược lại, khá nhiều cô dâu Việt thực sự nỗ lực từ việc học văn hóa ở nước sở tại đến việc duy trì văn hóa Việt . Hội các cô dâu  Việt ở Hàn Quốc cũng giúp cho chị em chia sẻ kinh nghiệm, biết cách thuyết phục gia đình chồng hiểu về văn hóa của Việt Nam. Chị  Bùi Thị Xiêm, một cô dâu Việt ở Hàn Quốc cho biết, lúc đầu, cũng gặp nhiều khó khăn . Sau một thời gian, khi có con và ra ở riêng, cuộc sống thoải mái hơn. Điều quan trọng là vợ chồng đã thực sự hiểu nhau. Chị Xiêm đã chia sẻ điều này trong Hội các cô dâu Việt:“Chị em vào đó nói chuyện với nhau về gia đình, có những em hoàn cảnh khó khăn gia đình chồng phong kiến thì mình vào nói chuyện chia sẻ động viên các em vì những lúc khó khăn mình cũng đã trải qua rồi. Cũng nấu nhiều món ăn Việt cho bên gia đình chồng”.

Xóa đi những khác biệt về văn hóa và thực sự biết cảm thông đã giúp cho những gia đình Việt và mỗi người Việt duy trì được phong tục, tập quán, truyền dạy cho thế hệ sau. Sự hỗ trợ từ gia đình sẽ giúp mỗi phụ nữ Việt ở nước ngoài tự tin hơn khi tham gia các hoạt động xã hội. Chị Mỹ Dung, một người Việt lấy chồng Đài Loan ( Trung Quốc) tự hào về điều này:“ Mình cảm nhận từ trong cuộc sống, tiềm thức, người ta đã tiếp nhận văn hóa của mình, đồng lòng cho vợ đi làm được những việc đó và giúp đỡ mọi mặt, nếu từ trong gia đình không đồng lòng thì không thể làm được điều gì nên chị em chúng tôi ở đây đều được gia đình ủng hộ”.

Cùng với hòa nhập tốt ở nước sở tại, mỗi người Việt cần ý thức về duy trì văn hóa dân tộc, nhất là cho thế hệ sau. Trong từng gia đình, mỗi thành viên phải thực sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng sự hòa hợp giữa các nền văn hóa.

Feedback