Với hơn 4 triệu rưỡi kiều bào sinh sống tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, người Việt ở nước ngoài đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước thông qua nhiều hình thức. Doanh nhân, trí thức kiều bào ngày càng quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng trong các vấn đề phát triển của đất nước đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Lần đầu tiên các doanh nhân kiều bào hội tụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trong khuôn khổ hội nghị kết nối kiều bào với địa phương. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, hiện nay, kiều bào tham gia đầu tư, kinh doanh ở 45 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 3.000 dự án và số vốn đóng góp và đăng ký gần 4 tỷ đô la Mỹ. Những dự án như vậy không những tạo công ăn việc làm mà còn tăng cường uy tín, vị thế của Việt Nam ngày một tăng cao hơn. Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực to lớn về kinh tế và trí thức. Tuy nhiên làm thế nào để phát huy và thu hút nguồn lực của kiều vào phục vụ cho việc xây dựng và phát triển đất nước là điều mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn trăn trở: “Trong những năm vừa qua chúng tôi đã phối hợp với rất nhiều cơ quan chức năng ở trong nước cũng như các địa phương tổ chức một loạt các hội nghị. Ví dụ, Hội nghị Việt kiều toàn thế giới năm 2016 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, kiều bào đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, trong đó có những đề xuất rất thực tế. Qua các hội nghị như vậy, kiều bào cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích về môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như kinh nghiệm kinh doanh quản lý của quốc tế để các doanh nghiệp trong nước cũng như là chính quyền các địa phương có thể tham khảo, sử dụng, áp dụng trong thực tế”.
Hội nghị kết nối kiều bào với địa phương lần đầu tiên diễn ra tại Nghệ An thu hút khoảng 200 doanh nhân kiều bào từ 23 quốc gia trên thế giới như: Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Séc, Pháp… đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư kinh doanh mới. Trong hội nghị, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn và đưa ra nhiều ý tưởng cũng như các biện pháp để thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy kiều bào về nước kinh doanh nhiều hơn. Tiến sĩ Nguyễn Huy Mỹ làm việc ở Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Liên bang Nga chia sẻ dải đất miền Trung như chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước rất cần sự chung tay của kiều bào trên toàn thế giới. Ông cho rằng, kiều bào đầu tư về lĩnh vực văn hóa ở khu vực này vẫn còn hạn chế: “Tôi nhận thấy bà con kiều bào đầu tư tại Việt Nam rất nhiều lĩnh vực nhưng lĩnh vực văn hóa thì hơi ít. Thời gian tới, tôi mong muốn rằng bà con kiều bào lưu tâm đến việc đầu tư về văn hóa để từ đó đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tôi hi vọng rằng sẽ có nhiều kiều bào về miền Trung để góp sức cùng với quê hương của miền Trung mang tình cảm của Nghệ An, Hà Tĩnh để quay lại nước ngoài và quảng bá với những bạn bè ở nước ngoài”.
Đoàn hơn 60 kiều bào từ Thái Lan về tham dự Hội nghị vui mừng vì quê hương của Hồ Chủ Tịch đang ngày một phát triển và đây là dịp tốt để họ tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Ông Lương Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt-Thái, đề xuất: “Chúng tôi muốn đầu tư ở khu vực miền Trung bằng việc thuê đất mấy chục năm để làm trang trại hoặc kinh doanh. Ở bên Thái Lan, đã có doanh nhân kiều bào Thái Lan mở một cửa hàng trưng bày và giới thiệu hàng hóa Việt Nam. Và ngược lại, ở khu vực miền Trung của Việt Nam, chúng ta cũng nên có một văn phòng như vậy để người dân hai nước Việt Nam và Thái Lan cùng nhau trao đổi, mua bán. Chúng ta phải làm từ ngay bây giờ thì hi vọng sau ba năm đến năm năm nữa sẽ thành công”.
Ông Điện Văn Hùng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Rumania, là một người con xứ Nghệ. Ông cho biết số lượng kiều bào là người gốc Nghệ An sống, lao động, học tập ở nước ngoài khá lớn. Và đây là nguồn lực to lớn để đầu tư trên quê hương cũng như làm cầu nối đưa tỉnh Nghệ An tới gần hơn với bạn bè quốc tế: “Trước hết truyền thông phải làm việc tốt để quảng bá môi trường đầu tư của các địa phương để kiều bào về nước đầu tư. Và điều thứ hai là cán bộ của địa phương tổ chức các chuyến đi ra nước ngoài, thực hiện hội thảo, hội nghị để thu hút kiều bào về đầu tư tại địa phương mình. Hội nghị như thế này là một cách làm tốt để tập trung lực lượng kiều bào về tìm hiểu thực tế. Từ đó, họ sẽ đưa ra những lựa chọn quyết định đầu tư”.
Một số đại biểu cũng đã đưa ra ý kiến về việc chung tay thực hiện chiến lược phát triển Logistics kết nối các cảng biển và cửa khẩu trong việc trung chuyển hàng hóa để khai thác tiềm năng, lợi thế, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung. Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, bày tỏ niềm cảm kích về những kiến nghị, ý tưởng mới của kiều bào đóng góp cho địa phương. Ông khẳng định Nghệ An coi trọng nguồn lực từ các doanh nghiệp kiều bào đối với sự phát triển của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cam kết, với chiến lược phát triển, xây dựng tỉnh Nghệ An là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, Nghệ An đã và đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư và mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư đặc biệt là kiều bào.